Thứ 2, 23/12/2024, 23:04[GMT+7]

Dồn điền đổi thửa ở Tiền Hải Kinh nghiệm từ 13 xã làm điểm

Thứ 6, 21/09/2012 | 10:08:16
1,748 lượt xem
Một trong những mục tiêu quan trọng có tính động lực trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM) là xây dựng nền sản xuất phát triển, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, từng bước hiện đại. Những năm qua, khi chia ruộng cho các hộ gia đình để đảm bảo có tốt, có xấu, có xa, có gần và 2 kỳ điều chỉnh theo Quyết định 652, 948 của tỉnh, bình quân mỗi hộ có từ 2 - 4 thửa, cá biệt có hộ từ 5 - 6 thửa.

Dồn điền đổi thửa tạo điều kiện đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, giảm giá thành sản xuất cho nông dân.

Diện tích mỗi thửa nhỏ, ruộng đất bị chia cắt manh mún gây khó khăn cho quá trình canh tác của nông dân và công tác quản lý, điều hành của địa phương. Vì vậy, Tiền Hải xác định để đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, thì việc dồn điền đổi thửa (DÐÐT) là quá trình tất yếu, là bước đi quan trọng trong xây dựng nông thôn mới.

Ngay khi bước vào thực hiện XDNTM, bằng nhiều hình thức,Tiền Hải tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và từng hộ gia đình DÐÐT là điều kiện, là tiền đề để xây dựng nông thôn mới; chỉnh trang đồng ruộng, xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng; tạo điều kiện đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất, tiết kiệm lao động nông nghiệp; quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung, xây dựng cánh đồng mẫu. Huyện đã tổ chức hội nghị triển khai đến các bí thư Ðảng ủy, chủ tịch UBND xã, cán bộ địa chính xã, chủ nhiệm hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp để quán triệt các văn bản chỉ đạo và hướng dẫn của tỉnh. Thành lập và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên tổ công tác dồn điền đổi thửa của huyện.

Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức 3 lớp tập huấn cho cán bộ xã, thôn, tổ công tác của huyện, của ngành có liên quan ở huyện. Trong năm 2011 trên địa bàn huyện có 13 xã hoàn thành DÐÐT  đất nông nghiệp, đạt 34,3% so với số xã phải thực hiện. Trước DÐÐT, xã có số thửa ruộng bình quân trên hộ lớn nhất là Vũ Lăng 3,9 thửa/hộ, xã ít nhất là Nam Cường 1,5 thửa/hộ. Sau DÐÐT, xã có số thửa bình quân trên hộ nhiều nhất là An Ninh 1,9 thửa/hộ, Tây Giang, Nam Cường chỉ còn bình quân 1 thửa/hộ. Tổng 13 xã giảm được 27.677 thửa. Qua thực hiện DÐÐT ở 13 xã, bước đầu huyện Tiền Hải đã sơ kết đánh giá và rút ra một số bài học kinh nghiệm. Một là, sự quyết tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp là yếu tố hàng đầu để thực hiện thành công việc dồn điền đổi thửa.

Ngoài An Ninh là xã điểm của tỉnh và 7 xã điểm của huyện bắt buộc phải hoàn thành DÐÐT  trong năm 2011, huyện vận động, khuyến khích các xã còn lại khẩn trương thực hiện DÐÐT. Vì vậy, huyện đã có thêm 5 xã tích cực hoàn thành DÐÐT trong năm 2011. Ðiển hình như xã Nam Thắng, tuy triển khai muộn nhưng cấp ủy Ðảng, chính quyền tập trung chỉ đạo hoàn thành rất tốt việc dồn điền đổi thửa, trong khi một số xã điều kiện thuận lợi hơn nhưng do thiếu sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nên chưa tiến hành được. Hai là, phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận và sự tự nguyện thực hiện của nông dân. Ba là, khi thực hiện DÐÐT phải tuân thủ và bám sát các văn bản chỉ đạo của tỉnh, huyện, vận dụng phù hợp nhất với thực tiễn của địa phương. Dù khẩn trương nhưng phải chuẩn bị rất kỹ càng, chu đáo mọi điều kiện, đúng trình tự các bước theo quy định. Lựa chọn cán bộ trong tổ công tác giúp việc tinh thông nghiệp vụ, có uy tín với nhân dân. Xây dựng sơ đồ giải thửa cụ thể, rõ ràng, giải thích để nhân dân hiểu rõ trước khi bốc thăm chia ruộng. Việc chỉnh trang đồng ruộng theo quy hoạch phải làm trước khi giao đất ngoài thực địa. Bốn là, đảm bảo tính khách quan, công tâm minh bạch. Các gia đình cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, vì lợi ích chung của cả cộng đồng. Có chính sách hỗ trợ sau khi chia ruộng đối với các hộ có hoàn cảnh khó khăn hoặc hộ nhận phải ruộng quá xấu.

Tiền Hải phấn đấu hoàn thành DÐÐT tại 21 xã còn lại trong năm 2012. Ðảng ủy, UBND các xã này đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành theo lộ trình huyện đã đề ra. Tuy nhiên ở một số xã tiến độ còn chậm, còn chưa hoàn thiện được quy hoạch chi tiết giao thông thủy lợi nội đồng, chưa thành lập được ban quản lý, tổ công tác ở xã và các tiểu ban ở thôn... Ðể đảm bảo đúng tiến độ, thời gian tới cùng với xác định rõ những thuận lợi, khó khăn và nguyên nhân, hạn chế, huyện yêu cầu các đồng chí Thường vụ Huyện ủy phụ trách cụm, Huyện ủy viên phụ trách xã, các thành viên Ban Chỉ đạo huyện, các tổ công tác của huyện, các đoàn thể chính trị   tập trung xuống cơ sở chỉ đạo quyết liệt công tác DÐÐT. Tăng cường kiểm tra, nghe báo cáo tiến độ của các ngành chức năng, các xã, thị trấn.  Ðối với những xã chưa hoàn thành quy hoạch giao thông thủy lợi nội đồng vẫn phải đồng thời thu thập tài liệu về quản lý sử dụng đất, bản đồ, sổ mục kê, biển thống kê, sổ giao nhận đất nông nghiệp... và chuẩn bị các vật tư phương tiện cần thiết. Phương án dồn điền đổi thửa phải được thảo luận, lấy ý kiến tham gia rộng rãi từ Ðảng ủy, Ðảng bộ, chi bộ đến toàn thể nhân dân, tạo được sự thống nhất cao trong Ðảng, sự đồng thuận của nhân dân. Ông Ðỗ Văn Trịnh, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện cho biết, với sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân, Tiền Hải sẽ đạt được mục tiêu hoàn thành DÐÐT trên toàn huyện trong năm 2012.

Bài, ảnh: Phan Lợi

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày