Thứ 2, 23/12/2024, 19:18[GMT+7]

Xây dựng nông thôn mới ở Đông Thọ Khó về tiêu chí môi trường

Thứ 6, 26/10/2012 | 15:30:01
2,238 lượt xem
Xã Đông Thọ (Thành phố Thái Bình) nổi tiếng với nghề làm miến dong. Những năm gần đây, nghề này đã đem lại thu nhập ổn định và mở hướng làm giàu cho nhiều hộ dân, nhưng cũng làm cho tình trạng ô nhiễm môi trường ở đây ngày càng nghiêm trọng.

Cơ sở sản xuất miến dong của gia đình anh Nguyễn Văn Luyện, thôn Thống Nhất mỗi ngày xả thẳng ra môi trường hàng chục m3 nước thải

Làm giàu từ miến

 

Gia đình anh Nguyễn Văn Luyện, thôn Thống Nhất làm nghề miến từ  chục năm nay. Mỗi tháng, gia đình anh thu mua trên 30 tấn bột dong riềng để làm miến. Bột mua về được cho vào bể xi măng rồi đổ nước vào ngâm để “rửa bột” cho sạch. Việc rửa bột cần ba bốn nước, bột càng sạch thì miến càng dai và ngon. Tiếp theo dùng máy đánh bột cho thật đều, nhuyễn, sau đó tráng bánh bằng máy. Theo anh Luyện, để làm được một tấn miến thành phẩm phải dùng hết 1,6 tấn bột. Sau khi trừ các chi phí, mỗi cân miến trung bình lãi được 500 - 700 đồng. Bình quân 1 tháng gia đình anh lãi 10 - 15 triệu đồng. Sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, không chỉ được người dân trong tỉnh ưa chuộng, sản phẩm của gia đình anh đã được nhiều thương lái đến đặt hàng mua xuất bán vào thị trường các tỉnh miền Namon>. Hiện, cơ sở của anh đã tạo việc làm ổn định cho gần 10 lao động tại địa phương với mức thu nhập 100.000 đồng/ngày công.

 

Chị Nguyễn Thị Hoa, thôn Đoàn Kết tâm sự: “Trước đây gia đình tôi thuộc diện đói nghèo, kinh tế chỉ trông chờ vào vài mảnh ruộng, làm cả năm mà chẳng đủ ăn, được người chị bên nhà chồng chỉ dẫn, tôi đến với nghề làm miền. Tuy vất vả nhưng giờ nhìn lại trong tay mình có chút vốn liếng lo cho các cháu ăn học cũng tự hào lắm…”.

 

Phó Chủ tịch UBND xã Đông Thọ Nguyễn Văn Tường cho biết: Nhờ có nghề làm miến dong, bún bánh, những năm gần đây đời sống của nhiều hộ gia đình không ngừng tăng cao, bộ mặt nông thôn thay đổi từng ngày. Nhà cao tầng ngày càng nhiều, đường làng ngõ xóm được bê tông hóa; hầu hết các gia đình đều sắm tiện nghi sinh hoạt đắt tiền. Không chỉ tăng thu nhập cho người dân, nghề làm miến đã tạo việc làm cho gần 400 người trong xã và hơn 100 lao động của các địa phương khác. Việc phát triển kinh tế từ nghề truyền thống đã mang lại những kết quả đáng mừng, số hộ nghèo ngày càng giảm. Hiện toàn xã chỉ còn 6% hộ nghèo. Trong khi ở nhiều xã, tỷ trọng nông nghiệp chiếm từ 50-70% trong cơ cấu kinh tế thì nông nghiệp Đông Thọ chỉ chiếm 28%, công nghiệp - TTCN là 38%, còn lại là thương mại, dịch vụ.

 

Còn đó những nỗi lo

 

Sự phát triển của nghề sản xuất miến đã nhanh chóng làm cho làng nghề “phình” ra, quy mô sản xuất của các cơ sở ngày càng mở rộng. Tuy nhiên, do phát triển tự phát không theo quy hoạch nên làng nghề đã nảy sinh vấn nạn ô nhiễm môi trường. Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết các cơ sở sản xuất ở đây đều chưa có hệ thống xử lý nước thải, hoặc có cũng chỉ là “hình thức”. Các hộ xả chất thải trực tiếp ra cống rãnh. Mùa nắng, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc; mùa mưa, nước bẩn theo các con mương tràn vào khu dân cư, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường nước và không khí, đặc biệt là đoạn thuộc 2 thôn: Thống Nhất, Đoàn Kết. Hệ thống thoát nước với các con sông rạch ngày càng bị thu nhỏ, do các hộ xung quanh lấn chiếm, lại không được nạo vét thường xuyên nên hiện tượng rác thải ứ đọng rất nhiều. Bên cạnh đó, trách nhiệm và ý thức bảo vệ môi trường của người dân cũng chưa thật sự cao. Không chỉ người sản xuất gặp khó khăn trong việc khắc phục ô nhiễm môi trường mà chính quyền địa phương cũng “bó tay” trước vấn nạn này.

 

Ông Nguyễn Duy Khang - cán bộ địa chính xã cho biết: “nghề làm miến là nghề thế mạnh của địa phương nên việc bà con tham gia mở rộng quy mô sản xuất là điều đáng mừng. Tuy nhiên, do phát triển phân tán trong khu dân cư nên vấn đề xử lý môi trường rất khó khăn. Giải pháp khả thi nhất hiện nay là di chuyển các cơ sở sản xuất về một khu tập trung, thế nhưng với khả năng của xã thì giải pháp này không khả thi, cần có sự vào cuộc của thành phố và tỉnh”. Cũng theo ông Khang: Việc quy hoạch làng nghề Đông Thọ là việc làm cấp bách vì tình trạng ô nhiễm môi trường ở đây đã quá nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng đến đời sống người dân mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi của chính cơ sở sản xuất do chất lượng vệ sinh của sản phẩm không đảm bảo, bởi dọc tuyến đường và ngay cả trên mặt sông đang bị ô nhiễm nặng, người sản xuất vẫn tận dụng khoảng trống làm sân phơi miến.

 

Là một trong những xã làm điểm xây dựng nông thôn mới của Thành phố, đến nay, Đông Thọ đã hoàn thành 9/19 tiêu chí nông thôn mới, một số tiêu chí cơ bản hoàn thành, nhưng tiêu chí môi trường có lẽ là “cửa ải” khó vượt qua nhất. Để trở thành xã nông thôn mới vào năm 2015 và giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường, hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, ngoài việc quy hoạch làng nghề nằm xa khu dân cư, UBND xã cần tích cực vận động các hộ sản xuất, kinh doanh bún, miến cũng như các cơ sở giết mổ, các gia trại chăn nuôi trong khu dân cư cần xử lý nguồn nước ô nhiễm trước khi thải ra môi trường; phối hợp với các ngành tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách xử lý chất thải trong quá trình làm miến; đồng thời vận động nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong nhân dân.

Bài, ảnh: Đức Dũng

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày