Thứ 3, 23/04/2024, 17:58[GMT+7]

Quyết tâm phát triển toàn diện nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Thứ 6, 31/12/2021 | 09:12:52
15,063 lượt xem
Năm 1966, Thái Bình giành thắng lợi lớn trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, là tỉnh đầu tiên của miền Bắc đạt năng suất lúa 5 tấn/ha. Để động viên kịp thời phong trào cách mạng, biểu dương thành tích của cán bộ, đảng viên, quân và dân trong tỉnh, ngày 31/12/1966, Bác Hồ về thăm Thái Bình lần thứ năm. Những lời căn dặn của Người vừa gần gũi, thiết thực vừa có tính định hướng và tầm nhìn chiến lược đối với sự phát triển của ngành Nông nghiệp.

Cơ giới hóa khâu thu hoạch đạt tỷ lệ 100% diện tích.

Ghi bảng vàng năng suất 5 tấn thóc/ha

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy: “Bất kể tình huống nào cũng phải nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh, khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất”, năm 1966, Ủy ban Hành chính tỉnh triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2 năm (1966 - 1967) với chỉ tiêu chính là đạt 5 tấn thóc/ha, tổng sản lượng lương thực 493.770 tấn. Theo đó, khâu thủy lợi được xác định là bước đột phá để bảo đảm năng suất lúa, sản lượng như kế hoạch đã đề ra. Các HTX, đội thủy lợi trong tỉnh đã có nhiều cách làm sáng tạo khơi dậy tinh thần lao động hăng say của từng tập thể, cá nhân, không quản ngại ngày đêm đào sông, đắp kênh mương, bờ vùng, bờ thửa, sớm hoàn thành các công trình đưa vào sử dụng phục vụ tưới, tiêu cho sản xuất trồng trọt.

Cùng với làm thủy lợi, các HTX và nhân dân trong tỉnh tăng cường phân bón, cấy đúng lịch thời vụ, ương thả bèo dâu làm phân để phủ kín diện tích cấy. Các giống lúa mới được đưa vào gieo cấy nhằm chống được bệnh vàng lụi như Quyết tâm 813, Khê nam lùn, Chiến thắng, Mộc tuyền, Nông nghiệp 8... Các biện pháp kỹ thuật, các phong trào thi đua được triển khai sâu rộng tới các HTX và bà con nông dân. Với những nỗ lực và quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh và sự hưởng ứng tích cực của các HTX và bà con nông dân, tháng 10/1966, toàn tỉnh thu hoạch lúa mùa, năng suất đạt bình quân 5 tấn/ha, ghi bảng vàng 5 tấn, đánh dấu mốc lịch sử về năng suất lúa của miền Bắc, được Bác Hồ gửi thư khen và về thăm.

Khắc ghi lời Bác dạy

Nói chuyện với trên 100 cán bộ, đại biểu đại diện cho bốn vạn đảng viên và trên một triệu đồng bào trong tỉnh trong lần về thăm Thái Bình lần thứ năm, Bác căn dặn: “Trên mặt trận sản xuất, cán bộ và xã viên phải nắm vững kỹ thuật canh tác để thâm canh tăng năng suất. Muốn tăng năng suất trước hết phải làm tốt thủy lợi, phải nhiều phân bón. Phân bón thì có thứ phân bón sẵn có, chỉ cần ta xúc lấy là được, như bùn, nước phù sa. Nhưng phân chuồng là loại phân bón tốt nhất. Muốn có nhiều phân chuồng thì phải chăn nuôi tốt, nhất là nuôi lợn. Có đủ nước, nhiều phân rồi, lại còn phải chọn giống tốt, phải phòng, trừ sâu bệnh thì mới thu hoạch được nhiều. Trong sản xuất có nhiều việc quan hệ với nhau. Có làm tốt cả các biện pháp thì ruộng mới có năng suất cao, mùa màng mới thắng lợi”.

Thấm nhuần lời dạy của Bác, ngành Nông nghiệp đã triển khai nhiều giải pháp từng bước phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững gắn với giải quyết tốt các vấn đề nông dân, nông thôn. Cụ thể, trong việc cơ cấu lại ngành, kết quả đạt được khá toàn diện. Diện tích cấy lúa đạt gần 150.000ha/năm, năng suất giữ vững trên 13 tấn/ha/năm, sản lượng đạt trên 1 triệu tấn. Cơ cấu giống lúa chuyển dịch theo hướng mở rộng diện tích giống lúa ngắn ngày, năng suất, chất lượng, có khả năng chống chịu tốt với sâu bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu, có thị trường tiêu thụ ổn định.

Với chủ trương đưa vụ đông trở thành vụ sản xuất chính thứ ba trong năm, diện tích cây vụ đông toàn tỉnh giữ ổn định 36.000ha; các cây trồng có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ ổn định hoặc có hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm ngày càng được mở rộng, việc xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung gắn với liên kết, chế biến, tiêu thụ sản phẩm được ngành Nông nghiệp và các địa phương chú trọng mở rộng. Toàn tỉnh có trên 200 cánh đồng (lúa, rau màu) sản xuất tập trung với diện tích trên 14.000ha/năm. Cơ giới hóa 100% diện tích các khâu: làm đất, thu hoạch và đang tích cực đẩy mạnh cơ giới hóa khâu gieo cấy, góp phần thay đổi cách thức sản xuất nông nghiệp của nông dân, chuyển dịch cơ cấu lao động.

Trong chăn nuôi, các đối tượng nuôi chủ lực: lợn, gia cầm được chú trọng chuyển đổi cơ cấu giống theo hướng tăng năng suất, chất lượng; chăn nuôi theo hình thức trang trại, ứng dụng công nghệ hiện đại được nhân rộng; tổ chức sản xuất chăn nuôi theo chuỗi liên kết tiếp tục được hình thành và phát triển.

Lĩnh vực thủy sản phát triển cả về nuôi trồng và khai thác theo hướng hiệu quả, bền vững. Toàn tỉnh hiện có trên 170ha nuôi tôm thẻ chân trắng theo công nghệ mới, năng suất trung bình đạt trên 15 tấn/ha/vụ (3 - 4 vụ/năm), cá biệt đạt 40 - 50 tấn/ha/vụ; nuôi cá rô đồng, cá rô phi năng suất trên 25 tấn/ha/vụ; nuôi ngao thương phẩm năng suất trên 40 tấn/ha, ương ngao giống đạt giá trị trên 1 tỷ đồng/ha/năm... đã tạo ra khối lượng hàng hóa lớn cung cấp quanh năm cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Đến nay, Thái Bình nằm trong tốp 7 tỉnh của cả nước đi đầu trong xây dựng nông thôn mới (NTM) với 8 huyện, thành phố đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, 4 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Đời sống của người dân nông thôn được cải thiện cả về vật chất lẫn tinh thần, tạo nên diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc.

Trong suốt 55 năm (1966 - 2021) từ khi Bác Hồ về thăm Thái Bình lần thứ năm và 60 năm Bác về thăm Thái Bình lần thứ tư (1962 - 2022), những tình cảm sâu nặng, lời chỉ bảo ân cần, sâu sắc và mong muốn của Bác đã khắc sâu trong tâm trí của mỗi người dân Thái Bình, trở thành động lực tinh thần to lớn, thôi thúc Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành thắng lợi toàn diện nhiệm vụ chính trị trong các giai đoạn cách mạng.

Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày