Thứ 3, 23/07/2024, 19:27[GMT+7]

Góp sức đẩy nhanh cơ giới hóa nông nghiệp

Thứ 5, 27/12/2012 | 16:22:54
977 lượt xem
Thời gian qua Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (KC&TVPTCN) trực thuộc Sở Công Thương đã có nhiều cố gắng trong việc trang bị kiến thức cho các chủ máy.

Lớp tập huấn kỹ thuật vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa máy cơ khí nông nghiệp cho người lao động xã Vũ Hòa (Kiến Xương) do Trung tâm tổ chức. Ảnh: Thành Tâm

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), nhất là từ sau khi các địa phương hoàn thành dồn điền đổi thửa thì quá trình cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ta diễn ra khá nhanh. Đến nay, hầu hết các khâu trong quá trình sản xuất đều đã có máy móc thay thế lao động thủ công như: lật đất, thủy lợi, cấy, gặt, tuốt lúa, lên luống, gieo hạt, sấy hạt… Tuy nhiên điểm hạn chế là rất nhiều các chủ máy chưa được đào tạo, tập huấn kiến thức về vận hành máy nông nghiệp. Điều này không chỉ làm giảm năng suất lao động mà đôi khi còn dẫn đến tai nạn lao động rất đáng tiếc. Chính vì vậy, thời gian qua Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (KC&TVPTCN) trực thuộc Sở Công Thương đã có nhiều cố gắng trong việc trang bị kiến thức cho các chủ máy.

 

Trung tâm KC&TVPTCN được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 10 năm 2004. Đây là đơn vị sự nghiệp, có tư cách pháp nhân riêng. Hiện tại, Trung tâm có 13 biên chế, trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên, chưa kể số lao động thời vụ khoảng 3- 20 người và được trang bị hệ thống máy móc thiết bị tương đối hoàn thiện như hệ thống máy vi tính, máy chiếu, camera, máy ảnh kỹ thuật số… Đảm nhận nhiệm vụ giải ngân nguồn vốn khuyến công quốc gia, từ năm 2008 đến nay Trung tâm đã hỗ trợ 8 tỷ đồng cho các hoạt động chuyển giao KH-CN, đào tạo lao động, trình diễn kỹ thuật…Cụ thể, Trung tâm đã phối hợp với chính quyền các cấp và các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức 116 lớp đào tạo, truyền nghề, du nhập nghề mới cho gần 6.000 lao động, chủ yếu là lao động nông thôn; chủ trì xây dựng 16 mô hình trình diễn kỹ thuật trong sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp…

 

Riêng năm 2012, Trung tâm được phân bổ 1,4 tỷ đồng từ nguồn vốn khuyến công quốc gia và đã thực hiện mở 18 lớp đào tào nghề may công nghiệp cho trên 600 lao động; xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật chế biến gạo xuất khẩu bằng công nghệ tách màu tại Kiến Xương và công nghệ dệt chiếu nilon bằng máy tại Hưng Hà… Đặc biệt gần đây, Trung tâm đã chủ trì phối hợp với các xã tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật vận hành máy nông nghiệp.

 

Cơ giới hóa là một xu thế tất yếu của quá trình phát triển nông nghiệp hàng hóa lớn, tập trung. Từ sau khi tỉnh ta bắt tay vào triển khai thực hiện xây dựng NTM, quá trình cơ giới hóa diễn ra càng nhanh chóng nhờ chủ trương hỗ trợ mua máy nông cụ của tỉnh. Cùng với đó là hàng loạt các điều kiện thuận lợi khác như việc dồn điền đổi thửa giúp khắc phục tình trạng ruộng đất manh mún, phân tán hình thành các mảnh lớn liền kề rất thuận lợi cho việc đưa máy móc vào sản xuất; hệ thống bờ vùng, bờ thửa từng bước được củng cố, đắp mới bảo đảm đủ rộng cho các loại máy đi lại dễ dàng. Việc đẩy nhanh cơ giới hoá nông nghiệp không chỉ giúp giảm chi phí sản xuất mà còn góp phần đẩy nhanh tiến độ gắn kết mùa vụ và khắc phục tình trạng thiếu lao động lúc cao điểm về thời vụ đang diễn ra khá phổ biến ở nông thôn hiện nay. Ngoài một số khâu đã được cơ giới hóa từ nhiều năm trước, gần đây đã xuất hiện thêm một số loại máy nông cụ khá mới với nông dân trong tỉnh như máy cấy, máy lên luống, máy gieo hạt, máy sấy…

 

Tuy nhiên điều đáng nói là hầu hết các chủ máy đều là nông dân. Ngoài số ít máy nông cụ do HTX DVNN quản lý và vận hành, còn lại đa số đều do cá nhân người nông dân bỏ tiền ra mua hoặc chung vốn với anh em, bạn bè để mua. Mục đích của việc mua sắm máy là để làm dịch vụ. Vì vậy có thể nói vận hành máy nông cụ đang trở thành một nghề mới ở không ít các xã. Hiện tại, có những xã đã có tới vài chục, thậm chí ba bốn chục chủ máy. Mặc dù họ rất cần cù, chịu khó nhưng phần đông lại chưa được trang bị kiến thức cơ bản về vận hành máy nông nghiệp. Chủ yếu là học “mót” của nhau hoặc làm nhiều thành quen. Tuy cách làm này vẫn giúp các chủ máy vận hành được máy nhưng khi xảy ra hỏng hóc thông thường lại không biết cách sửa hoặc không biết cách bảo trì, bảo dưỡng, vận hành đúng kỹ thuật để kéo dài tuổi thọ cho máy. Thậm chí có nơi còn xảy ra tai nạn lao động do không nắm vững quy trình vận hành.

 

Xuất phát từ thực tiễn nói trên, mới đây Trung tâm KC&TVPTCN đã chủ trì mở 4 lớp tập huấn kiến thức về vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa máy nông nghiệp cho các chủ máy tại 3 điểm là Bình Định, Quang Bình và Bình Minh (Kiến Xương). Sắp tới, Trung tâm dự định sẽ mở thêm lớp thứ 5 tại xã Vũ Hòa. Mỗi lớp thu hút khoảng 50-60 chủ máy từ xã sở tại và các xã lân cận về dự học. Để nâng cao chất lượng lớp học, Trung tâm đã mời các giảng viên có uy tín và giỏi về chuyên môn đang công tác tại Trường Đại học công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (cơ sở phía Bắc) trực tiếp đến truyền đạt kiến thức.

 

Trong thời gian diễn ra lớp học, các học viên sẽ được tiếp cận với những phần lý thuyết chung nhất về máy nông cụ như: Khái quát chung về động cơ đốt trong; nghiên cứu hệ thống phát lực, hệ thống phân phối khí, hệ thống bôi trơn, hệ thống làm mát; trang bị điện cho động cơ đốt trong…Ngoài phần học lý thuyết, các học viên còn được trực tiếp thực hành vận hành máy, xem bổ máy, phổ biến một số hỏng hóc thường gặp. Thông qua lớp tập huấn không chỉ giúp học viên vận hành máy nông cụ đúng quy trình kỹ thuật mà còn giúp họ biết cách bảo dưỡng máy định kỳ và tự sửa được những hỏng hóc thông thường, khắc phục tình trạng lúa chín nằm chờ máy, mạ đến tuổi cấy nằm chờ ruộng do máy hỏng.

 

Việc Trung tâm chọn bồi dưỡng kiến thức cho lực lượng chủ máy ở nông thôn là đúng hướng và rất đáng biểu dương. Tuy nhiên tới đây Trung tâm cần tổ chức rộng hơn ở các huyện, tăng thời gian thực hành để học viên nắm chắc quy trình, kỹ năng cơ bản và nghiên cứu thời gian tổ chức lớp học hợp lý, tránh tổ chức vào thời điểm cận thời vụ để thu hút đông nhất lượng học viên về dự học.

Vũ Mạnh

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày