Thứ 2, 23/12/2024, 18:50[GMT+7]

Xây dựng nông thôn mới Những vướng mắc từ thực tiễn

Thứ 4, 21/11/2012 | 08:08:28
1,662 lượt xem
Từ khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đến nay, UBND tỉnh đã ban hành một số quyết định, kế hoạch và các ngành liên quan có những văn bản hướng dẫn tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương thực hiện. Tuy nhiên, một số địa phương đã không thực hiện theo đúng yêu cầu đề ra; bên cạnh đó một số quy định lại chưa phù hợp với thực tế ruộng đồng, xây dựng kết cấu hạ tầng ở cơ sở dẫn đến làm chậm tiến độ xây dựng NTM.

Xã Thái Thọ huyện Thái Thụy đầu tư xây dựng trường mầm non. Ảnh: Thành Tâm

Hiện nay, 100% xã đã hoàn thành quy hoạch chi tiết giao thông thủy lợi nội đồng, nhưng nhìn lại thì kinh nghiệm, năng lực của một số đơn vị tư vấn lập quy hoạch còn hạn chế. Đồng thời sau quy hoạch hầu hết các địa phương không xây dựng quy chế quản lý quy hoạch đã dẫn đến việc dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng không theo quy hoạch được duyệt và không đúng với Quyết định 2312 của UBND tỉnh. Theo Quyết định 2312 thì bờ thửa cách nhau là 100 m, nhưng một số địa phương lại đưa kênh tưới vào giữa, do đó khoảng cách giữa 2 bờ thửa chỉ còn 50m; đồng thời có xã lại quy hoạch bờ thửa rộng đến 4,5 m và xây mới trạm bơm nhiều hơn so với nhu cầu của các vùng dẫn đến lãng phí vốn đầu tư, tốn đất xây dựng. Điển hình một số xã quản lý thực hiện quy hoạch chưa tốt, cần phải thay đổi quy hoạch chung, như An Ninh (Tiền Hải), Mỹ Lộc, Thụy Hưng (Thái Thụy), Vũ Sơn (Kiến Xương), Quỳnh Hoa (Quỳnh Phụ), Vũ Đoài (Vũ Thư).

Hay như đường giao thông nội đồng quy định trong Hướng dẫn liên ngành số 01/HD-LN ngày 17/8/2011 có cao trình mặt đường cao hơn mặt ruộng bình quân từ 0,7 - 0,8 m, hai bên chân đường xây gạch vữa XMCVR 75, khi được các địa phương thực hiện đã xảy ra nhiều bất cập. Theo nhiều ý kiến từ cơ sở, nếu làm đúng theo quy định này thì không phù hợp với đồng ruộng của các địa phương, bởi lẽ có nơi ruộng cao, nơi thấp mà cứ xây đúng cao trình đường là 0,7 m hoặc 0,8 m thì rất khó cho việc đưa máy móc vào sản xuất. Mặt khác hiện một số xã đã có tuyến giao thông nội đồng trục chính được cứng hóa bằng bê tông, nhưng quy mô lại không bảo đảm theo quy định; do đó nếu phần làm thêm bằng đá cấp phối thì không thể dùng máy lu lèn, do không đủ vệt bánh lu, nhưng nếu đổ bê tông thì kinh phí lại lớn, vì vậy rất khó cho cơ sở để gia cố tiếp phần mặt đường bê tông đã có. Đồng thời việc quy định chi tiết xây gạch 2 bên đường cũng gây không ít khó khăn cho cơ sở, do nhiều nơi muốn xây bằng gạch không nung, hoặc dùng bằng loại gạch khác.

Đối với cứng hóa kênh mương, tại Điều 6 trong Quyết định 09/QĐ-UBND ngày 16/8/2011 của UBND tỉnh  quy định về kênh mương cấp I, loại III chỉ hỗ trợ đối với quy mô kênh có bxh = 0,7 x 0,9 và 0,9 x 1,1, còn các quy mô khác không quy định mức hỗ trợ cụ thể. Trong Hướng dẫn liên ngành, tại Phụ lục 1 quy định mặt cắt thiết kế kiên cố kênh đối với loại dẫn nước cho một máy bơm có lưu lượng từ 540 – 800 m3/h thì mặt cắt đại diện hình chữ nhật Bđ=0,7 m, H=0,9 m và máy bơm có lưu lượng 1.200 m3/h thì mặt cắt đại diện hình chữ nhật Bđ=0,9 m, H=1,1 m, nhưng lại không quy định đối với máy bơm có lưu lượng 1.800 m3/h và 2.500 m3/h.

Ngoài ra, theo các huyện, thành phố thì quy mô kênh theo quy định không phù hợp với quy mô thực tế của hệ thống kênh hiện nay, vì kênh thiết kế từ năm 1997 quy mô được áp dụng theo thiết kế định hình và xác định trên cơ sở các yếu tố lưu lượng máy bơm, diện tích phục vụ, độ dốc đáy kênh… Nhưng hiện nay hệ thống kênh mương, trạm bơm ở một số nơi lại xây dựng quy mô lớn hơn (bxh =0,7 x 0,9 m) đã dẫn đến lãng phí và không phù hợp. Đặc biệt, một số xã lại không thực hiện theo Quyết định 09 và các văn bản hướng dẫn của tỉnh về việc tiến hành cứng hóa kênh mương cấp I, loại III mà chuyển sang làm mương cấp II, như xã Hùng Dũng (Hưng Hà). Việc xây dựng thí điểm cánh đồng mẫu nhiều ý kiến cho rằng cần phải xem xét cụ thể xem nơi nào đã xây dựng cơ sở hạ tầng trước đây rồi thì không nên làm sẽ gây lãng phí, nguồn vốn này nên tập trung cho việc khác.

Trước những khó khăn, vướng mắc trên, tại cuộc họp Tiểu ban Quản lý quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, kinh tế – xã hội,  đồng chí Phạm Văn Ca, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh đã yêu cầu điều chỉnh một số nội dung để phù hợp với điều kiện thực tế của các địa phương. Cụ thể, như cao trình mặt đường giao thông nội đồng trục chính điều chỉnh lại là cao tối thiểu 30 cm, đồng thời hai bên vỉa đường không nhất thiết phải gạch vữa  XMCVR 75 và độ dày tối thiểu là 11 cm… Như vậy, với ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh thì nhiều nội dung được quy định trước đây sẽ được điều chỉnh theo hướng “mềm” để các cơ sở dễ áp dụng, dễ làm, phù hợp với thực tế của địa phương đó.

Xây dựng NTM còn rất nhiều việc phải làm và sẽ xuất hiện không ít vướng mắc, bất cập. Vì vậy, các ngành, địa phương cần sớm có biện pháp chỉ đạo sâu sát và kiến nghị những quy định chưa phù hợp để UBND tỉnh có hướng giải quyết. Trước hết, trong chỉ đạo thực hiện các tiêu chí NTM phải đồng bộ, phù hợp với khả năng nguồn lực của địa phương, những tiêu chí cần ít vồn tập trung làm trước. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, kiểm soát tình hình nợ công, đấu giá quyền sử dụng đất theo Quyết định 372, tránh hậu quả phức tạp xảy ra. Sớm rà soát, ban hành đồng bộ các cơ chế chính sách hỗ trợ; hướng dẫn quy trình thủ tục thanh toán đơn giản thuận tiện; thực hiện nghiêm túc, công khai trong quyết toán, thanh toán vốn; kiểm tra thường xuyên việc thực hiện kế hoạch vốn đầu tư xây dựng NTM cả về danh mục, thời gian hoàn thành, quy mô, tiêu chuẩn…

                                           Nguyên Bình

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày