Thứ 6, 29/03/2024, 02:18[GMT+7]

Xây dựng nông thôn mới: Động lực mới, quyết tâm mới Kỳ 1: Một thập kỷ “làm mới” nông thôn

Thứ 2, 22/11/2021 | 08:39:32
3,560 lượt xem
Trong giai đoạn I xây dựng nông thôn mới (NTM), Thái Bình tự hào nằm trong tốp đầu cả nước về đích sớm khi 100% số xã đạt chuẩn NTM, 7/7 huyện đạt chuẩn NTM, thành phố Thái Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng NTM, coi trọng xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có trên 20% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó có 10% số xã trở lên đạt NTM kiểu mẫu. Đây là quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh hướng đến mục tiêu mới trong giai đoạn mới.

Diện mạo nông thôn mới xã Quốc Tuấn (Kiến Xương). Ảnh: Thu Thủy

Đến nay, Thái Bình là 1 trong 7 tỉnh trên cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM ở cả cấp huyện và cấp xã. Diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới, kinh tế có bước phát triển mới. Đạt được kết quả ấn tượng này là nhờ sự nỗ lực, cố gắng không ngừng của cấp ủy, chính quyền các cấp, các lực lượng xã hội, sự đồng lòng, chung sức của người dân, đặc biệt là những cách làm sáng tạo, linh hoạt, sát hợp với thực tiễn, được đánh giá là khác biệt của Thái Bình.

Khi bắt đầu triển khai xây dựng NTM theo chương trình mục tiêu quốc gia của trung ương, toàn tỉnh mới chỉ có 7 xã đạt 11 - 12 tiêu chí; 88 xã đạt 7 - 10 tiêu chí; 127 xã đạt 3 - 6 tiêu chí; 42 xã đạt 1 - 2 tiêu chí; 3 xã không có tiêu chí nào đạt; bình quân toàn tỉnh năm 2010 đạt 5 tiêu chí; các cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ kinh tế - xã hội khu vực nông thôn hầu hết chưa đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia về NTM; năm 2010, bình quân thu nhập đầu người mới đạt 17 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo 9,16%. Nông thôn phát triển thiếu quy hoạch, kết cấu hạ tầng thấp kém, thiếu đồng bộ, tổ chức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ... Lợi thế trong chương trình xây dựng NTM đối với Thái Bình rất ít. Vì vậy, để đạt được mục tiêu đề ra trong triển khai thực hiện xây dựng NTM, tỉnh ta nhận thức phải có quyết tâm cao, bước đi và cách làm mang tính đột phá.

Thái Bình là địa phương sớm có nghị quyết chuyên đề về xây dựng NTM, đây được coi là định hướng quan trọng, là mục tiêu để các cấp, các ngành tổ chức thực hiện. Trong từng giai đoạn, công tác chỉ đạo điều hành, cơ chế hỗ trợ của tỉnh phù hợp với thực tiễn của quá trình triển khai. Điểm nhấn trong xây dựng NTM của tỉnh giai đoạn 2010 - 2015 là thực hiện việc dồn điền đổi thửa để phát triển sản xuất nông nghiệp nâng cao thu nhập cho nhân dân. Dù trong bộ tiêu chí về NTM không thể hiện cụ thể nhiệm vụ dồn điền đổi thửa song tỉnh chỉ đạo và hỗ trợ kinh phí cho các xã để thực hiện công tác dồn điền đổi thửa và chỉnh trang đồng ruộng theo nguyên tắc phát huy tính dân chủ, tự nguyện của nhân dân. Từ 3,67 thửa/hộ, sau dồn đổi chỉ còn 1,79 thửa/hộ, tạo bước đột phá quan trọng để đưa cơ giới hóa vào sản xuất và hình thành vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung.

Từ nhiều vụ nay, anh Phạm Tiến Quân, thôn Đoài, xã Thụy Ninh (Thái Thụy) thuê lại 50 mẫu ruộng của người dân trong xã để đầu tư sản xuất lúa. Gom được diện tích đủ lớn, anh Quân đầu tư mua hai máy cày, máy bơm, máy phun thuốc trừ sâu... đồng thời quy hoạch, cải tạo mặt bằng, xây dựng hệ thống kênh mương tưới, tiêu bảo đảm tiêu chuẩn. Để tiêu thụ sản phẩm ổn định, kịp thời, anh Quân đã ký hợp đồng liên kết, sản xuất lúa giống với Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed. Thu hoạch đến đâu, Công ty thu mua thóc tươi với giá thỏa thuận tại thời điểm thu hoạch, trừ chi phí anh thu lãi trên 300 triệu đồng/năm. “Tôi thấy chủ trương dồn điền đổi thửa, khuyến khích người dân tích tụ ruộng đất rất đúng đắn và phù hợp với thực tiễn sản xuất nông nghiệp hiện nay. Thực hiện tích tụ ruộng đất đã tạo ra chuỗi giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp, tăng hiệu quả sử dụng đất, giảm dần tập quán canh tác nhỏ lẻ, góp phần tạo cơ sở để sản xuất nông sản theo hướng hàng hóa, hướng đến xây dựng sản phẩm OCOP” - anh Quân cho hay.

Từ năm 2016, xây dựng NTM đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi, sâu rộng, hiệu quả trong toàn tỉnh. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức lớn nhất đặt ra là trong khi nguồn ngân sách của tỉnh còn hạn hẹp, nguồn vốn để đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn rất lớn, đây cơ bản lại là các tiêu chí xây dựng NTM mà các xã còn lại trong toàn tỉnh chưa đạt được. Trước thực trạng này, UBND tỉnh đã ban hành và kịp thời sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư; đẩy mạnh tuyên truyền vận động, huy động cả hệ thống chính trị chung sức xây dựng NTM như: chính sách hỗ trợ đầu tư 17 danh mục kết cấu hạ tầng NTM; chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn. Có thể nói, đây là bước tiến, là điểm nhấn nổi bật của Thái Bình trong xây dựng NTM, sau nhiều năm dẫn đầu về phong trào xây dựng đường giao thông nông thôn, cuối năm 2016, Thái Bình lại là địa phương dẫn đầu cả nước với 100% các xã trên địa bàn đã hoàn thành lắp đặt đường ống cấp 1 đến trung tâm xã.

Ông Đỗ Quý Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM tỉnh cho biết: Chưa bao giờ người dân Thái Bình có được cơ hội lớn về chính sách kích cầu, đồng bộ như thế, từ hỗ trợ trực tiếp đến việc quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành, địa phương vào cuộc đưa chính sách đến tận người dân. Từ đó, không chỉ hạ tầng cơ sở được đầu tư, các mô hình sản xuất tăng nhanh về số lượng, bảo đảm chất lượng và phát triển đồng đều, đa dạng các loại hình ở khắp các địa phương; đánh thức tiềm năng đất đai, lao động, trí tuệ và khát vọng.

Đến nay, tỉnh Thái Bình đã:
• Cứng hóa 1.275,51km kênh mương cấp I loại 3;
• Xây dựng và nâng cấp 3.780,58km đường giao thông nội đồng, 1.090,22km đường trục xã, 1.910,93km đường trục thôn, 3.192,17km đường nhánh cấp 1 trục thôn, 2.215km đường ngõ xóm, 29 trạm bơm, 248 cống đập;
• Đầu tư mới 23 trạm cấp nước sạch, nâng cấp và mở rộng phạm vi cấp nước 34 trạm cấp nước sạch;
• Xây dựng và nâng cấp 207 trường học, 85 nhà văn hóa xã, 984 nhà văn hóa thôn, 125 sân thể thao xã, 130 sân thể thao thôn, 180 trạm y tế, 137 chợ nông thôn;
• 99 xã hoàn thành nâng cấp lưới điện nông thôn;
• Xây dựng và nâng cấp 247 khu xử lý rác thải và lò đốt rác; 21 nghĩa trang được quy hoạch và xây mới;
• Hỗ trợ xây dựng và nâng cấp trên 6.100 nhà ở cho người có công, người nghèo.


Diện mạo NTM nâng cao xã Thụy Chính (Thái Thụy). 

Ngân Huyền 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày