Thứ 7, 18/05/2024, 20:56[GMT+7]

Thi đua xây dựng nông thôn mới

Thứ 2, 05/10/2020 | 08:38:44
5,903 lượt xem
Thời gian qua, Thái Bình đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM)”, mang lại hiệu quả thiết thực, làm thay đổi căn bản, toàn diện diện mạo nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại.

Đổi mới trên quê hương Đông Phương (Đông Hưng).

Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, khơi dậy tinh thần thi đua yêu nước của các tầng lớp nhân dân và huy động mọi nguồn lực để xây dựng NTM trên tinh thần “lấy sức dân để chăm lo cho dân”. Cùng với đó, nhiều cơ chế, chính sách trong xây dựng NTM được ban hành, đặc biệt là cơ chế hỗ trợ xi măng đã “kích cầu” các địa phương khai thác tốt các nguồn lực từ xã hội và cộng đồng dân cư đầu tư cơ sở hạ tầng ở nông thôn. Các sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố chủ động tham gia và tích cực thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM” gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các phong trào thi đua và nhiều cuộc vận động khác; nhận hỗ trợ 1 - 2 xã khó khăn xây dựng NTM. Bà Đặng Thị Chiên, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM” đã được Ủy ban MTTQ tỉnh thực hiện gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” và các phong trào thi đua yêu nước khác. Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng và lợi ích thiết thực mà NTM mang lại, MTTQ các cấp tích cực vận động nhân dân góp tiền, hiến đất, tháo dỡ các công trình để quy hoạch, mở rộng đường giao thông, xây dựng các công trình công cộng; hướng dẫn nhân dân thực hiện tích tụ ruộng đất, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, phát triển nghề và làng nghề, thương mại, dịch vụ, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Là tổ chức thành viên của MTTQ, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã phát động, thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM”. Theo bà Nguyễn Thị Phượng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh: Tổ chức hội đã lựa chọn các tiêu chí ưu tiên để tổ chức thực hiện phù hợp với thực tiễn từng cơ sở. 5 năm qua, hội liên hiệp phụ nữ cơ sở đã đăng ký và thực hiện hiệu quả 1.655 công trình, phần việc tham gia xây dựng NTM; tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên và nhân dân đóng góp gần 6 tỷ đồng, hiến trên 2.000ha đất và góp hàng chục nghìn ngày công xây dựng các công trình NTM.

Với tinh thần “Mỗi người dân góp một ý tưởng xây dựng NTM”, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả phong trào thi đua với nhiều cách làm hay, sáng tạo. Chung sức xây dựng NTM, người dân Thái Bình đã đề cao lợi ích tập thể, lợi ích cộng đồng, tự nguyện góp công, góp của, cùng nhau tự quản xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ dân sinh. Từ cơ chế hỗ trợ xi măng của tỉnh, có thời điểm khắp các làng quê như đại công trường để đến hôm nay nông thôn Thái Bình có hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, khang trang, sạch đẹp, làng mà ngỡ phố. Ông Nguyễn Văn Thành, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Tân (Kiến Xương) cho biết: Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM” cùng với các cơ chế hỗ trợ của tỉnh đã kịp thời giải bài toán về huy động nguồn lực xây dựng NTM ở các địa phương. Cũng nhờ tinh thần thi đua xây dựng NTM của người dân đã đưa Thanh Tân trở thành một trong những xã đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt chuẩn NTM. Trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục phát huy tinh thần thi đua yêu nước để xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Nhờ tổ chức thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM”, hết năm 2019 Thái Bình đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM trên phạm vi toàn tỉnh, vượt trước 3 năm so với mục tiêu Đại hội XIX đề ra. Toàn tỉnh có 100% dân cư nông thôn được cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt, vượt trước 2 năm so với mục tiêu Đại hội đề ra. Giờ đây, ở khắp các làng quê, niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt của người nông dân vốn một đời “chân lấm tay bùn” khi họ được hưởng lợi từ thành quả xây dựng NTM. Người đi xa trở về ngỡ ngàng trước sự đổi thay kỳ diệu của quê hương. Điều đáng mừng hơn nữa là từ xây dựng NTM không chỉ diện mạo nông thôn Thái Bình đổi mới mà sản xuất phát triển, hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn. Đến nay, tỷ lệ cơ giới hóa 100% khâu làm đất, 80% khâu thu hoạch giúp người nông dân giải phóng sức lao động, không phải vất vả “một nắng hai sương” trên các cánh đồng. Toàn tỉnh hiện có 13.998ha (gấp 1,3 lần năm 2015) diện tích sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn và cánh đồng có liên kết; diện tích cánh đồng có hợp đồng bao tiêu sản phẩm ngay từ đầu vụ là 9.723ha, gấp 1,4 lần năm 2015; diện tích đất nông nghiệp được tích tụ, tập trung đạt 7.883,6ha, gấp 10,7 lần so với năm 2015. Nhiều giống cây trồng, con vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao được đưa vào sản xuất. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và nâng lên đã rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn với thành thị. Đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều trên địa bàn tỉnh giảm còn trên 2%, bằng gần một nửa mức bình quân cả nước.

“Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất” - lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được các tầng lớp nhân dân Thái Bình tích cực thực hiện thông qua phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM”. Xây dựng NTM không có điểm dừng, vì vậy quyết tâm cũng không dừng lại khi đã về đích NTM; các địa phương trong tỉnh đã và đang nỗ lực thi đua giữ vững các tiêu chí NTM và xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu với mục tiêu mang đến cuộc sống no ấm, hạnh phúc cho nhân dân.

Mạnh Cường

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày