Thứ 3, 23/07/2024, 19:13[GMT+7]

Theo Bí thư về Thụy Phúc

Chủ nhật, 30/12/2012 | 19:38:23
2,032 lượt xem
Không nằm trong 8 xã làm điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh, cũng không phải 10 xã làm điểm của huyện Thái Thụy. Nhưng làm được NTM như Thụy Phúc đúng là điểm sáng của tỉnh, của cả nước về cách làm, cách chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền.

Sẽ có tổng kết, trước hết là chọn ra những “điểm sáng” xây dựng NTM”. Đó là ý kiến đánh giá về kết quả xây dựng NTM ở xã Thụy Phúc của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trong chuyến khảo sát mới đây.

Không nghe báo cáo ngay như chương trình đã định, Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy đi ra cánh đồng, vào thôn xóm để kiểm tra thực tế kết quả xây dựng NTM của Thụy Phúc. Gặp bà con đang đắp bờ vùng trong cái rét se lạnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nói chuyện với bà con ngay trên con đường đang hình thành. Đồng chí quan tâm nhiều đến vấn đề bà con hiểu thế nào về xây dựng NTM;  mỗi công đi làm thế này thì được bao nhiêu tiền?... Các bà, các chị quần xắn cao, tay cầm cuốc thưa với đồng chí lãnh đạo tỉnh về những gì mình biết về xây dựng NTM. Mọi người đều biểu lộ quyết tâm xây dựng NTM và sẵn sàng góp công sức cho công cuộc xây dựng NTM, bởi theo bà con là làm nông thôn mới cho mình, nên không ngại khó, ngại khổ.

Đi trên con đường rải đá, láng nhựa và đường xương cá bê tông vào các ngõ xóm, đoàn công tác thấy rõ hơn vóc dáng, hình hài của một NTM đang hiện hữu ở một vùng quê thuộc vùng sâu, vùng xa của Thái Thụy. Vào nhà trẻ, mẫu giáo của Thụy Phúc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy ân cần hỏi thăm tình hình hoạt động nuôi, dạy trẻ; xem nhà bếp nấu cơm, thức ăn cho các cháu; ra vườn rau xem những luống rau sạch… do các cô tự trồng để bữa ăn các cháu rẻ hơn, sạch, an toàn hơn. Cô Hiệu trưởng Trường Mầm non Thụy Phúc báo cáo với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy rằng: Tỷ lệ huy động các cháu vào nhà trẻ trên 60%, mẫu giáo 100%, trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ II. Trở lại trạm y tế, đoàn công tác của tỉnh vui mừng thấy cơ ngơi, điều kiện cơ sở vật chất của trạm rất tốt; tỷ lệ sinh và sinh con thứ 3 trở lên của Thụy Phúc luôn rất thấp…

Sau khi đi khắp một lượt từ ngoài đồng vào các thôn..., đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và đoàn công tác đã nghe lãnh đạo xã Thụy Phúc báo cáo kết quả sau 3 năm xây dựng NTM. Chủ tịch UBND xã – Nguyễn Trường Ca trình bày tóm tắt thành tựu xây dựng NTM, với từng tiêu chí rành rọt như: Hoàn thành quy hoạch lưới điện đã bàn giao cho Điện lực đầu tư nâng cấp, 100% các hộ sử dụng điện (tiêu chí 4). Các trường tiểu học, THCS đạt chuẩn mức độ I, trường mầm non đạt chuẩn mức độ II (tiêu chí 5). Các tiêu chí: Bưu điện văn hóa xã, nhà ở dân cư, hình thức tổ chức sản xuất, giáo dục, y tế, hệ thống chính trị - xã hội, an ninh trật tự xã hội… Thụy Phúc đều đạt.

Theo Chủ tịch UBND xã, nếu tiêu chí chợ nông thôn; thu nhập bình quân, tỷ lệ cơ cấu lao động có vận dụng thì Thụy Phúc đạt 13/19 tiêu chí. Còn 3 tiêu chí: cơ sở vật chất văn hóa, tỷ lệ hộ nghèo, văn hóa cơ bản đã đạt được. Hiện tại, Thụy Phúc còn 7,2% hộ nghèo, 3,6% hộ cận nghèo (29 hộ), chủ yếu là hộ già cả cô đơn; một số hộ (25% hộ) địa phương đã vận dụng cơ chế chính sách để giảm còn 3%. Đối với tiêu chí 6 thì toàn xã có 3 thôn đã xây dựng xong nhà văn hóa, 1 thôn có sân vận động, 2 thôn còn lại đã quy hoạch, chờ san lấp mặt bằng, tiêu chí này xong trong năm 2013. Mục tiêu để có 70% thôn đạt tiêu chuẩn làng văn hóa, hiện có 1 thôn đạt và một thôn hoàn thành năm 2013. Khó khăn lớn nhất là 3 tiêu chí: giao thông, thủy lợi và môi trường. Theo chủ tịch UBND xã thì năm 2012, Thụy Phúc có dự án WB nâng cấp 1,8 km đường đá láng nhựa, 800m đường bê tông. Nếu dự án kết thúc, về cơ bản Thụy Phúc đã nhựa hóa các trục đường liên xã, liên thôn; đường ngõ xóm được bê tông hóa. Trong đó có một phần nguồn kinh phí của trên, còn lại chủ yếu do nhân dân đóng góp và con em xa quê tài trợ.

Đến hết năm 2012, xã đã có 97% đường giao thông trong khu dân cư được nhựa hóa, bê tông hóa. Đường trục chính nội đồng 12,65 km đã được cứng hóa, cơ giới đi lại thuận tiện, nhưng chưa đạt yêu cầu đề ra. Hệ thống thủy lợi đáp ứng yêu cầu sản xuất hiện tại, song theo tiêu chuẩn NTM thì chưa đạt. Tỷ lệ kiên cố hóa kênh mương  mới đạt 11,7%. Đối với công tác môi trường, các thôn đã có tổ thu gom rác thải, xã đã quy hoạch 16.530 m2 đất làm nơi xử lý, nhưng chưa được đầu tư xây dựng.

Quan tâm đến “dồn điền đổi thửa”, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đặt câu hỏi: Cách làm của Thụy Phúc thế nào? Theo nguyên tắc xây dựng NTM là làm từ ngoài đồng vào, làm từ đường làng ngõ xóm ra, Chủ tịch UBND Thụy Phúc giải thích:  - Theo sự chỉ đạo của UBND huyện Thái Thụy thì đến hết tháng 11/2012, xã đã hoàn thành việc đào đắp giao thông thủy lợi nội đồng. Trong đó nhân dân đóng góp 106.540 m2; đào đắp 41.255 m3 đất, cắm 600 cột mốc bê tông.

- Đến bao giờ giao xong đất cho bà con? Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy bất chợt hỏi.

- Trong tháng 12 - 2012 ạ!

- Còn hai chục ngày làm có kịp không?

- Dạ, kịp ạ!

Bí thư Tỉnh ủy phấn khởi nói: Được, hôm làm xong việc giao đất tôi lại về.

- Tổng kinh phí đầu tư cho xây dựng NTM của Thụy Phúc được bao nhiêu?

Chủ tịch Nguyễn Trường Ca báo cáo: tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng để làm quy hoạch chưa được đầu tư theo Quyết định 09 vì Thụy Phúc không thuộc xã làm điểm xây dựng NTM của huyện Thái Thụy. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy rất vui khi thấy Thụy Phúc chưa được đầu tư đã làm tốt, trong khi có xã làm điểm được đầu tư 40 – 50 tỷ vẫn thua xa so với Thụy Phúc. Chính vì thế, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy quan tâm đến “cách làm NTM” của Thụy Phúc. Anh Ca, Chủ tịch UBND xã giải thích: Thụy Phúc có 3.600 khẩu, chia làm 36 tổ dân cư; các tổ bầu ra tổ trưởng tổ chức hội họp, bàn kế hoạch làm đường, quy định mức đóng góp.

Đúng với tinh thần dân chủ: dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Tiền dân bỏ ra, dân tự làm, tự giám sát… nên tiến độ làm đường rất nhanh. Có thôn đề ra mức đóng góp 200.000 đồng/khẩu; đến khi vận động được con em xa quê ủng hộ… tổ lại trả tiền đóng góp cho bà con; có thôn trả không hết, dùng để duy tu, bảo dưỡng đường. Nhà văn hóa thôn Thượng Phúc, xã chỉ hỗ trợ 24 triệu đồng, còn lại do bà con đóng góp. Cái cách đi vận động “xin kinh phí của Thụy Phúc cũng khá độc đáo: Xin bằng vật liệu, không xin tiền như: đề nghị giúp đỡ vài tấn xi măng, vài khối đá, cát… người thành tâm ủng hộ cũng thấy yên lòng và người đi xin cũng không áy náy. Đồng chí Chủ tịch UBND xã báo cáo vai trò của công tác mặt trận trong xây dựng NTM cũng khá sáng tạo, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị MTTQ xã có báo cáo riêng, tỉ mỉ để tỉnh nghiên cứu. Anh Nguyễn Đức Nhạ, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy quan tâm đến thực hiện quy chế dân chủ trong xây dựng NTM. Anh Nguyễn Hữu Rong, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra đề nghị: “Cho Thụy Phúc vào chương trình đầu tư môi trường” và xin được đặc cách vào xã làm điểm để có cơ chế đầu tư thích đáng. Đi trên những con đường rộng rãi, thênh thang nhưng chưa thật sạch, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy hỏi Chủ tịch Hội LHPN xã về phong trào “5 không, 3 sạch”. Đặt câu hỏi về vai trò của huyện với Thụy Phúc. Anh Rực, Phó Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy, báo cáo: Khi khảo sát, Thụy Phúc mới đạt 5 tiêu chí, các tiêu chí khác gần đạt lại không được đánh giá, nên không đưa Thụy Phúc vào làm điểm. Kết thúc cuộc làm việc, đồng chí Trần Cẩm Tú, Bí thư Tỉnh ủy rất vui, ngợi khen Đảng bộ và nhân dân Thụy Phúc đã chủ động, sáng tạo đoàn kết để xây dựng NTM.

Mặc dù, Thụy Phúc chưa được đầu tư như các xã làm điểm. Một số tiêu chí mà xã báo cáo chưa đạt, là còn khiêm tốn, như: Thu nhập bình quân 28 triệu đồng, cao hơn bình quân chung của tỉnh; cao hơn cả điểm Thụy Trình (17,5 triệu đồng). Cơ cấu kinh tế Thụy Phúc gần như cơ cấu của tỉnh. Sản xuất nông nghiệp toàn diện, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân được nâng lên. Hệ thống nhà văn hóa, đình chùa được tu bổ, sửa sang đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, truyền thống  cốt cách Việt Namon>. Thụy Phúc chưa được đầu tư mà làm giỏi hơn, hay hơn những nơi được đầu tư 40 – 50 tỷ đồng. Như thế là Thụy Phúc làm khác các nơi. Cần tổng kết cách làm, cách vận động, nhất là tư duy của người lãnh đạo và sự đồng thuận của nhân dân. Đây mới là xây dựng NTM. Đúng là cách làm của Thụy Phúc không giống ai, lại hiệu quả. Nói chuyện với các đồng chí lãnh đạo xã, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Các đồng chí làm NTM, tôi tâm đắc nhất là dân chủ, huy động nội lực, không trông chờ ỷ lại. Liệu Thụy Phúc có rút ngắn thời gian xây dựng NTM trước 7 năm, sánh ngang với Thanh Tân (Kiến Xương), Quỳnh Minh (Quỳnh Phụ), vượt Thụy Trình được không? Các đồng chí lãnh đạo xã biểu thị quyết tâm cao với Bí thư Tỉnh ủy và đoàn công tác của tỉnh. Muốn làm được như vậy, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy gợi ý một số vấn đề như: Phải kiểm tra, đánh giá lại các tiêu chí đã hoàn thành, sắp hoàn thành và chưa hoàn thành để phân công từng đoàn thể, từng cán bộ vào cuộc.

Hàng tháng, cử cán bộ, đảng viên về họp với dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân để chấn chỉnh kịp thời lệch lạc, khắc phục tồn tại, tháo gỡ khó khăn… để tiến độ xây dựng NTM phải như dòng chảy liên tục, không đứt đoạn, không ách tắc. Về các kiến nghị của Thụy Phúc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đồng thuận rất cao. Đối với vấn đề môi trường, cơ chế 50 - 50 (tỉnh 50, huyện, xã 50) huyện chỉ tư vấn giúp xã làm dự án. Thủy lợi nội đồng, kênh mương cấp 1, tỉnh hỗ trợ 40, huyện, xã 60. Cần tranh thủ tối đa mọi nguồn lực. Đây là địa phương làm nhiều, nợ ít, chúng tôi sẽ trực tiếp cùng với các đồng chí đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM. Các đồng chí làm tốt được cấp này, cấp nọ khen, nhưng không ai khen chính xác hơn bằng dân khen. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu huyện Thái Thụy cùng với tỉnh giúp Thụy  Phúc xây dựng xong sớm chương trình NTM. Huyện cử một cán bộ trực tiếp về giúp Thụy Phúc.

Trước lúc chia tay, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy còn hỏi Bí thư và Chủ tịch UBND xã Thụy Phúc: Hết năm nay giao xong ruộng cho bà con không? Xong ạ! Hôm đó tôi sẽ về.

Bài, ảnh: Phạm Viết Thanh

(Tác phẩm dự thi viết về đề tài xây dựng nông thôn mới)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày