Thứ 2, 23/12/2024, 23:30[GMT+7]

Tuyên truyền xây dựng nông thôn mới Cần tập trung vào đối tượng chủ thể - người dân

Thứ 6, 14/09/2012 | 08:13:55
1,250 lượt xem
Tuyên truyền cho người nông dân hiểu được vai trò, vị trí, quyền lợi của mình khi xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, bức thiết của tiến trình thực hiện.

Trường mầm non xã Minh Hưng (Kiến Xương) vừa được khánh thành đón năm học mới 2012-2013. Ảnh Ngọc Linh

Hàng ngày qua theo dõi, lắng nghe mới chỉ thấy phần nhiều các phương tiện thông tin đại chúng nêu những bài học về công tác dồn điền đổi thửa ở nơi này, vận động thu dỡ và tấm gương hiến đất ở nơi kia để phục vụ cho chỉnh trang đồng ruộng, mở rộng đường làng ngõ xóm thông thoáng theo tiêu chí. Hoặc biểu dương những tấm gương nhiệt tình năng động của những cá nhân, những tập thể, đặc biệt là những đơn vị bộ đội, cùng sự vào cuộc của các tổ chức, ban, ngành, đoàn thể. Có những cá nhân, những nhà doanh nghiệp có tâm huyết, sống nghĩa tình với quê hương cũng ủng hộ tài lực, vật lực gửi về cùng chung tay xây dựng quê hương thật đáng quý, đáng trân trọng. Nhưng bên cạnh đó, rất cần tăng cường tuyên truyền để người dân thấm, hiểu và vỡ ra vấn đề để rồi họ ý thức được và tự giác sống nâng tầm của mình, tầm của người nông dân sống ở nông thôn mới, có sự biến đổi rõ ràng về chất. Cuộc cách mạng làm thay đổi về tư duy và lối sống của người nông dân thực sự không phải trong một sớm, một chiều là có thể làm ngay được.

Cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền một cách thiết thực, phù hợp hơn nữa; bởi vẫn còn không ít cán bộ còn hiểu nông thôn mới chỉ là phấn đấu xây dựng cho nông thôn có đường làng rộng, ngõ to thông thoáng, đường giao thông nội đồng được cứng hóa, hệ thống kênh mương cũng được cứng hóa thuận tiện cho đi lại canh tác… Tiêu chí thứ 16 của một xã được công nhận là nông thôn mới đó là: “Xã có từ 70% số thôn trở lên đạt tiêu chuẩn làng văn hóa theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch”. Ðiều quan trọng là làng văn hóa đã phấn đấu vượt lên chính mình để tự khẳng định mình thì cũng phải phấn đấu không ngừng để giữ vững danh hiệu, để phát triển bền vững.

Thế nhưng thực tế cho thấy nhiều nơi đến đầu làng thì có cổng chào gắn danh hiệu làng văn hóa, nhưng thực chất nhận thức của không ít người dân sống trong chính làng đó còn nhiều vấn đề phải bàn. Một số hộ dân chỉ tranh thủ lợi dụng sự sơ suất của công tác quản lý là lấn chiếm cơi nới. Con người sống sạch sẽ nhưng là sự sạch sẽ của nhà mình, thờ ơ với xung quanh, không tích cực tham gia bảo vệ môi trường chung. Những lối sống đó, hành vi đó không thể coi là lối sống và hành vi văn hóa…

Xây dựng nông thôn mới là phù hợp với quy luật tất yếu của thời đại. Do đó, việc tuyên truyền cho người nông dân hiểu được vai trò, vị trí, quyền lợi của mình khi xây dựng nông thôn mới là việc cực kỳ quan trọng. Có như thế mới phát huy được tính tự giác, sáng tạo của người nông dân. Khi mà họ thực sự tự giác sống “mình vì mọi người”, thực sự tự nguyện hy sinh quyền lợi cá nhân cho quyền lợi cộng đồng, thì họ mới hiểu và yên tâm xây dựng nông thôn mới. Và khi mà tư tưởng trông chờ ỷ lại không còn thì bấy giờ tính chủ động sáng tạo mới được phát huy tối đa, chúng ta mới huy động được sức mạnh tổng hợp và mục tiêu xây dựng nông thôn mới sẽ sớm đi tới đích, sẽ sớm thành công. Do đó việc tuyên truyền cho người dân hiểu và tự ý thức được trách nhiệm của mình trong công cuộc xây dựng nông thôn mới rất cấp thiết.

PHẠM VĂN LỤC

(Vũ Lăng, Tiền Hải)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày