Thứ 3, 23/07/2024, 17:22[GMT+7]

Đông Cơ đổi thay sau dồn điền đổi thửa

Thứ 4, 30/01/2013 | 08:26:19
2,069 lượt xem
Không phải là xã làm điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh, huyện, nhưng từ năm 2011, Đông Cơ (Tiền Hải) đã hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa (DĐĐT), chỉnh trang đồng ruộng. Số thửa giảm từ 2,7 thửa xuống còn 1,48 thửa/hộ.

100% khối lượng bờ vùng, bờ thửa xã Đông Cơ đã được đào đắp

Để có được những cánh đồng trải dài, thẳng cánh cò bay, bờ vùng, bờ thửa to rộng, góp phần đem lại mùa vàng trĩu hạt là thành quả sau những vất vả, khó khăn khi bắt tay vào thực hiện DĐĐT ở Đông Cơ - Chủ tịch UBND xã Huỳnh Văn Đán chia sẻ. Xác định DĐĐT là việc làm khó, nhưng chỉ có DĐĐT mới làm thay đổi diện mạo nông thôn nên ngay sau khi có chủ trương của tỉnh, huyện về việc DĐĐT, Đảng ủy xã đã có nghị quyết lãnh đạo, thành lập ban chỉ đạo, triển khai cụ thể tới từng thôn, từng hộ dân cư. Mục tiêu là dồn từng ô nhỏ, thửa nhỏ thành những mảnh lớn, có thể đưa cơ giới hóa vào sản xuất.

 

Trước đây về Đông Cơ, dù thửa ruộng to hay nhỏ đều được chia 5, sẻ 7 bởi bờ ruộng và mương dẫn nước, với những cánh đồng lúa như mạng nhện giăng chằng chịt. Hộ ít thì cũng 3 đến 4 mảnh, hộ nhiều lên tới 6 mảnh. Do nhiều mảnh ruộng, lại phân tán nên việc đi lại cày bừa, cấy hái mất nhiều công sức. Chuyện đưa cơ giới hóa xuống đồng ruộng cũng gặp không ít khó khăn. Bởi, máy cày, máy gặt có xuống được ruộng thì cũng chỉ vừa tăng ga đã phải giảm ngay do hết phần ruộng của mình! Công sức “đổ” xuống đồng ruộng khá lớn, nhưng đến mùa thu hoạch, trừ đi tính lại lãi chẳng được là bao. Đó là chưa kể, có năm thời tiết không thuận lợi dẫn đến mất mùa, người nông dân đã nghèo lại càng túng thiếu hơn. Do đó, để giải quyết tình trạng ruộng đất manh mún, phân tán, tạo thuận lợi để cơ giới hóa, giải phóng sức lao động, giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, Đảng uỷ, UBND xã Đông Cơ đã tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện công tác DĐĐT.

 

Trong năm 2011, toàn xã có 4/4 thôn triển khai và hoàn thành. Sau DĐĐT, số thửa giảm từ 2,7 thửa xuống còn 1,48 thửa; trong đó số hộ có 1 thửa chiếm trên 60%. Cùng với DĐĐT, xã đã huy động nhân dân góp gần 157.000m2 đất (bình quân mỗi khẩu hiến trên 27m2) để xây dựng các công trình phúc lợi, hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng. Xã đã huy động các hộ dân đóng góp tiền, ngày công để hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng theo tiêu chí NTM. Theo đó, ngân sách xã hỗ trợ 50% còn lại do nhân dân tự đóng góp, với số tiền gần 200.000 đồng/khẩu. Toàn xã đã thực hiện đào đắp trên 16.000 m3, đạt 100%.

 

Nhưng để có được kết quả đó, có được sự đồng thuận trong dân, để dân tin, dân làm theo, đòi hỏi việc phân chia ruộng đất phải công bằng. Nếu ai còn có những thắc mắc về vị trí thửa tốt, thửa xấu, các thành viên trong Ban chỉ đạo trực tiếp đến rà soát, kiểm tra, giải thích, thậm chí phân chia lại nếu thấy kiến nghị của dân là phù hợp, chính đáng. Vì vậy, sau DĐĐT các hộ đều tỏ ra vui vẻ, phấn khởi trên thửa ruộng của mình, không còn chuyện cãi cọ, mất đoàn kết vì những chuyện khe nước, vạc bờ lấn ruộng... Đang chỉnh trang lại thửa ruộng của gia đình, chị Trần Thị Hằng, thôn Đức Cơ cho biết: Sau khi DĐĐT, từ 3 mảnh nay gia đình tôi chỉ còn 1 mảnh ruộng. Từ khâu làm đất đến thu hoạch đều bằng máy nên đã giảm chi phí rất nhiều. Hơn nữa việc đồng áng bao đời nay vất vả là vậy nhưng nhờ có máy móc cũng bớt nặng nhọc hơn. Chỉ vào những ngày mùa là tôi bận mải, còn lại thời gian rảnh rỗi tôi tham gia làm công nhân tại công ty. Ông Trần Văn Linh, thôn Lương Điền chia sẻ: “Đã nhiều lần chứng kiến việc dồn đổi ruộng đất nhưng chưa bao giờ phấn khởi như lần này. Bởi, đây là lần đầu chúng tôi được canh tác trên 1 đến 2 thửa, hình thành được các cánh đồng lớn, dễ dàng đưa máy cày, máy gặt xuống đồng ruộng để giảm bớt sức lao động cho người dân, tiện không gì bằng. Như gia đình tôi, trước đây có 8 sào thì có tới 4 mảnh ở 4 xứ đồng khác nhau, vào thời vụ sản xuất phải chạy đi chạy lại từ vùng này sang vùng khác rất vất vả. Bây giờ, cũng từng ấy đất nhưng rút lại chỉ có 1 thửa nên canh tác rất thuận lợi”.

 

Với việc thực hiện thành công DĐĐT trong năm 2011, xã Đông Cơ có điều kiện để hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, góp phần tăng giá trị sản xuất nông nghiệp. Ngay vụ xuân 2012, xã đã xây dựng cơ cấu giống lúa theo tỷ lệ lúa chất lượng cao 70%, lúa thuần, lai 30% tổng diện tích, với các giống như: BT7, RVT, TBR - 1, TBR36. Xã đã quy hoạch 100 ha cấy lúa giống cho Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình và quy hoạch 50 ha cánh đồng mẫu cấy một giống lúa bắc thơm tại 4/4 thôn. Cũng theo Chủ tịch UBND xã, mục tiêu trong những năm tới, xã duy trì các giống lúa chất lượng cao bán giống cho Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình. Bởi, cấy lúa giống và lúa chất lượng cao cho giá trị gấp 1,5 - 1,8 lần so với lúa thường, bình quân thu nhập 1,5 -  2 triệu đồng/sào/vụ, góp phần nâng cao đời sống cho người dân.

Bài, ảnh: Đức Dũng

 

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày