Thứ 2, 23/12/2024, 18:46[GMT+7]

Đồng bào Công giáo Thái Thụy Thi đua phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới

Thứ 2, 28/01/2013 | 08:25:30
1,109 lượt xem
Thái Thụy có 2.643 hộ gia đình giáo dân với 10.460 nhân khẩu, 13 xứ đạo ở 30 xã, thị trấn. Với tinh thần "kính Chúa yêu nước", gắn việc đời với việc đạo, những năm qua, đồng bào công giáo toàn huyện luôn đoàn kết, có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong lao động sản xuất, giúp nhau xoá đói giảm nghèo đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội và xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Giáo dân giáo xứ Thượng Phúc (xã Thụy Sơn) tích cực trồng cây vụ đông.

Ở Thị trấn Diêm Điền, rất nhiều người biết và khâm phục chị Trần Thị Thảo, một điển hình giáo dân "giỏi việc nước, đảm việc nhà". Cơ sở chế biến sứa của chị tiêu thụ hàng trăm tấn hàng/năm ở cả trong và ngoài nước, sau khi trừ chi phí lãi từ 150 đến 200 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho  5 - 10 lao động với mức thu nhập 2 - 2,5 triệu đồng/người/tháng. Cùng với chị Thảo, ở Diêm Điền còn có nhiều giáo dân mạnh dạn đầu tư khai thác tiềm năng, lợi thế từ biển để làm giàu như: gia đình ông Nguyễn Văn Thành mở cơ sở đan lưới phục vụ đánh bắt hải sản tạo việc làm thường xuyên cho  10 - 20 lao động với mức thu nhập bình quân 2,5 đến 3 triệu đồng/người/tháng; ông Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Văn Khang đầu tư 3 tàu biển trọng tải 1.000 đến 5.000 tấn, vận tải hàng ở trong nước và quốc tế; chị Tạ Thị Sáu chế biến hải sản doanh thu đạt 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 10 lao động với mức thu nhập 2,5 đến 3 triệu đồng/người/tháng.

Ông Nguyến Văn Thuấn, Chủ tịch MTTQ huyện Thái Thụy cho biết: không chỉ có các họ giáo ở Diêm Điền mà nhiều xứ, họ đạo trong toàn huyện đều tích cực vận động giáo dân khai thác tiềm năng lợi thế về đất đai, ứng dụng các tiến bộ KHKT trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, thâm canh tăng năng suất, nâng cao giá trị thu nhập. Điển hình như giáo xứ Thượng Phúc (xã Thụy Sơn) đưa cây bí đá, salat…vào trồng ở vụ đông cho thu nhập từ 80 đến 100 triệu đồng/ha/vụ. Họ giáo Giáo Lạc (xã Thái Thọ) có 17 gia đình đầu tư mô hình gia trại, trang trại thu nhập gấp từ 5 đến 7 lần cấy lúa. Trùm trưởng Bùi Văn Viết ở họ giáo Đông Hà (xã Thụy Liên) đầu tư mô hình nuôi cá quả thu lãi 120 triệu đồng/năm; ông Bùi Đức Xá ở họ giáo Xá Thị (xã Thụy Hưng) thường xuyên nuôi từ 15 đến 20 lợn nái, 60 đến 80 con lợn thịt, hàng ngàn gà vịt thu lãi trên 100 triệu đồng/năm. Hai gia đình giáo dân Đinh Văn Phiến, Đinh Văn Khích ở họ giáo Vân Am (xã Thụy Quỳnh) đầu tư xây dựng trang trại chuyên ấp vịt, ngan, doanh thu đạt 200 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 6 lao động.

Cùng với sản xuất nông nghiệp, nhiều gia đình giáo dân phát triển ngành nghề: mây tre đan, móc sợi, may màn tuyn, làm men rượu, đồ mộc, đan nón,  mua sắm phương tiện vận tải, máy móc phục vụ sản xuất. Điển hình như cơ sở sản xuất mây tre đan của chị Trần Thị Thiết ở giáo xứ Thượng Phúc tạo việc làm cho 120 lao động với mức thu nhập bình quân 2,5 đến 3 triệu đồng/người/tháng, thu lãi 200 triệu đồng/năm. Anh Bùi Đức Trưởng, họ giáo Cam Châu (xã Thụy Liên) đầu tư 7 xe vận tải hành khách đi các tuyến ở khu vực phía Bắc, tạo việc làm cho 20 lao động với thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng, doanh thu đạt 2 tỷ đồng/năm; anh Lê Tiến Viễn ở họ giáo Cổ Lũng (xã Mỹ Lộc) mở công ty cung cấp nước sạch, tạo việc làm cho 10 đến 15 lao động với mức thu nhập 2 đến 3 triệu đồng/người/tháng, doanh thu đạt 170 triệu đồng/năm.

Không chỉ tích cực phát triển kinh tế, đồng bào giáo dân ở Thái Thụy luôn phát huy tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ, động viên những gia đình khó khăn trong xứ, họ cả về vật chất và tinh thần. 5 năm qua, bà con giáo dân toàn huyện đã giúp nhau 1.450 cây giống, 2.835 con giống, 1.890 ngày công lao động trị giá 490 triệu đồng, cho nhau vay 672 triệu đồng không lấy lãi, tổ chức 222 buổi chuyển giao KHKT thu hút gần 4.000 lượt người tham gia. Các gia đình trong cùng xứ, họ còn ủng hộ tiền, hỗ trợ vật tư, tham gia lao động cùng với nguồn hỗ trợ của  MTTQ các cấp xoá nhiều nhà dột nát cho giáo dân nghèo. Hưởng ứng phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, các xứ, họ đạo đều vận động bà con giữ gìn vệ sinh môi trường, tích cực góp công, góp tiền đào đắp giao thông thủy lợi nội đồng, thực hiện việc dồn điền đổi thửa. Đặc biệt, 2 gia  đình giáo dân Ngô Văn Thành, Vũ Văn Hoá ở họ giáo Đồng Uyên (Thái Phúc) đã hiến 600m2 đất để làm đường giao thông xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, các xứ, họ còn đứng ra làm 33.895m2 đường bê tông khang trang, sạch đẹp với tổng số tiền 7,29 tỷ đồng.

Những nỗ lực trong phát triển kinh tế, giúp nhau xoá đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới đã góp phần quan trọng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào giáo dân ở Thái Thụy. Toàn huyện hiện có 423 giáo dân thuộc diện hộ giàu, 1.050 giáo dân có kinh tế khá, 80% gia đình công giáo đạt danh hiệu gia đình văn hoá. 5 năm qua, Thái Thụy có 133 xứ, họ đạo đạt danh hiệu "Xứ họ đạo 4 gương mẫu".

Bài, ảnh: Nguyễn Hình

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày