Thứ 3, 23/07/2024, 19:22[GMT+7]

Thụy Hà Điểm sáng xây dựng nông thôn mới

Thứ 2, 14/01/2013 | 08:15:51
1,832 lượt xem
Dù không được chọn là xã điểm của tỉnh, của huyện nhưng thời gian qua xã Thụy Hà vẫn tích cực huy động các nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và trở thành điểm sáng của huyện Thái Thụy.

Thụy Hà đo giao ruộng ngoài thực địa cho nhân dân.

Các công trình hạ tầng xã hội: trường học, trạm y tế, đường giao thông từng bước đầu tư xây dựng khang trang, đồng ruộng được quy hoạch khoa học, dồn đổi thành những ô thửa lớn… tạo điều kiện để địa phương tiến gần hơn đến “đích” của 19 tiêu chí.

 

Cánh đồng thôn Mai Diêm vào ngày cuối cùng của năm 2012, trời rét như cắt da cắt thịt nhưng hàng trăm nông dân vẫn có mặt để nhận ruộng, phá bờ cũ, đắp bờ mới, san lấp mặt bằng chuẩn bị cho sản xuất vụ lúa xuân năm 2013. Đi trên những bờ vùng được đắp hoàn chỉnh rộng từ 3,5 đến 4m, nhìn những ô thửa được quy hoạch vuông vức, cứ 100m lại có một bờ thửa rộng 2,5 m chạy qua kết hợp mương tưới tiêu tới tận ruộng chúng tôi cũng vui lây với niềm vui của bà con. Nhận xong mốc ruộng nhà mình, chị Bùi Thị Luyến tỏ vẻ rất hài lòng chia sẻ: “Tôi đã sống và làm nông nghiệp gần nửa đời người nhưng chưa bao giờ thấy đồng ruộng được quy hoạch gọn gàng, bờ vùng bờ thửa đắp to rộng thế này.

 

Trước đây, mỗi lần thu hoạch lúa là một lần cực nhọc, bờ nhỏ phải gồng gánh đi bộ tới vài trăm mét nhưng giờ xe cộ, máy móc có thể xuống tận ruộng nên nhân dân cả xóm ai cũng phấn khởi. Nếu xây dựng nông thôn mới mà được lợi như thế này thì có góp công lao động, góp tiền bà con cũng sẵn sàng”. Chung niềm vui với chị Luyến, anh Trần Văn Huế, Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp Mai Diêm cho biết: “Mai Diêm thực hiện tốt nguyên tắc công khai dân chủ, đưa ra họp bàn lấy ý kiến của nhân dân đóng góp vào  quy hoạch chi tiết giao thông thủy lợi, phương án dồn điền đổi thửa nên đã nhận được sự đồng thuận của hầu hết người dân trong thôn. Bà con đã tình nguyện góp 15,7m2 đất/sào, tham gia 600 công lao động, đào đắp 36.000m3 nếu quy ra tiền khoảng 970 triệu đồng để làm bờ vùng, bờ thửa. Cùng với nguồn hỗ trợ của Nhà nước, huy động sức dân, thôn và HTX đã đóng góp thêm kinh phí 200 triệu đồng xây dựng các cống dẫn nước, hoàn thành chỉnh trang đồng ruộng phục vụ tốt cho sản xuất”.

 

Chủ tịch UBND xã Lê Duy Đổi cho biết: thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Thụy Hà đã rà soát, phân loại các tiêu chí, tiêu chí nào đã đạt, tiêu chí nào chưa đạt, căn cứ vào điều kiện thực tiễn của địa phương xây dựng lộ trình, giải pháp thực hiện cho phù hợp. Tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực góp công hiến kế xây dựng nông thôn mới, trong đó chú trọng những chỉ tiêu, tiêu chí dễ làm, gần dân, sát dân, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân như: chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo đảm vệ sinh môi trường…

 

Đối với việc dồn điền đổi thửa, Đảng uỷ xã ban hành nghị quyết, tổ chức học tập tuyên truyền nghị quyết cùng với các văn bản có liên quan đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trên cơ sở phương án dồn điền đổi thửa chung của xã, 5 thôn đều xây dựng kế hoạch thực hiện. Đầu tháng 11/2012, xã đã phát động toàn dân ra quân làm giao thông thủy lợi nội đồng. Tổng thể, nhân dân đã góp 82.991m2 đất, tích cực tham gia lao động và chỉ trong thời gian hơn 1 tháng đào đắp xong toàn bộ các tuyến giao thông, thủy lợi nội đồng với tổng khối lượng 102.866m3, nếu quy ra tiền khoảng 2,57 tỷ đồng. Cùng với việc chỉnh trang đồng ruộng, năm 2012 địa phương cũng đã đầu tư nạo vét 1,5km sông dẫn, xây dựng 45 cống đập với tổng kinh phí 736 triệu đồng; quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: vùng lúa chất lượng cao, chuyên màu, hai lúa + vụ đông, vùng nuôi trồng thủy sản.

 

Đến ngày 31/12/2012, toàn xã đã hoàn thành việc chia ruộng cho nhân dân, bình quân mỗi hộ còn 1,9 thửa. Không chỉ đầu tư phát triển sản xuất, những năm qua, Thụy Hà tích cực huy động các nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước, ngân sách địa phương kiên cố hóa hầu hết các tuyến đường giao thông trục xã với chiều dài 4,4 km. Nhân dân các thôn đã tự nguyện đóng góp mỗi gia đình từ vài trăm ngàn đồng đến 2 triệu đồng kết hợp nguồn hỗ trợ của xã bê tông hoá được 15/20,32 km đường thôn, ngõ xóm. Riêng năm 2012, xã đã hỗ trợ làm được 0,4 km đường trục tại thôn Mai Diêm, Nghĩa Chỉ, 0,53 km đường trục chính nội đồng thôn Bao Hàm với kinh phí 2,53 tỷ đồng, bảo đảm đúng tiêu chí nông thôn mới. Đặc biệt, hầu hết các tuyến đường trong khu dân cư đều được quy hoạch theo ô bàn cờ, khi đầu tư xây dựng kết hợp làm rãnh thoát nước chung và đến nay đã cứng hoá được 5,669 km/8,678 km. Ngoài xây dựng đường giao thông, 2/5 thôn đầu tư xây dựng nhà văn hoá khang trang. Tuy cơ sở vật chất chưa hoàn thiện nhưng đến nay Trường Tiểu học, Trường THCS và Trạm y tế của địa phương đã đạt chuẩn quốc gia, riêng Trường Tiểu học đạt chuẩn mức độ 2.

 

Đối với tiêu chí vệ sinh môi trường, đến nay 90% người dân địa phương được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 80,6% hộ gia đình có đủ 3 công trình nhà tắm-bể nước-khu vệ sinh đạt chuẩn, cả 5/5 thôn đều có các tổ thu gom rác thải. Xã đã quy hoạch khu chôn lấp, xử lý rác thải tập trung với diện tích 3,27 ha. Tính chung từ năm 2010 đến nay, tổng nguồn vốn Thụy Hà đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khoảng 20 tỷ đồng.

 

Những nỗ lực trong xây dựng nông thôn mới thời gian qua đã mang lại cho Thụy Hà một diện mạo mới, đường làng ngõ xóm phong quang, sạch đẹp, đời sống của người dân từng bước được cải thiện và nâng lên. Toàn xã hiện có 70,3% dân số làm nông nghiệp, 29,7% làm ngành nghề và dịch vụ các loại. Năm 2012, tổng giá trị sản xuất của địa phương  đạt gần 84,9 tỷ đồng, tăng 15,2% so với năm 2011. Thu nhập bình quân đạt 13,5 triệu đồng/người/năm, số hộ nghèo còn 7,1%. Hệ thống chính trị đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh, an ninh trật tự trên địa bàn được giữ vững. Anh Đổi cũng cho biết thêm: đến nay Thụy Hà đã đạt được 9/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Thời gian tới địa phương sẽ tiếp tục huy động các nguồn vốn, đặc biệt là sự góp sức của nhân dân để hoàn thiện các, tiêu chí: trường học, đường giao thông, hệ thống thủy lợi, môi trường… để đến năm 2015 cơ bản trở thành xã nông thôn mới.

Bài, ảnh: Nguyễn Hình

 

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày