Thứ 6, 29/03/2024, 19:38[GMT+7]

Thắp sáng đường quê

Thứ 5, 11/11/2021 | 08:18:18
2,943 lượt xem
Nhằm góp phần thay đổi diện mạo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, ngày 11/10/2021, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 thông qua Nghị quyết số 25/2021/NQ-HĐND quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng hệ thống đèn điện “Thắp sáng đường quê” trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Các tuyến đường giao thông trên địa bàn xã Đông Hòa (thành phố Thái Bình) được lắp đặt đèn điện chiếu sáng thuận lợi trong sinh hoạt, giao thông và phát triển kinh tế của người dân.

Tỷ lệ đường giao thông nông thôn có điện chiếu sáng đạt thấp

Giai đoạn 2011 - 2020, Thái Bình đã hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã). Diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn được nâng cấp, đầu tư đồng bộ theo quy hoạch, chất lượng cuộc sống tại khu vực nông thôn ngày càng được nâng cao. Trong đó, hạ tầng lưới điện nông thôn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung, khu vực nông thôn nói riêng. Thời gian qua, hệ thống lưới điện của tỉnh không ngừng được đầu tư, xây dựng và phát triển, lưới điện trung áp và hạ áp đã phủ kín các xã, đến tận thôn xóm và các hộ dân.

Tháng 7/2013, xã Quỳnh Minh (Quỳnh Phụ) được công nhận xã NTM. Chung tay cùng Đảng bộ, chính quyền địa phương hoàn thành các tiêu chí NTM, người dân trong xã tự nguyện đóng góp kinh phí lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng trên tất cả các trục đường giao thông trong xã. 

Ông Nguyễn Văn Khiêm, Chủ tịch UBND xã cho biết: Thực hiện chương trình xây dựng NTM, diện mạo nông thôn có nhiều đổi thay, đường làng, ngõ xóm bê tông hóa sạch đẹp nhưng chưa có điện chiếu sáng ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại, sinh hoạt của người dân. Từ thực tế đó, cấp ủy, chính quyền xã đã vận động người dân đóng góp xây dựng hệ thống điện thắp sáng các tuyến đường. Để người dân làm theo, xã đã vận động kinh phí thực hiện công trình thắp sáng tại tuyến đường qua trụ sở UBND xã. Từ công trình thắp sáng đường quê đó, người dân thấy được hiệu quả, nhanh chóng lan tỏa ra toàn xã. Thấy được lợi ích từ những tuyến đường được thắp sáng, người dân chung tay đóng  góp, con em xa quê phấn khởi ủng hộ. Hiện 100% tuyến đường giao thông trên địa bàn xã đã được lắp đặt điện chiếu sáng, thuận lợi trong sinh hoạt, giao thông và phát triển kinh tế của người dân cũng như bảo đảm an ninh trật tự.

Theo báo cáo của ngành điện và các địa phương, trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ đường nhánh cấp 1 trục thôn, đường trục thôn, đường qua khu dân cư tập trung chưa có đèn đường chiếu sáng còn cao (gần 4.900km, bằng 80% tổng chiều dài tuyến đường). Theo ghi nhận, mặc dù nhiều tuyến đường có hệ thống chiếu sáng nhưng thiết bị lắp đặt do người dân tự mua nên thiếu tính đồng bộ; nhiều trụ đèn, chao đèn tự chế chưa bảo đảm quy chuẩn; việc sử dụng bóng đèn compact vừa tiêu hao điện năng vừa hạn chế độ phủ sáng; hệ thống dây điện chằng chịt, không bảo đảm mỹ quan, tiềm ẩn nguy cơ chập cháy, mất an toàn về tài sản, con người, nhất là trong mùa mưa bão.

Phấn đấu hoàn thành việc thắp sáng đường quê trước năm 2025

Ông Đỗ Quý Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng Điều phối chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM tỉnh cho biết: Việc lắp đặt hệ thống chiếu sáng khu vực nông thôn sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cũng như bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông của địa phương, góp phần thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị. Đây cũng là một tiêu chí bổ sung vào bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021 - 2025.

Trong khi ngân sách địa phương hạn chế, việc huy động các nguồn lực rất khó khăn, việc ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống điện chiếu sáng đường giao thông khu vực nông thôn là rất cần thiết, cấp bách. Theo đó, tỉnh hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống đèn điện chiếu sáng gồm: đèn năng lượng mặt trời loại liền bóng, phụ kiện giá lắp đèn, dây đai thép không gỉ, khóa đai hỗ trợ 50% giá trị thiết bị, phụ kiện theo giá trị quyết toán danh mục công trình hoàn thành được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng tối đa không quá 12 triệu đồng/km đường lắp đèn chiếu sáng. Phần kinh phí còn lại do người dân tự đóng góp và các nguồn huy động hợp pháp khác hoặc do ngân sách huyện, ngân sách xã hỗ trợ (nếu có). Tỉnh ưu tiên những xã đăng ký xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu được hỗ trợ trước và quy định chỉ hỗ trợ một lần cho cùng một tuyến đường. Các công trình điện chiếu sáng phải được thiết kế bảo đảm theo tiêu chuẩn và yêu cầu kỹ thuật do ngành điện hướng dẫn... Để triển khai thực hiện, người dân sinh sống tại mỗi tuyến đường tự họp bàn, thống nhất dự kiến chiều dài tuyến đường, dự toán tổng chi và mức đóng góp của từng hộ dân, sau đó đăng ký với UBND xã để tự triển khai.

Sau khi các công trình hoàn thành, UBND xã hướng dẫn thành lập các tổ tự quản để vận hành, bảo vệ, sửa chữa, thu kinh phí để bảo dưỡng, thay thế khi bị hư hỏng và các chi phí khác phát sinh trong quá trình vận hành trên cơ sở tự nguyện, bàn bạc thống nhất giữa các hộ dân trong tổ tự quản...

Trong năm 2021, tỉnh triển khai thí điểm ở mỗi huyện 10 xã và thành phố Thái Bình 1 xã. Đến trước năm 2025, tỉnh phấn đấu hoàn thành việc thắp sáng toàn bộ các tuyến đường qua khu dân cư tập trung trên địa bàn tỉnh.


Ngân Huyền