Thứ 5, 25/04/2024, 03:29[GMT+7]

Xây dựng nông thôn mới: Động lực mới, quyết tâm mới Kỳ 3: Đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân theo hướng thực chất, bền vững

Thứ 4, 24/11/2021 | 08:41:40
7,041 lượt xem
Xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu phải gắn với thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp, gắn kết hài hòa nông thôn với đô thị, phù hợp với đặc điểm, lợi thế của từng địa phương; phát huy tối đa tính chủ động, sáng tạo, tinh thần đoàn kết, vai trò làm chủ của người dân - đó là quan điểm về xây dựng NTM trong giai đoạn mới mà Nghị quyết số 01-NQ/TU xác định nhằm bảo đảm tính thực chất, bền vững.

Gạo Bình Thanh (Kiến Xương) - sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP năm 2021.

Ưu tiên đổi mới phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa được huyện Quỳnh Phụ xác định là nội dung đột phá, động lực, sức sống của chương trình xây dựng NTM thời gian qua. Đến nay, toàn huyện đã xây dựng 23 cánh đồng mẫu gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm với tổng diện tích hơn 1.500ha sản xuất cây màu và lúa giống BC15, TBR225. Công tác tích tụ ruộng đất được tập trung chỉ đạo, 14 xã có diện tích tích tụ quy mô từ 2ha trở lên với tổng diện tích 219,4ha. Nhiều giống cây trồng năng suất thấp, chất lượng kém được thay thế bằng các giống có chất lượng, giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, phong trào sản xuất vụ đông trên đất hai lúa ngày càng phát triển, luôn đạt kế hoạch tỉnh giao cả diện tích và hiệu quả kinh tế.

Thời gian qua, cùng với các cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng NTM, các chính sách phát triển nông nghiệp cũng được các sở, ngành liên quan của tỉnh cùng chính quyền các địa phương triển khai thực hiện hiệu quả, góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn. Toàn tỉnh có 234 cánh đồng sản xuất tập trung với diện tích 6.804ha; cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất được đẩy mạnh. 

Đã hình thành một số trang trại chăn nuôi quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao; trong nuôi trồng thủy sản đã quan tâm phát triển một số đối tượng chủ lực như ngao, cá vược, cá song, tôm sú, tôm thẻ chân trắng..., phát triển nuôi tôm công nghệ cao ở 2 huyện ven biển. 100% HTX nông nghiệp đã chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012 và từng bước ổn định, nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ, hình thành liên kết với doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm... Sau 1 năm thực hiện chương trình OCOP, đã có 17 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu.

HTX Chăn nuôi tổng hợp Đông Xuyên là một trong những chủ thể đầu tiên có sản phẩm vịt biển, trứng vịt biển được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Phát huy lợi thế về nuôi trồng thủy cầm, HTX đã mạnh dạn đưa giống vịt biển về nuôi, tập hợp các hộ dân sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sản xuất theo tiêu chuẩn đã được đăng ký và thu mua, bao tiêu sản phẩm. 

Ông Ngô Văn Duẩn, Giám đốc HTX cho biết: Sản xuất theo chu trình OCOP cần sự chủ động, hợp tác chặt chẽ giữa các hộ sản xuất. Do đó, HTX đã liên kết những hộ đủ điều kiện về quy mô, khả năng ứng dụng khoa học kỹ thuật để hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đồng thời thường xuyên tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học. Sau thời gian tham gia vào chuỗi liên kết, hầu hết các hộ đã được nâng cao kỹ thuật chăn nuôi, sản phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi thị trường rộng mở, người sản xuất có cơ hội mở rộng quy mô, gia tăng năng suất nên thu nhập cũng cao hơn.

Nông nghiệp, nông thôn, nông dân giữ vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển ổn định, bền vững của toàn xã hội. Vì vậy, cùng với công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, Nghị quyết số 01-NQ/TU xác định việc đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân theo hướng thực chất, bền vững tiếp tục là nhiệm vụ hàng đầu trong xây dựng NTM giai đoạn hiện nay. Khắc phục những hạn chế thời gian qua, tập trung đẩy nhanh cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với công nghiệp, chế biến và thương mại, dịch vụ theo hướng liên kết, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. 

Quan tâm chỉ đạo quy hoạch vùng sản xuất làm cơ sở đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tích tụ ruộng đất và đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất; áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để sản xuất nông sản hữu cơ, an toàn, có thương hiệu; chú trọng đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP. Tiếp tục quan tâm phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội, bảo vệ cảnh quan, môi trường; tăng cường công tác quốc phòng, quân sự địa phương, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn.

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màn ở xã Hồng Minh (Hưng Hà) cho hiệu quả kinh tế cao

Ông Vũ Mạnh Thía, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng chương trình hành động, trong đó đề ra mục tiêu đến năm 2025 giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 30.639 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt từ 2,0%/năm trở lên. Đối với lĩnh vực trồng trọt, đẩy mạnh mở rộng diện tích lúa chất lượng cao lên trên 50% diện tích để tăng giá trị sản xuất trên 1ha lên gấp 1,5 lần so với hiện nay, chọn ra 8 - 10 sản phẩm gạo và rau, củ, quả mang nhãn hiệu tập thể hoặc thương hiệu của tỉnh.

Trong chăn nuôi, phấn đấu xây dựng thành công tại mỗi huyện, thành phố 1 mô hình chăn nuôi chủ động theo quy trình khép kín, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; khuyến khích đầu tư từ 1 - 2 cơ sở giết mổ tập trung. Lĩnh vực thủy sản hướng đến mở rộng diện tích nuôi công nghiệp, công nghệ mới khoảng 3.000ha; phát triển 2 - 3 vùng nuôi tôm công nghệ cao tại Thái Thụy, Tiền Hải.



Ông Trần Minh Hưng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Thái Bình
Năm 2021, Trung tâm Khuyến nông Thái Bình đã triển khai các mô hình khuyến nông theo hướng liên kết chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ bán tự động, tự động, sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học... Trước yêu cầu của thực tiễn, thời gian tới, chúng tôi xác định cần thay đổi tư duy và cách tiếp cận khuyến nông, từ khuyến nông giữ vai trò “hỗ trợ” sang khuyến nông giữ vai trò “kết nối” (kết nối giữa khoa học công nghệ và sản xuất, kết nối giữa sản xuất và thị trường). Phối hợp, lồng ghép các hoạt động khuyến nông để nâng cao hiệu quả hoạt động: từ mô hình tốt, cách làm hay kết hợp với các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, thông tin tuyên truyền để lan tỏa và nhân rộng ra sản xuất một cách bền vững.

Ông Đinh Công Mấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kiến Xương
Ngay từ những ngày đầu triển khai chương trình OCOP, huyện đã lựa chọn các sản phẩm truyền thống để làm trọng tâm phát triển, tạo động lực, hình mẫu cho các chủ thể tham gia, hưởng ứng. Năm 2020, huyện có 2 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, xếp loại 4 sao là rượu đinh lăng và mắm cáy Hồng Tiến. Năm 2021, huyện phấn đấu có 4 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên, đến nay đã có 6 sản phẩm đề nghị tham gia: gạo của Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp Khang Long, gạo của xã Bình Thanh, mây tre đan xã Thượng Hiền, chạm bạc Đồng Xâm, lạc đỏ xã Vũ An, khoai tây xã Vũ Lễ. Hiện nay chúng tôi đã và đang tích cực hỗ trợ các chủ thể, HTX từ khâu xây dựng ý tưởng sản phẩm đến việc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục pháp lý...


(Còn nữa )

Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày