Thứ 6, 26/04/2024, 22:19[GMT+7]

Đột phá đưa nước sạch về nông thôn

Thứ 6, 16/10/2020 | 08:59:22
7,176 lượt xem
Những năm qua, hàng chục nhà máy nước sạch trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành bằng nguồn vốn xã hội hóa giúp nhiều hộ dân ở nông thôn được tiếp cận với nước sạch, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thay đổi diện mạo nông thôn.

Công nhân Công ty Cổ phần Nước sạch Thái Bình kiểm tra, vận hành hệ thống bơm.

Niềm vui nước sạch về làng

Sau nhiều năm phải sống chung với nguồn nước bị nhiễm mặn, từ năm 2016, người dân xã Nam Chính (Tiền Hải) đã có nước sạch phục vụ sinh hoạt. 

Bà Nguyễn Thị Hiền ở thôn Hữu Vi Nam, xã Nam Chính cho biết: Trước đây gia đình tôi thường xuyên phải dùng nước giếng khoan bị nhiễm mặn, không bảo đảm vệ sinh. Mặc dù biết nước không bảo đảm vệ sinh nhưng vẫn phải sử dụng vì không có sự lựa chọn nào khác. Đầu năm 2016, nhà máy nước sạch xã Nam Chính đi vào hoạt động, dẫn nước đến tận nhà, chúng tôi rất vui mừng. Từ khi có nước sạch sử dụng, người dân trong xã, trong thôn ai cũng phấn khởi, yên tâm về sức khỏe. Các công trình nước sạch ra đời đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với người dân sống ở khu vực nông thôn, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng, ổn định cuộc sống và bảo đảm an sinh xã hội.

Ông Nguyễn Duy Tuấn, thôn An Hiệp, xã Quỳnh Giao (Quỳnh Phụ) nhớ lại: Trước đây, gia đình tôi cũng như tất cả các hộ khác trong xã sử dụng nước giếng khoan có qua hệ thống lọc thủ công để phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Từ tháng 10/2014, nhà máy nước sạch Quỳnh Giao đi vào hoạt động thì bà con nơi đây đóng góp tiền, đấu nối đồng hồ, đưa nước sạch về sử dụng. Nước sạch đã làm thay đổi cuộc sống của người dân nông thôn, góp phần giảm thiểu tỷ lệ người dân bị mắc các bệnh liên quan đến sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh.

Công nhân Công ty Cổ phần Xây dựng vận tải Sông Hồng kiểm tra khu vực bể sơ lắng và bể lọc sơ bộ tại nhà máy nước xã Nam Chính (Tiền Hải).

Đột phá từ cơ chế, chính sách

Trước thực trạng người dân nông thôn thiếu nước sạch trong sinh hoạt, từ năm 2012, Thái Bình luôn coi vấn đề nước sinh hoạt và môi trường nông thôn là một trong những mục tiêu quan trọng trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, góp phần hoàn thành tiêu chí môi trường trong chương trình xây dựng nông thôn mới. 

Một trong những yếu tố tạo nên sự thành công trong thực hiện chương trình nước sạch nông thôn ở Thái Bình là những cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư; các cấp, ngành, địa phương đã vào cuộc rất tích cực để các dự án nước sạch nông thôn sớm đưa vào hoạt động.

Nhiều nghị quyết, quyết định và các văn bản chỉ đạo liên quan đến nước sạch đã được ban hành. Trong các năm 2012, 2014, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 12 và Quyết định số 19 quy định một số cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn giai đoạn 2012 - 2015. Đây được coi là bước đột phá, thu hút các dự án, đẩy nhanh tiến độ các dự án cung cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, UBND tỉnh cũng ban hành một số cơ chế, chính sách như như hỗ trợ 100% tiền giải phóng mặt bằng, ưu đãi tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và hưởng những ưu đãi về thuế... Vì vậy, Thái Bình đã nhận được sự quan tâm đầu tư của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực nước sạch.

Người dân huyện Thái Thụy sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày.

Công ty Cổ phần Xây dựng vận tải Sông Hồng là một trong những đơn vị đang cung cấp nước sạch cho 9 xã khu Nam huyện Tiền Hải và khu du lịch sinh thái cồn Vành, cảng cá cửa Lân. 

Ông Đinh Cao Tần, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng vận tải Sông Hồng cho biết: Nhà máy nước xã Nam Chính (Tiền Hải) do Công ty làm chủ đầu tư với công suất 12.000m3/ngày đêm, tổng nguồn vốn đầu tư trên 125 tỷ đồng. Nhà máy được xây dựng từ năm 2014, đi vào hoạt động từ năm 2016, hiện đang cung cấp nước sạch cho khoảng hơn 7.000 hộ dân ở 9 xã với công suất khoảng 7.000m3/ngày đêm. Trước khi quyết định đầu tư xây dựng nhà máy, chúng tôi đã đi tìm hiểu, tham khảo cơ chế, chính sách tại một số tỉnh lân cận như Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Ninh Bình... Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy cơ chế, chính sách của tỉnh Thái Bình rất đúng, trúng, phù hợp với thực tế, qua đó đã phát huy được nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư xây dựng các nhà máy nước sạch, đáp ứng mong mỏi của người dân.

Theo đánh giá của Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), sau nhiều năm triển khai thực hiện, đến nay tình hình cung cấp nước sạch ở khu vực nông thôn đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần bảo đảm sức khỏe của người dân, đẩy nhanh công cuộc xây dựng nông thôn mới. 

Hiện toàn tỉnh có 75 công trình cấp nước sạch tập trung với tổng công suất thiết kế 370.950m3/ngày đêm, cung cấp nước sạch cho 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Trong đó, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, trên địa bàn tỉnh có 15 công trình cấp nước sạch đã được đầu tư xây dựng, tổng công suất thiết kế 16.200m3/ngày đêm, cấp nước cho 23 xã; 20 công trình cấp nước sạch tập trung, đầu tư từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới (WB) với tổng công suất sau nâng cấp là 40.550m3/ngày đêm, cấp nước cho 49 xã khu vực nông thôn; 24 công trình được đầu tư xây mới theo cơ chế khuyến khích của tỉnh với tổng công suất thiết kế 177.200m3/ngày đêm, cấp nước cho 154 xã khu vực nông thôn. 

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 15 công trình cấp nước đô thị với tổng công suất 135.000m3/ngày đêm, cung cấp nước cho 10 phường thuộc thành phố Thái Bình, các khu, cụm công nghiệp, mở rộng cấp nước cho 50 xã, thị trấn trong phạm vi toàn tỉnh; 1 trạm cấp nước của nhà máy Amon Nitrat của Tổng công ty Công nghiệp hóa chất mỏ VINACOMIN cấp nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt của nhà máy và nhân dân xã Thái Thọ (Thái Thụy) với công suất cấp nước 2.000m3/ngày đêm. Đến cuối năm 2019, tỷ lệ người dân khu vực nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt trên 97,05%...

Hải Dương

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày