Thứ 3, 23/07/2024, 19:17[GMT+7]

Xây dựng nông thôn mới ở Thụy Chính Còn lắm gian nan

Thứ 4, 19/09/2012 | 15:37:03
1,656 lượt xem
Mặc dù không được chọn là xã điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) nhưng năm 2011 xã Thụy Chính (huyện Thái Thụy) vẫn đi tiên phong hoàn thành dồn điền đổi thửa, huy động sức dân chỉnh trang đồng ruộng. Tuy nhiên, xuất phát điểm là xã nghèo, thuần nông nên việc triển khai xây dựng NTM  hiện còn gặp không ít khó khăn, thách thức, nhiều tiêu chí khó có thể đạt được.

Nhờ sự góp sức của nhân dân, xã Thụy Chính xây dựng được trường Mầm non kiên cố, khang trang

Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Nhưỡng cho biết: thuận lợi nhất của Thụy Chính khi bắt tay vào xây dựng NTM là Đảng bộ, chính quyền và nhân dân luôn đoàn kết, nỗ lực vì phong trào chung của địa phương. Ngay từ những năm 2003-2004, nhân dân các thôn đã tích cực góp tiền, công lao động bê tông hoá 100% tuyến đường trong khu dân cư với tổng kinh phí 600 triệu đồng. Năm 2010, mỗi hộ gia đình góp 75.000đ/sào ruộng ủng hộ để xây dựng trường Mầm non. Đến nay, cả 3 trường học đều đạt chuẩn Quốc gia. Con em xa quê của Thụy Chính cũng luôn hướng về quê hương, ủng hộ hàng trăm triệu đồng góp sức cùng bà con đầu tư lắp hệ thống điện chiếu sáng trong khu dân cư, tôn tạo di tích, làm đường, tài trợ trang thiết bị cho Trạm Y tế…

Đối với công tác dồn điền đổi thửa theo tiêu chí NTM, ban đầu Thụy Chính cũng gặp một số khó khăn như: đồng đất có 50% đất tốt, chân vàn, vàn cao, còn lại 50% vùng triều, trong đó có 20% úng trũng ven sông Sinh, xa khu dân cư; một bộ phận người dân đã quen vùng canh tác không muốn thay đổi; đất 5% phân tán ở nhiều nơi; những khẩu sinh năm 1994 trở về sau không có ruộng, một số người đã mất, chuyển đi nơi khác nhưng vẫn còn ruộng nên nhiều ý kiến thắc mắc trong cộng đồng. Nhưng sau khi Đảng uỷ xã ra Nghị quyết, UBND xã xây dựng phương án dồn điền đổi thửa đưa ra họp, bàn bạc công khai, dân chủ từ trong Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, xuống các chi bộ, tổ chức tuyên truyền, vận động kết hợp lấy ý kiến của nhân dân thì hầu hết đều đồng thuận, ủng hộ. Bà con tự nguyện góp mỗi khẩu 48m2 để đào đắp bờ vùng, bờ thửa, các tuyến giao thông nội đồng, quy hoạch xây dựng các công trình phúc lợi công cộng.

Ngày 1/11/2012, Thụy Chính lao động xã hội chủ nghĩa để làm thủy lợi. Kết quả huy động gần 600 người tham gia. Trong một tháng, mỗi ngày có khoảng 450 người  miệt mài lao động trên các cánh đồng để hoàn thành đắp 100% tuyến bờ thửa, trên 20% tuyến bờ vùng với tổng khối lượng khoảng 12.000mđất. Xã vận động mỗi hộ góp từ 60 đến 70 ngàn đồng/sào, tính bằng công lao động đào đắp, thu trong 4 vụ, kết quả vụ xuân 2012, 100% hộ hoàn thành việc đóng góp theo kế hoạch. Sau dồn điền đổi thửa, bình quân mỗi hộ còn 1,88 thửa. Xã đã quy hoạch các vùng sản xuất, đường to, bờ lớn, nhân dân mua máy về  phục vụ sản xuất nên canh tác rất thuận tiện. Trong năm 2012, Thụy Chính sẽ tiếp tục huy động sức dân hoàn thiện đào đắp các tuyến bờ vùng, lắp đặt khoảng 3.000 cống bi, tạo tiền đề để xây dựng các mô hình cánh đồng mẫu trong những năm sau.

Theo lời anh Nhưỡng: mặc dù kết quả bước đầu khả quan, nhưng đến thời điểm này Thụy Chính mới đạt được 6 tiêu chí. Chặng đường thực hiện 13 tiêu chí còn lại sẽ gặp rất nhiều gian nan. Bởi hiện nay, toàn xã có 98% hộ gia đình, 84% lao động làm nông nghiệp, tỷ trọng 24%, thu nhập bình quân của người dân đạt 11 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 7,2%.

Hệ thống cơ sở hạ tầng dù đã được đầu tư xây dựng nhưng chưa đồng bộ, nhiều công trình xuống cấp nghiêm trọng. Cụ thể, các tuyến đường giao thông dù đã được rải đá, láng nhựa hoặc cứng hoá bằng bê tông nhưng cũng đã xuống cấp cần tu sửa, nâng cấp. Nhiều đoạn mặt đường nhỏ hẹp không đạt tiêu chuẩn nhưng khó phóng mặt bằng do nhà của người dân nằm sát ngay lề đường, chưa kể hàng chục km đường trục chính nội đồng là đường đất, khi mưa lầy lội. 5 trạm bơm, hệ thống cống phục vụ tưới tiêu được xây dựng từ lâu hiện đã xuống cấp, sông ngòi bồi lắng, toàn xã mới có 3.300m kênh được cứng hoá, số còn lại đắp bằng đất nên việc vận hành cả hệ thống tưới tiêu phục vụ sản xuất gặp rất nhiều khó khăn. Cả 3 trường học dù đã đạt chuẩn nhưng vẫn còn thiếu các phòng chức năng, trang thiết bị phục vụ dạy và học. Trụ sở làm việc của Đảng uỷ-HĐND-UBND xã xây dựng từ năm 1974 quy mô nhà cấp 4, nhà làm việc 4 phòng và 1 hội trường 250 chỗ ngồi nhưng hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Sân vận động trung tâm nhỏ hẹp, xã chưa có khu thể thao phục vụ hoạt động văn hoá thể thao. Cả 3 thôn đều chưa có nhà văn hoá thôn, phải tận dụng khu trông trẻ cũ làm nơi sinh hoạt cộng đồng, 2/3 thôn có sân vận động nhưng chưa đủ diện tích. Xã có 1 điểm bưu điện văn hoá nhưng các thôn vẫn chưa có điểm Internet. Ngoài ra các tiêu chí khác như: chợ, nhà ở dân cư, môi trường… cũng chưa đạt chuẩn theo yêu cầu.

Theo đề án xây dựng NTM của xã: để xây dựng thành công NTM, Thụy Chính cần nguồn vốn đầu tư gần 94,7 tỷ đồng, trong đó khoảng 60% sẽ phải huy động từ ngân sách địa phương và nhân dân đóng góp. Anh Nhưỡng tỏ ra rất băn khoăn: với số tiền lớn như vậy địa phương chưa biết tìm nguồn ở đâu. Tiền đầu tư cơ sở hạ tầng chủ yếu trông vào nguồn đấu giá đất nhưng nơi đây là vùng sâu vùng xa, giá bán thấp mà không phải đất chỗ nào cũng quy hoạch bán được. Đối với nguồn huy động từ nhân dân: bà con có thể hiến công, hiến đất nhưng nếu huy động góp tiền sẽ rất khó khăn. Để xây dựng NTM, xã đã đưa ra nhiều giải pháp: tập trung đầu tư phát triển sản xuất để tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân đồng thời huy động tối đa các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên hoàn thành 19 tiêu chí theo quy định là cả một chặng đường dài, Thụy Chính cần có thời gian và sự hỗ trợ của các cấp, các ngành. Việc cần kíp trước mắt là hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng phục vụ cho sản xuất, xây dựng trụ sở Đảng uỷ-HĐND-UBND xã, quy hoạch và đầu tư các vùng sản xuất hàng hoá tập trung, hỗ trợ tập huấn KHKT, giống vốn cho nông dân…

Bài, ảnh: Nguyễn Hình

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày