Thứ 2, 23/12/2024, 23:30[GMT+7]

An Ninh Toàn dân chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới

Thứ 5, 06/09/2012 | 16:50:52
1,438 lượt xem
Chỉ hơn 2 năm bắt tay xây dựng nông thôn mới (NTM), bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, xã An Ninh (Quỳnh Phụ) đã đạt 10/19 tiêu chí. Bộ mặt nông thôn với nhiều đổi thay, hệ thống đường giao thông nông thôn, điện, trường, trạm được đầu tư xây mới; những ngôi nhà kiên cố, cao tầng đua nhau mọc lên. Vui mừng hơn cả là sự đổi thay trong nếp nghĩ, cách làm của người dân nơi đây trong quá trình xây dựng quê hương ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Xã An Ninh (Quỳnh Phụ) đang thay đổi từng ngày. Ảnh: Minh Đức

Trao đổi với đồng chí Đỗ Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND xã về tiến độ xây dựng NTM được biết: Khi triển khai xây dựng NTM, thuận lợi của xã là có tới 6 tiêu chí đạt và cơ bản đạt. Tuy nhiên, những tiêu chí chưa đạt lại là những tiêu chí khó khăn khi thực hiện do cần vốn như: Hạ tầng giao thông, hệ thống thủy lợi nội đồng, cơ cấu lao động, văn hóa và môi trường… Trước những khó khăn đó, Ban chỉ đạo xây dựng NTM của xã đã họp bàn và xác định “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, chú trọng vào khâu tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân.

Nói thì dễ, nhưng bắt tay vào làm mới thấy có nhiều khó khăn cần tháo gỡ, từ đó, các đảng viên, đội ngũ cán bộ xã được phân công để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, lắng nghe để hiểu và tháo gỡ kịp thời những khúc mắc nảy sinh. Kết quả, nhiều khó khăn được giải quyết và biến thành thuận lợi để nhiều xã trên địa bàn huyện phải học tập, làm theo. Với sự đồng thuận, ủng hộ cao của cán bộ, đảng viên và người dân trong xã, nhiều tuyến đường được mở rộng và nâng cấp. 100% trục đường liên thôn được cứng hóa, đường vào các ngõ xóm cơ bản cứng hóa với sự nỗ lực của chính người dân. Tiêu biểu như: thôn Phố Lầy, thôn Vạn Phúc, thôn An Ninh, nhân dân tự nguyện hiến đất, phá bỏ tường rào của gia đình và đóng góp kinh phí, ngày công để làm đường bê tông với chiều dài 6 km, rộng từ 3,5- 4 m… Trong phát triển nông nghiệp, khi xã đưa ra quy hoạch xây dựng vùng sản xuất lúa (508 ha), vùng nuôi trồng thủy sản (120 ha), vùng chăn nuôi tập trung (20 ha) đều được người dân tán thành, ủng hộ và nghiêm túc thực hiện.

Khi được hỏi nguyên nhân vì sao An Ninh không hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa (DĐĐT) trong năm 2011, ông Đỗ Văn Nam cho biết: Nguyên nhân chủ yếu do đơn vị tư vấn quy hoạch chi tiết giao thông, thủy lợi nội đồng cùng một lúc nhận nhiều xã nên triển khai chậm, đến tháng 12/2011 do không đảm bảo đúng tiến độ nên huyện đã thay công ty tư vấn nhằm đẩy nhanh tiến độ quy hoạch chi tiết giao thông, thủy lợi nội đồng của xã nhưng vẫn không triển khai kịp, trong năm 2011, nhưng đến thời điểm này, công tác DĐĐT đã cơ bản hoàn thành với việc giao ruộng ngoài thực địa tại 6/8 thôn. Số thửa giảm từ 14.241 thửa xuống còn 3.940 thửa, trung bình mỗi hộ trước đây có 6,5 thửa, nay còn 1,8 thửa, trong đó thôn Phố Lầy chỉ còn trung bình 1,5 thửa.

Nói về cái lợi của DĐĐT thì hầu như người dân nào cũng nhận thức được, tuy nhiên khi thực hiện thì vấp phải không ít phức tạp, mà một trong những cái phức tạp đó là sự so sánh ruộng tốt ruộng xấu, đồng gần đồng xa. Chính vì vậy, các thôn khuyến khích cho các hộ gia đình tự nhận ruộng theo nhu cầu của gia đình mình. Nếu nhận ruộng xấu - xa thì diện tích sẽ tăng lên gấp 1,5 lần và tiền đóng góp giảm xuống so với ruộng gần từ 4 - 5 lần. Còn những ruộng ở gần - tốt sẽ phải đóng góp cao hơn 3 - 4 lần. Điều đó không những bảo đảm tính dân chủ với tinh thần dân biết, dân bàn, dân quyết định mà còn bảo đảm sự chính xác, công bằng; bởi không ai hiểu ruộng đất bằng chính người nông dân đã bao đời một nắng hai sương cấy cày trên mảnh ruộng đó.

Đặc biệt, việc để người dân tự nhận ruộng trước còn giúp họ được lựa chọn vùng đất phù hợp với khả năng và kế hoạch sản xuất của mình, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, cũng như nâng cao đời sống người dân. Sau khi thu hoạch vụ mùa, An Ninh sẽ tiến hành chiến dịch làm thủy lợi, với khối lượng dự kiến đào đắp 50.000m3; trong đó kinh phí của địa phương 500 triệu đồng, còn lại nhân dân tự nguyện đóng góp, với mỗi khẩu góp kinh phí đào đắp 4 khối đất, tương đương 120.000 đồng và hiến 27m2 đất ruộng để đào đắp bờ vùng bở thửa. Về cứng hóa kênh mương, từ nguồn kinh phí hỗ trợ 1,05 tỷ đồng và trên 2 tỷ đồng vốn đối ứng của địa phương, xã đang triển khai cứng hóa 2 tuyến kênh mương với chiều dài 880 m và một đường nội đồng dài 1,1 km.

Đến thời điểm này, mặc dù thu nhập chủ yếu của người dân An Ninh vẫn từ sản xuất nông nghiệp, chiếm trên 40% nhưng nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân An Ninh đã đạt được kết quả đáng khích lệ: hộ nghèo giảm còn 8%, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 20 triệu đồng/năm, 5/5 chùa cảnh 4 gương mẫu, 3 trường học và trạm y tế đạt chuẩn, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Thành tựu đó của An Ninh có phần đóng góp hết sức quan trọng của tinh thần toàn dân chung sức, đồng lòng vì lợi ích chung của cộng đồng.

         Minh Nguyệt

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày