Thứ 2, 23/12/2024, 19:11[GMT+7]

An Ninh Về đích dồn điền đổi thửa

Thứ 3, 18/12/2012 | 14:40:50
2,922 lượt xem
Đồng ruộng An Ninh (Quỳnh Phụ) giờ đây đã thực sự đổi thay, với việc quy hoạch gọn gàng, liền bờ, liền thửa, hệ thống tưới tiêu nước được củng cố, tạo thuận lợi cho việc thực hiện cơ giới hóa, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và mở rộng diện tích trồng cây vụ đông trên đất 2 vụ lúa, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Hệ thống kênh mương, bờ vùng, bờ thửa thôn Kiến Quan (An Ninh) đã được hoàn thiện

“Với tinh thần chỉ đạo quyết liệt của đội ngũ lãnh đạo cùng sự đồng thuận của nhân dân, chúng tôi đã hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa (DĐĐT), tiến tới chuyển dịch cơ cấu cây trồng - vật nuôi. Chúng tôi xác định, khi DĐĐT thành công thì công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM) đã đi được nửa chặng đường” - ông Đỗ Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND xã khẳng định.

 

An Ninh là một trong 8 xã điểm xây dựng NTM của huyện Quỳnh Phụ. Theo kế hoạch, An Ninh phải hoàn thành DĐĐT trong năm 2011. Tuy nhiên, do đơn vị tư vấn triển khai chậm nên An Ninh chưa hoàn thành quy hoạch chi tiết giao thông thủy lợi nội đồng, do đó không hoàn thành tiến độ. Vì vậy, ngay từ đầu năm 2012, Đảng ủy, UBND xã An Ninh xác định phải hoàn thành công tác DĐĐT trước vụ xuân 2013 và đây sẽ là tiền đề cho việc thực hiện các tiêu chí trong chương trình xây dựng NTM. Triển khai thực hiện công tác DĐĐT, bên cạnh thuận lợi do đã có quy hoạch xây dựng NTM, quy hoạch phát triển sản xuất, xã còn gặp không ít khó khăn, trong đó nổi lên là việc thống nhất phương án DĐĐT trong dân và tỷ lệ đóng góp đất làm giao thông, thủy lợi nội đồng, cũng như sự so sánh ruộng tốt ruộng xấu, đồng gần đồng xa…

 

Để giải quyết vấn đề này, Ban chỉ đạo DĐĐT của xã đã tổ chức tập huấn, trang bị kỹ năng thực hiện DĐĐT cho các thành viên; thống nhất phương án DĐĐT của xã trên cơ sở ruộng của thôn nào vẫn ổn định ở thôn đó, việc giao ruộng vẫn giữ nguyên, bảo đảm công bằng giữa các hộ. Đồng thời, các thôn khuyến khích cho các hộ gia đình tự nhận ruộng theo nhu cầu của gia đình mình. Nếu nhận ruộng xấu - xa thì diện tích sẽ tăng lên gấp 1,5 lần và tiền đóng góp giảm xuống so với ruộng gần từ 4 - 5 lần. Điều đó không những bảo đảm tính dân chủ với tinh thần dân biết, dân bàn, dân quyết định mà còn thể hiện sự chính xác, công bằng; bởi không ai hiểu ruộng đất bằng chính người nông dân đã bao đời một nắng, hai sương cấy cày trên mảnh ruộng đó. Đặc biệt, việc để người dân tự nhận ruộng trước còn giúp họ được lựa chọn vùng đất phù hợp với khả năng và kế hoạch sản xuất của mình, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, cũng như nâng cao đời sống người dân. Trên cơ sở đó,  tổ công tác DĐĐT ở các thôn triển khai xây dựng các phương án giao ruộng ngoài thực địa, kế hoạch xây dựng hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng, tổ chức tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ chủ trương và lợi ích của việc DĐĐT để người dân tự giác thực hiện. Từ chỗ một hộ có đến 5 - 6 mảnh ruộng manh mún, thậm chí có 2 mảnh ruộng trên một xứ đồng, thì An Ninh đã thu lại mỗi hộ còn từ 1 - 2 mảnh ruộng (1 vùng màu và 1 cấy lúa). Số thửa giảm từ 14.241 thửa xuống còn 3.940 thửa, trung bình mỗi hộ trước đây có 6,5 thửa, nay còn 1,8 thửa, trong đó thôn Phố Lầy chỉ còn trung bình 1,3 thửa, số hộ có một thửa chiếm gần 40% tổng số hộ. Cùng với đó, việc tích tụ ruộng đất đã được nhiều nông dân thực hiện với phương châm dồn đổi ruộng của những hộ không có nhu cầu canh tác, nhận thuê lại. Tiêu biểu, như gia đình bà Trần Thị Hường, thôn Phố Lầy, đã nhận thuê ruộng của hơn 100 khẩu, với gần 10 ha để triển khai mô hình cánh đồng mẫu.

 

Bên cạnh việc làm tốt các bước DĐĐT, xã An Ninh đã tập trung quy hoạch lại đồng ruộng, đầu tư nâng cấp hệ thống kênh, mương và đường giao thông nội đồng. Trong 2 năm: 2011, 2012, xã đã đầu tư gần 6 tỷ đồng cứng hóa trên 2 km kênh mương, gần 2 km đường nội đồng. Ngay sau DĐĐT, toàn xã đã đào đắp được 82.000 m3 bờ vùng, bờ thửa, vượt 150% so với kế hoạch; trong đó kinh phí của địa phương 500 triệu đồng còn lại nhân dân tự nguyện đóng góp, mỗi khẩu 4 khối đất, tương đương 120.000 đồng và hiến 27 m2 đất ruộng để đào đắp bờ vùng, bở thửa. Đặc biệt, sau khi nhận ruộng, nhân dân một số thôn đã đầu tư thêm kinh phí để hoàn thành việc đào đắp bờ vùng, bờ thửa. Tiêu biểu như thôn Kiến Quan, mỗi khẩu tự nguyện đóng góp 190.000 đồng để hoàn thành việc chỉnh trang đồng ruộng.

 

Bà Trần Thị Hòa, thôn Kiến Quan cho biết: Trước đây gia đình tôi có 8 sào ruộng với thành 5 mảnh ở 2 xứ đồng khác nhau nên rất tốn công chăm sóc, bảo vệ lúa, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất cũng hạn chế. Nhưng sau khi DĐĐT, toàn bộ diện tích của gia đình tôi được dồn vào 2 mảnh ruộng (1 thửa cấy lúa, 1 thửa chuyên màu) nên thuận lợi trong việc áp dụng đồng bộ các kỹ thuật mới vào canh tác, nâng cao hiệu quả kinh tế. Vì vậy, tôi cũng như nhiều bà con trong thôn đã tự nguyện đóng góp để sớm hoàn thành khối lượng đào đắp bờ vùng bờ thửa, góp phần đưa cơ giới hóa vào sản xuất.

 

Đồng ruộng An Ninh giờ đây đã thực sự đổi thay, với việc quy hoạch gọn gàng, liền bờ, liền thửa, hệ thống tưới tiêu nước được củng cố, tạo thuận lợi cho việc thực hiện cơ giới hóa, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và mở rộng diện tích trồng cây vụ đông trên đất 2 vụ lúa, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Có được thành công đó chính là nhờ tinh thần đoàn kết, chung sức chung lòng của cán bộ và nhân dân trong toàn xã.

Minh Nguyệt

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày