Thứ 2, 23/12/2024, 23:20[GMT+7]

Phụ nữ Đông Phương Tích cực bảo vệ môi trường

Thứ 6, 14/09/2012 | 11:11:29
1,974 lượt xem
Đông Phương được chọn là một trong 9 xã điểm của huyện Đông Hưng xây dựng nông thôn mới (NTM). Hiện xã đã đạt 10/19 tiêu chí, trong đó có tiêu chí 17 về môi trường. Chính sự cố gắng, nỗ lực tập trung mọi nguồn lực chung tay xây dựng nông thôn mới của toàn thể cán bộ, nhân dân mới có được kết quả như vậy. Trong đó, không thể không kể đến những đóng góp thầm lặng của các thành viên tổ thu gom rác thải do phụ nữ đảm nhận.

Chị em phụ nữ Đông Phương tích cực tham gia dọn vệ sinh làm đẹp công sở.

Chị Lưu Thị Nhạn, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đông Phương đúc kết về tình hình môi trường của xã từ năm 2003 trở về trước vẻn vẹn trong 4 chữ: bề bộn, khó khăn. Vì, rác thải, chất thải vứt bừa bãi, súc vật tha lung tung khắp chốn; các hộ chăn nuôi để chất thải chảy tràn lan; xác súc vật chết do dịch bệnh bị quẳng luôn xuống ao, hồ, sông, ngòi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng, làm mất mỹ quan làng xóm.

Bức xúc trước tình trạng suy giảm môi trường, lãnh đạo xã đã làm việc thẳng thắn với chị Nhạn vì cho rằng: môi trường sạch hay bẩn do các bà, các mẹ, các chị nên Hội Phụ nữ phải xắn tay vào cuộc, tìm giải pháp để bảo vệ môi trường.  Cái lý mà lãnh đạo đưa ra không hề sai, để hạn chế, chị Nhạn đề xuất thành lập tổ thu gom rác thải do phụ nữ đảm nhận. Thu gom rác thải là công việc không nặng nhọc nhưng độc hại vì phải tiếp xúc trực tiếp với các loại rác thải “thượng vàng, hạ cám” để lâu ngày, hôi thối, làm tổn hại sức khỏe, tiền hỗ trợ lại ít (thu 200 đồng/khẩu/tháng hỗ trợ chị em) nên ban đầu khó kêu gọi chị em tham gia.

Để góp phần bảo vệ môi trường sống, vì sức khỏe của cộng đồng, làm gương cho hội viên noi theo, chị Nhạn đã kêu gọi các đồng chí cán bộ Hội gương mẫu đi đầu. Năm 2004, 7 tổ thu gom rác thải do phụ nữ đảm nhận được thành lập, gồm 27 thành viên là các chị trong ban chấp hành, chi trưởng các chi hội trực tiếp đi thu gom rác thải sinh hoạt vào ngày 15 và 30 hàng tháng, đưa ra bãi rác thải cách khu dân cư 2 cây số. Thời gian đầu, các chị phải tận dụng xe thồ của gia đình mình thu gom rác thải, sau cấp ủy, chính quyền mua xe kéo cho các tổ, trang bị quần áo, mũ, găng tay, ủng cho từng thành viên, xây dựng hơn 30 bể chứa rác thải ngoài đồng; thậm chí ra cả nghị quyết chuyên đề: không ký bất cứ giấy tờ gì cho các hộ không tham gia đóng góp các khoản theo quy định của Nhà nước, của địa phương, trong đó có phí bảo vệ môi trường để mỗi người đều phải có ý thức bảo vệ môi trường; trích ngân sách hỗ trợ Hội Phụ nữ 7 triệu đồng/năm động viên, khuyến khích chị em phụ nữ tích cực tham gia bảo vệ môi trường.

Có sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, sự tham gia tích cực của chị em phụ nữ, chỉ một năm sau, cảnh quan, môi trường xã Đông Phương đã chuyển biến rõ rệt, đường làng, ngõ xóm phong quang, sạch sẽ, chị em phụ nữ nói riêng, nhân dân nói chung không chỉ tự giác đóng góp phí bảo vệ môi trường mà còn có ý thức hơn trong việc xử lý rác thải sinh hoạt của gia đình mình, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ thu gom rác thải, như: bỏ rác thải vào bao, buộc chặt lại đưa ra nơi quy định đúng ngày thu gom, khi phun thuốc sâu bỏ vỏ bao bì vào túi ni lông buộc lại hoặc bỏ vào các bể chứa rác ngoài đồng; tham gia cùng các đoàn thể phát quang bụi rậm, khơi thông dòng chảy, dọn vệ sinh đồng ruộng, bắt ốc bươu vàng, bắt chuột bảo vệ mùa màng; tự xây đường cống thoát nước có nắp, xây hầm biôga xử lý chất thải trong chăn nuôi…

Dù bận mải với phát triển nghề dệt chiếu cói, công việc của một Chi hội trưởng phụ nữ, việc đồng áng, chăm sóc gia đình… nhưng để bảo vệ môi trường, chị Thanh không từ khó khăn, vất vả, ngày nắng cũng như ngày mưa cứ đúng lịch là kéo chiếc xe thùng cùng cây chổi rễ đi khắp thôn quét, thu rác, đẩy ra bãi; chỉ đạo chị em và trực tiếp tham gia khơi thông dòng chảy, cống rãnh (6 tháng 3 lần), liên tục kiểm tra, đôn đốc các hộ chăn nuôi giữ vệ sinh chung. Chị Thanh tâm sự: nhiều lúc sức khỏe yếu muốn nghỉ nhưng mình mà thôi, sẽ chẳng có ai dám đảm nhận công việc “hạ đẳng” này, vì lúc mới thành lập tổ có 4 chị giờ còn có một mình nên lại tự cổ vũ mình cố lên.

Chị Nguyễn Thị Lan là Bí thư Chi bộ thôn Bình  Minh, làm công việc của một tổ viên tổ thu gom rác thải đã gần 9 năm qua, hàng tuần cùng 3 chị em khác thu gom rác thải sinh hoạt, ngoài ra chị còn là một tuyên truyền viên cho người thân và những người xung quanh chung tay bảo vệ môi trường. Dưới sự dẫn dắt của nữ bí thư năng động, thôn Bình Minh nhiều năm đạt tiên tiến xuất sắc về mọi mặt, trong đó có công tác môi trường.

Vui vì môi trường của xã đã xanh - sạch- đẹp, nhưng chị Nhạn không khỏi lo lắng bởi thiếu người tham gia tổ thu gom rác thải (hiện các thành viên tổ thu gom rác thải chỉ còn 21 chị, trong đó có 6 cán bộ Hội), hy vọng sắp tới phí vệ sinh môi trường tăng lên 8000 đồng/khẩu/6 tháng sẽ động viên các chị tiếp tục hăng hái với công việc vất vả, thầm lặng này. 

Tình trạng ô nhiễm môi trường của xã Đông Phương trước đây khiến cấp ủy, chính quyền bức xúc, Hội Phụ nữ đau đầu. Nay về Đông Phương, tôi cảm nhận được sự rộng rãi, thoáng đãng, sạch sẽ của các con đường liên xã, liên thôn, sự gọn gàng ngăn nắp từ nhà ra ngõ của các gia đình, đặc biệt là tinh thần, trách nhiệm, ý thức chung tay vì một môi trường bền vững của cán bộ, nhân dân nơi đây. Vui khi thấy một diện mạo nông thôn mới đang hình thành rõ nét ở vùng quê Đông Phương.

Bài, ảnh: Thu Hiền

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày