Thứ 2, 23/12/2024, 19:06[GMT+7]

Hiệu quả mô hình liên kết 4 nhà xây dựng nông thôn mới ở Đông Phương

Thứ 2, 21/01/2013 | 08:39:40
2,379 lượt xem
Xác định mục đích xây dựng nông thôn mới (NTM) là phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập đời sống người dân, HTX DVNN xã Đông Phương (Đông Hưng) không chỉ tích cực tuyên truyền nhân dân thay đổi phương thức tập quán gieo cấy mà còn trở thành "bà đỡ" giúp nông dân từ khâu giống đến đầu ra sản phẩm, đem lại lợi ích cũng như giá trị thu nhập cao. Đó là hiệu quả của mô hình liên kết 4 nhà xây dựng NTM mà xã Đông Phương đã thực hiện thành công trong năm qua.

Nông dân Đông Phương khử giống lúa tạp chất tại vùng sản xuất lúa tập trung.

Đổi thay trên đồng ruộng Đông Phương đã được khắc họa rõ nét như một bước chuyển mình. Trước đây, địa phương là “điển hình” của Đông Hưng bởi truyền thống canh tác những giống lúa dài ngày thường chiếm tới 60-70% diện tích, tỷ lệ gieo sạ thấp, nông dân không mặn mà với sản xuất nông nghiệp. Tới cuối năm 2011, Đông Phương thực hiện thành công công tác dồn điền đổi thửa, chia ruộng ngoài thực địa. Từ đó người dân chỉ còn canh tác trên 1 - 2 mảnh lớn, thay thế 3-4 mảnh nhỏ như trước đây. Sẵn có bờ to thửa lớn, HTX DVNN đã tiến hành quy vùng sản xuất ở 7/7 thôn với bình quân 10ha/thôn.

Trước mắt, xã tập trung tuyên truyền nhân dân thay đổi phương thức, tập quán gieo cấy để phù hợp với mô hình xây dựng NTM. Kết quả vụ xuân năm 2012, lần đầu tiên Đông Phương thực hiện gieo cấy 100% giống lúa ngắn ngày, trên 30% diện tích giống lúa chất lượng cao và đưa hàng loạt cơ giới vào sản xuất như 27 công cụ gieo sạ, 5 máy gặt đập liên hợp, 10 máy cày to, 20 máy cày nhỏ. Những yếu tố trên là đòn bẩy để HTX triển khai mô hình liên kết với 2 đơn vị là Công ty lương thực Thái Đan và Công ty cổ phẩn Giống cây trồng Thái Bình để thực hiện vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung.

Theo ông Lưu Văn Thúy - Chủ nhiệm HTX DVNN thì mục đích liên kết sản xuất là nhằm đem lại lợi ích cho người dân, họ vừa giảm được chi phí sản xuất, ngày công lao động lại không phải lo đầu ra cho sản phẩm và lợi nhuận cao hơn 20% so với giá thị trường. Đối với mô hình gieo cấy giống lúa Nhật, nông dân được Công ty lương thực Thái Đan thu mua thóc tươi ngay tại ruộng. Cứ máy gặt đi đến đâu, đóng bao và cân tới đó. Để làm được điều này, ngay sau khi dồn diền đổi thửa HTX tổ chức cho các hộ đăng ký lấy giống, cung ứng phân bón, thuốc trừ sâu theo phương thức trả chậm đồng thời tư vấn về cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, tổ chức các lớp tập huấn, thu hút hàng trăm hộ học tập.

Ngoài ra, HTX còn hợp đồng với các chủ máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa giúp bà con giảm được 30.000đồng/sào. Lợi thế hơn nữa là doanh nghiệp thu mua ngay tại ruộng và trả tiền mặt ngay cho bà con với giá 8.200đồng/kg, cao hơn 20% so với thị trường. Với mô hình này đã thu hút đựơc 126 hộ tham gia gieo cấy trong tổng diện tích 35ha. Ưu điểm của loại giống này là chống chịu rét, sức đề kháng tốt, chi phí thuốc trừ sâu giảm được 30-40% so với các giống thông thường; năng suất của giống lúa này vụ xuân đạt bình quân 2,7-2,8 tạ/sào, vụ mùa đạt 1,6 - 1,9 tạ/sào.

Đối với mô hình liên kết sản xuất lúa giống TBR45 với Công ty cổ phần Giống cây trồng Thái Bình, HTX tổ chức hội nghị đầu bờ ở 7/7 thôn để các hộ nắm bắt được kỹ thuật gieo cấy, phương pháp phòng trừ sâu bệnh. Là giống có ưu điểm vượt trội như chịu thâm canh, chống bệnh đạo ôn, giảm chi phí thuốc trừ sâu nên đã có 25 hộ đăng ký tham gia gieo cấy 10ha. Nếu như trước đây các hộ chỉ cấy để phục vụ nhu cầu ăn hàng ngày thì nay họ được Công ty thu mua với giá 5.300đồng/kg. Sau 1 năm thử nghiệm, tính bình quân các hộ đạt lợi nhuận 250 – 300 nghìn đồng/sào (vụ xuân) và từ 80-100 nghìn đồng/sào (vụ mùa). Mặc dù có sự đòi hỏi khắt khe về quy trình kỹ thuật như không được phơi lẫn các loại thóc, tạp chất, độ già của thóc phải đạt tiêu chuẩn nhưng các hộ dân đã tập trung khử lẫn trên ruộng ngay khi cấy và khi phơi nên ở vụ xuân đã có tới 80% và vụ mùa có tới trên 90% lượng thóc đạt tiêu chuẩn.

Như vậy, sau một năm thực hiện mô hình liên kết, Đông Phương đã xuất bán được gần 50 tấn thóc Nhật và trên 20 tấn thóc giống TBR45. Kết quả này theo ông Thúy là có sự vào cuộc không nhỏ của cán bộ thôn. Ông Vũ Viết Bình - Trưởng thôn Bình Minh cho biết: thực hiện kế hoạch của xã, thôn đã tuyên truyền, vận động bà con đăng ký giống trên hệ thống phát thanh, các buổi hội họp và tới tận các hộ để vận động, nói rõ những lợi ích người dân được hưởng. Do đó chỉ sau khi xã triển khai vài ngày, nhân dân đã tới lấy giống về gieo cấy đủ diện tích được giao. Đặc biệt, cán bộ trong thôn còn tiên phong gương mẫu thực hiện nên đã tạo được niềm tin của nhân dân với xã và doanh nghiệp. Vì thế mặc dù nhà ông Bình ít nhân khẩu nhưng ông đã mượn ruộng gieo cấy 2 giống lúa trên với tổng diện tích là 1,8 mẫu, trừ chi phí cũng lãi được trên 5 triệu đồng. Người dân trong thôn, trong xã vì thế cũng hăng hái tổ chức thực hiện gieo cấy theo nhóm hàng hecta như ông Phạm Bá Dương, ông Vũ Viết Hồ cho thu nhập cao.

Mô hình liên kết của xã Đông phương là sự thể hiện ý Đảng hợp lòng dân trong chương trình xây dựng NTM. Trong thời gian tới, Đông Phương tiếp tục triển khai duy trì sản xuất 2 mô hình liên kết trên với diện tích ngày càng mở rộng hơn. Ngay trong vụ xuân năm 2013, xã quyết tâm thực hiện liên kết sản xuất 50ha giống lúa Nhật và 20ha giống lúa TBR45 ở 7/7 thôn. Đây cũng là tiền đề để Đông Phương quy hoạch vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung với quy mô ngày càng lớn.

Bài, ảnh: Thu Thủy

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày