Thứ 2, 23/12/2024, 23:18[GMT+7]

Huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới ở Vũ Lạc

Thứ 4, 19/09/2012 | 15:37:24
2,078 lượt xem
Ngay sau khi Tỉnh uỷ có Nghị quyết số 02 về xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Vũ Lạc (Thành phố) đã coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của địa phương. Để xây dựng thành công mô hình NTM thì ngoài sự hỗ trợ của cấp trên, Vũ Lạc luôn xác định nguồn lực tại chỗ giữ vai trò quyết định. Từ đó huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc kết hợp phát huy vai trò chủ thể của người dân. Nhờ vậy đến nay xã đã hoàn thành nhiều công trình hạ tầng và đạt 9/ 19 tiêu chí.

Sau dồn điền đổi thửa, nhiều nông dân Vũ Lạc mua máy móc, nông cụ phục vụ sản xuất.

Khi bắt tay vào xây dựng NTM, Vũ Lạc có khá nhiều thuận lợi do nằm cách không xa Thành phố Thái Bình; có sông Trà Lý và quốc lộ 39B chạy qua rất thuận tiện cho giao thông thuỷ, bộ; lĩnh vực CN- TTCN phát triển khá sôi động với 1 làng nghề và một số doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn; nội bộ Đảng, chính quyền, đoàn thể đoàn kết, TSVM về tổ chức; nhân dân tin tưởng và đồng thuận cao…Tuy nhiên khó khăn cũng không phải là ít do Vũ Lạc là xã lớn, đông dân, thu nhập chính của đa số các hộ vẫn dựa chủ yếu vào nông nghiệp trong khi mặt bằng ruộng đất không đồng đều và nhiều loại đất; hệ thống giao thông trục xã và liên thôn quá nhỏ hẹp nhưng việc GPMT rất phức tạp vì hầu hết nhà dân ven đường đều đã xây dựng kiên cố…

Xuất phát từ đặc điểm trên, cấp uỷ, chính quyền nơi đây xác định để kịp về đích vào năm 2015 thì nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là tạo sự đồng thuận, nhất trí của cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân từ đó phát huy nguồn nội lực, đặc biệt là nguồn lực về tài chính phục vụ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Theo ông Nguyễn Văn Tân- Bí thư Đảng uỷ xã thì muốn chủ trương xây dựng NTM "thấm" vào từng cán bộ, đảng viên và nhân dân cần phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động. Hình thức tuyên truyền phải đa dạng, thông qua hệ thống loa phát thanh, lồng ghép với các cuộc họp, tổ chức hội nghị quán triệt, cán bộ trực tiếp giải thích cho dân…Thời gian tuyên truyền vừa có trọng tâm, trọng điểm, vừa thường xuyên, liên tục theo kiểu "mưa dầm thấm lâu". Nội dung tuyên truyền phải cụ thể, rõ ràng, vừa nói được cái chung, vừa gắn với đặc điểm của địa phương, nhất là những khó khăn, vướng mắc để người dân chia sẻ, hiến kế cùng với xã. Quan trọng hơn là dân không chỉ được biết mà họ còn phải được bàn, được trực tiếp làm và được kiểm tra, giám sát. Có nghĩa là mọi việc dù lớn hay nhỏ đều phải đưa ra bàn bạc công khai trước dân, lấy ý kiến đóng góp của người dân và chỉ khi nào đa số người dân hiểu và đồng thuận thì mới triển khai thực hiện.

Với phương châm dựa vào dân để lo cho dân, khi dân đã hiểu và đồng thuận thì họ đều tự nguyện, tích cực tham gia thực hiện nội dung các tiêu chí xây dựng NTM. Đơn cử như việc sau DĐĐT đất nông nghiệp, trung bình mỗi hộ dân trong xã đã hiến 35m2 đất để xây dựng các công trình công cộng, thôn cao nhất trung bình người dân hiến tới 60m2. Cùng với đó các thôn đã vận động người dân đóng góp từ 180.000- 220.000đ/ sào kết hợp đóng góp ngày công lao động để đào đắp giao thông thuỷ lợi và chỉnh trang đồng ruộng.

Tính đến hết năm 2011, toàn xã đã đào đắp được 60% bờ vùng; hoàn thành đào đắp 100% các bờ thửa và mương tiêu nội đồng; hệ thống cống đầu khâu và cống tưới tiêu nội đồng cũng được lắp đặt xong đúng vị trí theo thiết kế. Tổng khối lượng đào đắp giao thông thuỷ lợi lên tới trên 100.000m3 đất với kinh phí trên 2 tỷ đồng do nhân dân tự nguyện đóng góp.

Không chỉ sôi động ngoài đồng ruộng, phong trào làm đường giao thông thôn xóm ở Vũ Lạc cũng diễn ra khá sôi nổi với sự tham gia tích cực từ phía người dân. Chỉ trong năm 2011, toàn xã đã mở được 11 ngõ xóm thuộc 5 thôn với tổng chiều dài 713m, diện tích bê tông gần 1.500m2, kinh phí hơn 732 triệu đồng, trong đó ngân sách xã hỗ trợ 27,5 triệu đồng, doanh nghiệp Thuận Cường ủng hộ 40 triệu đồng, còn lại là nhân dân đóng góp.

Cũng từ nguồn ngân sách địa phương, kết hợp vận động nhân dân và doanh nghiệp ủng hộ, Vũ Lạc đã xây dựng được 2 nhà văn hoá thôn đạt chuẩn với khuân viên rộng trên 1.000m2; hỗ trợ tu sửa nhà cho 25 hộ nghèo trị giá 244 triệu đồng…Ngoài ra, từ nguồn vốn hỗ trợ của cấp trên, đến nay Vũ Lạc đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều công trình hạ tầng phục vụ đời sống dân sinh. Tiêu biểu như nâng cấp tuyến đường Vân Động trị giá 350 triệu đồng (nhân dân đóng góp công phụ nề trị giá 15 triệu đồng); xây dựng mới Trường tiểu học trị giá gần 2,4 tỷ đồng; xây dựng hội trường UBND xã trị giá gần 2,28 tỷ đồng; xây dựng 2 bể chứa rác thải tại thôn Vân Động và Thượng Cầm trị giá 637 triệu đồng; cứng hoá 1km mương với kinh phí 600 triệu đồng; nạo vét kênh mương với kinh phí gần 1,2 tỷ đồng…Tất cả các công trình nói trên đều đã hoàn thành quyết toán vốn trong năm 2011.

Hiện tại Vũ Lạc đang tiếp tục huy động mọi nguồn lực để triển khai các công trình hạ tầng khác để đáp ứng tiêu chí nông thôn mới. Trước mắt là xây dựng Trường mầm non khu B trên khuân viên rộng 5.000m2 (đã hoàn thành khảo sát, dự kiến khởi công vào cuối năm 2012); xây dựng hệ thống cấp nước sạch với kinh phí 9,5 tỷ đồng do Công ty cấp nước Thái Bình đầu tư (hiện đã xây dựng xong bể chứa và lắp đặt hệ thống cấp nước chính, phấn đấu trong năm nay sẽ có khoảng 75% số hộ dân trong xã được sử dụng nước máy hợp vệ sinh). Đồng thời tiếp tục hoàn thiện hệ thống thuỷ lợi nội đồng, giao thông nông thôn và nhiều công trình dân sinh khác để đạt mục tiêu trở thành xã NTM vào năm 2015.

Vũ Mạnh

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày