Thứ 3, 23/07/2024, 21:13[GMT+7]

Làm gì để phát huy vai trò HTX DVNN trong xây dựng nông thôn mới ở Thái Thụy?

Thứ 6, 10/08/2012 | 14:40:55
2,984 lượt xem
Trước thực trạng hoạt động của nhiều HTX DVNN trên địa bàn hiện nay đòi hỏi các cấp, các ngành từ huyện đến cơ sở, chính bản thân mỗi đơn vị và xã viên cần có sự nhìn nhận đầy đủ hơn, tìm ra hướng đi phù hợp để mô hình thay đổi về chất một cách bền vững.

Cán bộ HTX DVNN xã Thụy Hưng (trái) cùng nông dân ra đồng.

Quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Thái Thụy, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp (HTX DVNN) đóng vai trò rất quan trọng trong điều hành sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Tuy nhiên, trước thực trạng hoạt động của nhiều HTX DVNN trên địa bàn hiện nay đòi hỏi các cấp, các ngành từ huyện đến cơ sở, chính bản thân mỗi đơn vị và xã viên cần có sự nhìn nhận đầy đủ hơn, tìm ra hướng đi phù hợp để mô hình thay đổi về chất một cách bền vững.

Cùng với quá trình phát triển của nông nghiệp-nông thôn, nhất là sau khi thực hiện chuyển đổi theo Luật HTX (năm 2003), các HTX DVNN ở Thái Thụy có bước phát triển tăng cả về số lượng và hiệu quả hoạt động. Toàn huyện hiện có 66 HTX ở 48 xã, thị trấn thu hút 68.908 xã viên tham gia, chiếm 99,06% số hộ được giao ruộng. Sau khi thực hiện chuyển đổi, HTX DVNN hoạt động trên cơ sở điều lệ, nội quy, quy chế điều hành và định mức kinh tế kỹ thuật đã được thảo luận, bàn bạc dân chủ từ cơ sở thôn, xóm, khu dân cư và được đại hội xã viên biểu quyết thông qua.

Bộ máy quản lý trong HTX  gọn nhẹ, chức năng nhiệm vụ và chế độ được phân định rõ ràng, các công việc thực hiện thông qua hợp đồng giao khoán nên trách nhiệm của cán bộ, xã viên được nâng cao, tiết kiệm chi phí quản lý, hạn chế tư tưởng ỷ lại, trông chờ bao cấp của xã viên đối với HTX đồng thời nâng cao chất lượng các khâu dịch vụ. Quản lý tài chính trong HTX cũng chặt chẽ hơn, công khai đến từng hộ, nhiều HTX có tỷ lệ thu hồi sản phẩm hàng năm, hàng vụ đạt từ 95 đến 100%, nhiều HTX cũng đã thu được một phần nợ cũ tạo điều kiện thuận lợi cho HTX hoạt động và điều hành sản xuất. Ngoài 4 khâu dịch vụ bắt buộc, các HTX đã năng động đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm vươn ra thực hiện  thêm một số khâu dịch vụ khác: bao tiêu sản phẩm nông nghiệp, cung ứng giống, vật tư phân bón….để tăng thêm phần vốn quỹ đồng thời thể hiện rõ hơn vai trò “bà đỡ”, tạo niềm tin đối với xã viên.

Mặc dù vai trò của HTX DVNN ở Thái Thụy thời gian qua đã được khẳng định, nhưng thực tế hoạt động và điều hành các khâu dịch vụ ở các đơn vị này cũng còn nhiều khó khăn, bất cập. Trước tiên, nhận thức của cấp uỷ, chính quyền, người dân nông thôn ở một số địa phương về vai trò của HTX còn hạn chế. Nhiều nơi, vẫn còn một số ít hộ không tham gia HTX DVNN, còn có một bộ phận đáng kể ký đơn tham gia HTX nhưng chưa thực sự tự nguyện hoặc gia nhập theo phong trào, điều này dẫn đến việc ý thức trách nhiệm  thực hiện các khâu dịch vụ cũng như việc giao nộp sản phẩm, sử dụng các khâu dịch vụ chưa tốt.

Thái Thụy còn 1 xã đến tháng 6/2012 mới thành lập được HTX DVNN và dự kiến sáng đầu năm 2013 mới thực sự hoạt động điều hành theo luật. Bên cạnh đó, người dân nông thôn do quen tập tục sản xuất nhỏ lẻ nên khi tham gia vào HTX chưa thực sự mạnh dạn đầu tư, góp vốn. Trụ sở của các HTX phần lớn đều tận dụng lại nhà kho, trụ sở cũ, tạm bợ, xuống cấp, trang thiết bị nghèo nàn và hầu hết HTX đều khó khăn trong việc vay vốn, chưa tiếp cận được với các nguồn vốn tín dụng, không có tài sản thế chấp.  Sự quan tâm của các cấp, các ngành đối với HTX dịch vụ nông nghiệp chưa cao, chưa có chính sách cụ thể trợ giúp nguồn vốn, thông tin thị trường, xử lý nợ đọng.

Sau 10 năm chuyển đổi hoạt động theo luật, vốn quỹ của các HTX DVNN ở Thái Thụy tăng bình quân 1.251 triệu đồng/1 HTX nhưng trong đó 80% nguồn vốn do tỉnh hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng và nguồn Nhà nước cấp bù thủy lợi phí. Các khoản nợ mới phát sinh của các HTX lên tới 8.000 triệu đồng, chủ yếu do dân không nộp tiền dịch vụ cho HTX. Một số HTX, nợ khê đọng mới tiếp tục phát sinh trong khi vẫn phải tiếp tục thực hiện các dịch vụ trên toàn bộ diện tích, nếu cứ kéo dài nguy cơ sẽ dẫn đến không còn khả năng hoạt động.

Trình độ cán bộ của các HTX DVNN ở Thái Thụy cũng là một vấn đề đáng bàn: 43,4% chủ nhiệm, 62,5% phó chủ nhiệm, 77,27% kiểm soát, 7,5% kế toán, 93,9% kho quỹ chưa qua các lớp đào tạo, không có trình độ chuyên môn nên chưa thể đáp ứng với yêu cầu điều hành thực tiễn sản xuất. Thực chất, HTX DVNN với vai trò dịch vụ cho kinh tế hộ là chính, không lấy lợi nhuận làm mục tiêu, hiệu quả hoạt động được thể hiện trong sự phát triển của kinh tế hộ. Sản xuất nông nghiệp theo mùa vụ, chịu ảnh hưởng lớn của thời tiết, thị trường, thường xuyên phải xử lý tình huống, cường độ lao động của cán bộ HTX rất vất vả nhưng chế độ tiền công cho họ quá thấp.

HTX nông nghiệp đã ra đời hơn 40 năm nhưng đến năm 2003, cán bộ HTX mới được đóng BHXH và không được tính thời gian công tác trước; thực tế có những cán bộ làm chủ nhiệm HTX nông nghiệp gần 25 năm, sắp đến tuổi nghỉ hưu nhưng đến nay thời gian được tham gia BHXH chưa đầy 10 năm gây tâm lý mệt mỏi, chán nản; một số cán bộ nghỉ việc được hưởng mỗi năm công tác một tháng thù lao nhưng HTX không có tiền để thanh toán. Vì thế, phần lớn cán bộ HTX có năng lực, kinh nghiệm đã xin chuyển công tác khác, số còn lại là cán bộ mới, thiếu kinh nghiệm trong chỉ đạo điều hành.

Giai đoạn đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM hiện nay, vai trò kinh tế HTX nói chung, HTX DVNN nói riêng càng quan trọng hơn bao giờ hết. Vì vậy, không chỉ có Thái Thụy mà tỉnh cần phải đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để mọi người dân nhận thức đúng về vai trò, vị trí, mục tiêu hoạt động của HTX trong quá trình xây dựng NTM. Ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ HTX DVNN về: cơ sở vật chất, đào tạo cán bộ, thuê đất lâu dài, ưu tiên vay vốn ưu đãi để đầu tư công nghệ hiện đại, mở rộng dịch vụ. Thành lập quỹ hỗ trợ HTX, giải quyết nợ tồn đọng, có chính sách đãi ngộ và khen thưởng, giải quyết hợp lý chế độ tiền lương, đóng BHXH … đối với cán bộ HTX DVNN giúp họ yên tâm công tác. Cùng với chính sách hỗ trợ, chính bản thân từng HTX cũng phải tự mình nỗ lực tổ chức, thực hiện tốt các khâu dịch vụ, vươn ra làm thêm một số khâu dịch vụ khác, tạo niềm tin tưởng đối với xã viên…góp phần cùng các thành phần kinh tế khác sớm xây dựng thành công mô hình NTM.

Bài, ảnh: Nguyễn Hình

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày