Thứ 3, 23/07/2024, 19:17[GMT+7]

Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua "Dân vận khéo" góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới

Thứ 6, 12/10/2012 | 14:46:52
3,921 lượt xem
Đến nay, toàn tỉnh có 1.641 mô hình "Dân vận khéo", trong đó trên lĩnh vực phát triển kinh tế có 331 mô hình, lĩnh vực văn hóa - xã hội có 442 mô hình, lĩnh vực quốc phòng an ninh có 148 mô hình, lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị có 136 mô hình.

Đồng chí Nguyễn Đức Nhạ, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy phát biểu kết luận Hội nghị tọa đàm Phong trào thi đua Dân vận khéo tham gia xây dựng nông thôn mới. Ảnh Minh Sơn

Cách đây 63 năm, ngày 15/10/1949, trong bài bài báo "Dân vận", Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công". Tư tưởng "dân vận" của Bác Hồ cũng chính là quan điểm của Đảng ta, coi cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, xác định công tác dân vận là nhiệm vụ hết sức quan trọng của Đảng, đồng thời Bác cũng chỉ rõ phương pháp dân vận phải "khéo". Ngày 26/2/2009, Ban Dân vận Trung ương ra Kế hoạch số 70-KH/BDVTW về tổ chức thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo" trong cả nước; Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 28-CT/TU, ngày 26/3/2009 về thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo". Phong trào đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, bước đầu trở thành phong trào quần chúng rộng rãi, thường xuyên ở các địa phương, cơ quan, đơn vị; góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15/10/1930 - 15/10/2010), Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổng kết, biểu dương, khen thưởng các mô hình "dân vận khéo" điển hình trong toàn tỉnh.

Thực hiện Nghị quyết số 02 của Tỉnh ủy về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020; hưởng ứng phong trào thi đua "Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới" do Thủ tướng Chính Phủ phát động, từ năm 2012 phong trào thi đua "dân vận khéo" tập trung vào nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Với mục đích phát động rộng rãi phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới trong nhân dân; phát huy sức mạnh tổng hợp, nâng cao vai trò chủ thể của nhân dân, vận động nhân dân và các tổ chức trong hệ thống chính trị quyết tâm thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Ban Dân vận Tỉnh ủy đã hướng dẫn việc triển khai thực hiện phong trào, trong đó định hướng nội dung của phong trào lựa chọn những vấn đề khó khăn, phức tạp trong xây dựng nông thôn mới như: dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp, xây dựng giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, xây dựng hệ thống thủy lợi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi đạt giá trị kinh tế cao, bảo vệ môi trường, xây dựng đời sống văn hóa trong cộng đồng...để triển khai thực hiện.

Qua gần một năm, toàn tỉnh đã xây dựng được 262 mô hình "Dân vận khéo" tham gia xây dựng nông thôn mới, tiêu biểu như: mô hình vận động nhân dân hiến đất, góp công góp tiền làm đường giao thông nông thôn ở xã Thanh Tân huyện Kiến Xương; mô hình vận động nhân dân hiến đất, góp công để chỉnh trang đồng ruộng và giao thông nội đồng ở xã Nguyên Xá huyện Vũ Thư; mô hình vận động nhân dân xây dựng đời sống văn hóa ở xã Quỳnh Minh huyện Quỳnh Phụ; mô hình vận động nhân dân giữ gìn vệ sinh môi trường ở xã Tây Đô huyện Hưng Hà...Nhiều mô hình trong các lĩnh vực của đời sống xã hội tiếp tục được duy trì và phát triển, được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, từng bước tạo được tính lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.

Đến nay, toàn tỉnh có 1.641 mô hình "Dân vận khéo", trong đó trên lĩnh vực phát triển kinh tế có 331 mô hình, lĩnh vực văn hóa - xã hội có 442 mô hình, lĩnh vực quốc phòng an ninh có 148 mô hình, lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị có 136 mô hình. Nhân dịp kỷ niệm 82 năm ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15/10/1930 - 15/10/2012) Ban Dân vận Tỉnh ủy đã phối hợp với Huyện ủy Vũ Thư tổ chức tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm về triển khai thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo" tham gia xây dựng nông thôn mới trong toàn tỉnh.

Bên cạnh những thành tích đã đạt được, phong trào thi đua "Dân vận khéo" còn những hạn chế so với yêu cầu đặt ra. Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phong trào; nhận thức về nội dung phong trào thi đua xây dựng điển hình "Dân vận khéo" chưa đầy đủ, sâu sắc; công tác triển khai, tổ chức thực hiện chưa đồng bộ, thường xuyên, sâu sát; vai trò, trách nhiệm tham mưu, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra của một số ban dân vận cấp ủy chưa cao; phong trào ở một số nơi còn mang tính hình thức,  chưa quan tâm đến chất lượng, hiệu quả; một số mô hình chưa sát với nhiệm vụ cụ thể ở cơ sở; thiếu tính lan tỏa, bền vững trong cộng đồng; phương pháp dân vận khéo chưa được đề cao; công tác tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng các mô hình điển hình chưa được quan tâm đúng mức.

Trong quá trình triển khai thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo" tham gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã rút ra một số kinh nghiệm bước đầu:

Một là: Phải có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với phong trào thi đua "Dân vận khéo". Đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp phải thực sự tâm huyết, trách nhiệm, sâu sát với cơ sở để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, đồng thời phải nhạy bén, sáng tạo, xác định đúng, trúng các công việc cấp bách và cần thiết để chỉ đạo xây dựng phong trào. Phát huy tinh thần tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên để nhân dân thực hiện, làm theo.

Hai là: Việc xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình "Dân vận khéo" phải đa dạng và xuất phát từ tình hình, đặc điểm, yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, góp phần giải quyết được những vấn đề cần thiết trong cuộc sống hằng ngày, đem lại lợi ích thiết thực, cụ thể cho nhân dân.

Ba là: Ban Dân vận các cấp, cán bộ làm công tác dân vận thực hiện tốt công tác tham mưu cho cấp ủy trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch,  kiểm tra, sơ kết, rút kinh nghiệm để định hướng cho phong trào thi đua, nhất là chọn và xây dựng được các mô hình, điển hình, đánh giá hiệu quả từng mô hình, điển hình trước khi nhân ra diện rộng.

Bốn là: Quan tâm và đầu tư công tác tuyên truyền, lồng ghép các nội dung của phong trào thi đua "Dân vận khéo" với các phong trào thi đua, các cuộc vận động; khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp nội dung của phong trào thi đua "Dân vận khéo" với nội dung các phong trào thi đua và các cuộc vận động khác.

Để phong trào thi đua "Dân vận khéo" tiếp tục được triển khai thực hiện sâu rộng, có hiệu quả thiết thực hơn nữa, góp phần quan trọng vào thực hiện các nhiệm vụ chính trị, trọng tâm là tham gia xây dựng nông thôn mới, trong thời gian tới cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

1 - Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận; vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận trong tình hình hiện nay; gắn việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" với phong trào thi đua "Dân vận khéo".

2 - Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nội dung của phong trào thi đua "Dân vận khéo", trong đó trọng tâm là nhân rộng các điển hình "Dân vận khéo" trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết tốt những vấn đề bức thiết của nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội ngay từ cơ sở.

3 - Căn cứ vào kế hoạch, hướng dẫn tiêu chí đánh giá điển hình "Dân vận khéo" của Ban Dân vận Tỉnh ủy, các địa phương, đơn vị cần cụ thể hóa nội dung, tiêu chí, biện pháp tổ chức thực hiện phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương, đơn vị. Trên cơ sở đó hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra phong trào, đồng thời tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cán bộ làm công tác dân vận, nâng cao kỹ năng "khéo" trong công tác vận động quần chúng; tuyên truyền, thuyết phục, giải thích để quần chúng nhân nhân hiểu rõ và thực hiện; quan tâm đến quyền và lợi ích chính đáng, thiết thực của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân.

4- Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền nhằm phổ biến, nhân rộng mô hình, điển hình "Dân vận khéo". Tổ chức đánh giá, công nhận các điển hình "Dân vận khéo"; định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá hiệu quả phong trào, rút kinh nghiệm, khen thưởng động viên kịp thời các mô hình điển hình tốt; xây dựng nội dung, biện pháp tiếp tục tổ chức thực hiện phong trào thi đua trong thời gian tới.

Nhân dịp kỷ niệm 82 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng, Ban Dân vận Tỉnh ủy trân trọng cảm ơn sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự phối hợp tạo điều kiện của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, sự ủng hộ tích cực, nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đối với công tác dân vận của Đảng và phong trào thi đua "Dân vận khéo".

Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của 82 năm công tác dân vận của Đảng, đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận của tỉnh nhà tiếp tục làm nhiều hơn nữa, tốt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa lời Bác Hồ dạy: "Cán bộ dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm" để dân tin, dân làm cho mình, cho gia đình, cho quê hương, đất nước ngày càng phát triển bền vững và thịnh vượng.

NGUYỄN ĐỨC NHẠ

(Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày