Thứ 2, 25/11/2024, 15:49[GMT+7]

Quê hương cách mạng Đông Sơn

Thứ 3, 18/08/2020 | 09:08:46
7,143 lượt xem
75 năm trước, hàng nghìn người dân và lực lượng vũ trang xã Đông Sơn (Đông Hưng) với khí thế cách mạng sục sôi đã tham gia và góp phần làm nên thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ngày 19/8/1945. Giờ đây, sau nhiều thập kỷ dựng xây, xã Đông Sơn chuyển mình mạnh mẽ, khởi sắc từng ngày.

Mô hình chuyển đổi của cựu chiến binh Đoàn Hữu Ấm, xã Đông Sơn mỗi năm cho thu nhập 400 triệu đồng.

Dưới ách thống trị của thực dân, phong kiến, cũng như nhiều làng quê khác, Đông Sơn chìm trong màn đêm nô lệ, đời sống của người dân cơ cực, lầm than. Từ khi có Đảng lãnh đạo, người dân Đông Sơn ngày đêm chắc tay súng, vững tay cày thi đua lao động sản xuất, đánh đuổi giặc ngoại xâm. 

Tháng 4/1945, Phù Lưu - Đông Sơn trở thành một trong những cơ sở cách mạng, địa điểm liên lạc quan trọng của Mặt trận Việt Minh trong vùng. Để chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, tổ chức Việt Minh ở Đông Sơn đẩy mạnh tuyên truyền về tội ác của phát xít Nhật; thành lập và phát triển các đội tự vệ vũ trang; vận hành tổ lò rèn Phù Lưu để sản xuất vũ khí cung cấp cho lực lượng tự vệ và Việt Minh trong vùng đánh giặc. Ngay từ đêm ngày 18/8/1945, lực lượng Việt Minh và nhân dân Đông Sơn đã mang cờ và vũ khí theo đường 217 cùng quân và dân các xã bạn tiến về trụ sở huyện lỵ. Sáng sớm ngày 19/8, nhận lệnh tấn công, các cánh quân phá cổng chính của huyện lỵ, tri huyện và đội giúp việc bị bắt. Khởi nghĩa giành thắng lợi hoàn toàn. 

Ông Nguyễn Văn Bần, 87 tuổi, 55 năm tuổi đảng, thôn Bắc bồi hồi nhớ lại: Cách mạng Tháng Tám nổ ra khi đó tôi mới 12 tuổi nhưng tôi và nhiều người khác trong làng thường cầm cờ chạy theo các đoàn biểu tình, hô vang các khẩu hiệu đả đảo phát xít Nhật và bọn tay sai, ủng hộ Việt Minh... Sau này tôi xung phong tham gia đội du kích chống càn, phá bốt, diệt tề, trừ gian để bảo vệ xóm làng.

Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Đông Sơn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các tầng lớp nhân dân khắc phục khó khăn, phát huy nội lực phát triển kinh tế - xã hội, đưa quê hương từng ngày khởi sắc. 

Đồng chí Lã Quý Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã xác định nhiệm vụ trọng tâm là phát triển kinh tế - xã hội để tạo diện mạo mới cho quê hương. Trong đó, xã tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh quy vùng sản xuất theo hướng hàng hóa. Người dân mạnh dạn đầu tư phát triển một số nghề truyền thống tạo việc làm thường xuyên cho trên 4.000 lao động. Đặc biệt, từ năm 2008 xã đã thu hút được một số doanh nghiệp vào địa bàn đầu tư sản xuất, kinh doanh, trong đó có Công ty Cổ phần May xuất khẩu Đại Đồng giải quyết việc làm cho trên 1.000 lao động địa phương. Nhờ đó, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp 5 năm qua của xã đạt 340,4 tỷ đồng, chiếm 64% tổng giá trị sản xuất, tăng 12,2%/năm. Với lợi thế “cận thị, cận lộ”, dịch vụ, thương mại của xã Đông Sơn phát triển đa dạng với trên 500 hộ tham gia, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của nhân dân. Giá trị sản xuất thương mại, dịch vụ 5 năm qua của xã tăng bình quân 5,43%. Bên cạnh đó, địa phương đẩy mạnh quy hoạch vùng sản xuất lúa tập trung, mở rộng diện tích trồng cây vụ đông, 50% diện tích vườn được cải tạo để trồng cây có giá trị kinh tế; có 24 hộ tích tụ ruộng đất với diện tích 19ha, góp phần đưa giá trị sản xuất nông nghiệp của xã tăng bình quân 10,5%/năm. 

Cựu chiến binh Đoàn Hữu Ấm, thôn Đông cho biết: Với mong muốn làm giàu cho gia đình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tôi đã mạnh dạn tích tụ và chuyển đổi gần 6ha ruộng cấy lúa kém hiệu quả, vùng đất trũng hoang hóa cải tạo cấy lúa và làm trang trại VAC nuôi cá, thả gần 1.000 con ngan, gà, vịt, trồng gần 200 cây bưởi, ổi, mít, vải... và cấy lúa chất lượng cao. Mỗi năm trang trại cho thu nhập 400 triệu đồng. Nhờ phát triển trang trại, tôi đã xây dựng được nhà cửa khang trang, đầu tư cho các con ăn học; ngoài ra còn ủng hộ 20 triệu đồng xây dựng nông thôn mới và ủng hộ các loại quỹ cũng như các hoạt động nhân đạo, từ thiện của địa phương.  

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Đông Sơn đã tập trung khai thác mọi nguồn lực, tiếp nhận sự hỗ trợ của cấp trên và nguồn đóng góp, ủng hộ của nhân dân, con em xa quê đầu tư xây dựng 46 công trình của xã, của thôn, bê tông hóa 100% đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng. Hiện xã tiếp tục huy động nguồn lực đầu tư củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí, xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, phấn đấu đạt xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2024.

Thêm một mùa thu tháng tám lại về, thêm sự đổi thay trên mảnh đất này. Những hy sinh của thế hệ đi trước luôn là động lực để cán bộ, đảng viên và nhân dân Đông Sơn hôm nay quyết tâm tạo ra những bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.


Thu Hiền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày