Thứ 3, 23/07/2024, 19:21[GMT+7]

Thái Thượng Dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp để xây dựng nông thôn mới

Thứ 5, 03/01/2013 | 08:55:16
2,452 lượt xem
Về Thái Thượng những ngày này, khắp cánh đồng chung một khí thế lao động tất bật, khẩn trương. Quên đi cái rét buốt của mùa đông lạnh giá, hàng trăm người dân vẫn miệt mài làm thủy lợi, đào đắp bờ vùng bờ thửa, các tuyến giao thông nội đồng thực hiện dồn điền đổi thửa xây dựng nông thôn mới.

Huyện Thái Thụy huy động nhân lực làm giao thông thủy lợi nội đồng. Ảnh: NGỌC TRÂM

Mặc dù đã ở tuổi 68, nhưng mấy ngày nay ông Phạm Đức Luân (thôn Bạch Đằng) vẫn tích cực cùng bà con đào đất làm thủy lợi trên cánh đồng. Suổi tay, gạt vội đám bùn đất dính trên vai áo, ông chia sẻ: “ Đã sống mấy chục năm nay, chứng kiến nhiều lần dồn đổi, nhận ruộng, nhưng chưa bao giờ tôi phấn khởi như lần này. Bởi dồn điền đổi thửa theo tiêu chí nông thôn mới, mỗi hộ chỉ còn canh tác trên 1 đến 2 thửa, hình thành các cánh đồng lớn, bờ to đưa máy cày, máy gặt vào đồng ruộng để giảm bớt sức lao động cho nông dân thì sẽ tiện không gì bằng. Vì vậy, dù tuổi cao nhưng tôi vẫn cố gắng góp sức cùng bà con, chắc chắn mai này con cháu mình sẽ được hưởng thụ thành quả của nông thôn mới”. Rời Bạch Đằng chúng tôi đến cánh đồng thôn Các Đông, tinh thần lao động cũng hăng say không kém. Phó thôn Tô Duy Tề phấn khởi chia sẻ: “Sau khi tổ chức họp bàn, nhân dân thống nhất, ngày 16/12 nhân dân thôn Các Đông ra quân đào đắp giao thông thủy lợi nội đồng khí thế đông vui như ngày hội. Để giảm bớt gánh nặng đóng góp cho bà con, thôn vận động các gia đình không thuê máy mà tận dụng sức lao động để đào đắp toàn bộ các tuyến bờ vùng, bờ thửa và mọi người đều nhất trí, trung bình mỗi ngày có từ 150 đến 200 người tham gia. Và với khí thế lao động thế này, dự kiến chỉ trong 1 tháng chúng tôi sẽ hoàn thành việc chỉnh trang đồng ruộng. Mong muốn của nhân dân là sau khi dồn điền đổi thửa, tỉnh, huyện quan tâm hỗ trợ một phần kinh phí cứng hóa các tuyến kênh mương, đường đi để phục vụ tốt hơn cho sản xuất. Nếu được đầu tư mà có đóng góp đối ứng thì chắc chắn mọi người cũng sẵn sàng”.

Chủ tịch UBND xã Nguyễn Đức Trọng cho biết: Thái Thượng là xã ven biển, ngoài sản xuất nông nghiệp người dân còn làm rất nhiều nghề: khai thác, nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản. Dù diện tích đất nông nghiệp toàn xã chỉ có 128 ha, năm 2003 xã cũng đã thực hiện dồn đổi ruộng nhưng để hoàn thành việc dồn điền đổi thửa theo tiêu chí nông thôn mới lần này cũng không phải dễ. Bởi đồng ruộng của Thái Thượng chua mặn, nhiễm phèn, cao thấp khác nhau, phân tán ở 8 thôn, 3 HTX quản lý, bình quân mỗi hộ còn chưa đầy một sào ruộng. Các tuyến kênh mương bị bồi lắng, bờ vùng, bờ thửa thấp nhỏ đi lại rất khó khăn. Theo quy hoạch ngoài bỏ công lao động đào đắp từ 4,5 đến 7,7 m3/sào, mỗi hộ còn phải góp từ 5 đến 15 m2/sào để đào đắp bờ vùng, bờ thửa theo tiêu chí nông thôn mới. Công tác dồn điền đổi thửa của Thái Thượng bắt đầu triển khai từ tháng 6/2012. Rút kinh nghiệm từ  những xã đã làm những năm trước, căn cứ vào thực trạng đồng ruộng, Đảng ủy xã ra nghị quyết thực hiện dồn điền đổi thửa.

Để tạo sự đồng thuận trong nhân dân,Thái Thượng đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, mục tiêu và lợi ích của việc dồn điền đổi thửa trên hệ thống loa truyền thanh, qua các cuộc họp Đảng, các đoàn thể. 3 HTX dịch vụ nông nghiệp là Sơn Thọ, Các Đông, Bích Du xây dựng phương án dồn điền đổi thửa riêng của mình, sau đó UBND xã thống nhất cân đối diện tích giữa các thôn, các HTX xây dựng phương án chung trong toàn xã; đưa ra họp bàn lấy ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên và nhân dân công khai, dân chủ từ việc đào đắp giao thông thủy lợi, mức đóng góp đến việc bình nhóm đất, bốc thăm, chia ruộng. Tại các cuộc họp ở thôn, các đồng chí Bí thư, Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND xã phân công nhau trực tiếp xuống dự, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân dân, giúp cơ sở tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Quyết tâm sau dồn đổi mỗi hộ chỉ còn từ 1 đến 2 thửa ruộng, Thái Thượng thống nhất phân chia toàn bộ diện tích thành 2 nhóm tốt-xấu, không để diện tích chân mạ; vận động khuyến khích những hộ tự nhận vùng xa, vùng xấu, vùng tiện canh, tiện cư để không phải bốc số; anh em, bố con trong cùng 1 gia đình bốc chung 1 số. Đối với những hộ đã bốc số, đánh hướng trên bản đồ nhưng khi giao ruộng ngoài thực địa không đủ diện tích thì sẽ chuyển cho những hộ có diện tích phù hợp nhằm hạn chế tối đa việc nhảy thửa. Sau khi toàn thể người dân nhất trí dồn đổi ruộng, thôn tổ chức cho các hộ bốc thăm theo từng cánh đồng, công khai kết quả; tiểu ban ở thôn giao đất cho từng hộ, xác định vị trí cụ thể bằng cột mốc ngoài thực địa.

Nhờ tích cực tuyên truyền, vận động, bàn bạc, thảo luận công khai dân chủ nên chủ trương dồn điền đổi thửa của Thái Thượng nhận được sự ủng hộ của hầu hết người dân địa phương. Từ giữa tháng 12 đến nay, nhân dân cả 8/8 thôn thi đua cùng làm thủy lợi, đào đắp bờ vùng bờ thửa. Điểm khác biệt ở Thái Thượng là xã không thuê máy mà giao cho các thôn huy động toàn bộ sức lao động của nhân dân tự đắp bờ, làm đến đâu chắc chắn đến đó, cải tạo san phẳng ruộng. Gia đình nào không có lao động thì góp tiền trả cho người đi làm. Đắp bờ, san ruộng đến đâu, các HTX thuê máy cày về cày toàn bộ diện tích sau đó chia ruộng cho nhân dân nhằm rút ngắn thời gian. Dự kiến hết tháng 12/2012, Thái Thượng sẽ hoàn thành việc đào đắp các tuyến bờ vùng, bờ thửa với khối lượng 39.000m3. Đầu tháng 1/2013, các thôn tiến hành đo giao ruộng ngoài thực địa. Toàn xã đặt quyết tâm đến Tết Nguyên đán Quý Tỵ phải hoàn thành dồn điền đổi thửa, quy vùng sản xuất bảo đảm kịp thời vụ cho nhân dân sản xuất lúa xuân năm 2013.

Nguyễn Hình

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày