Thứ 7, 23/11/2024, 12:45[GMT+7]

Thụy Tân Sức bật từ những con đường nông thôn mới

Thứ 2, 25/02/2013 | 09:03:32
1,649 lượt xem
Không là xã điểm, chưa có sự hỗ trợ của Nhà nước nhưng chỉ trong thời gian ngắn xã Thụy Tân vẫn huy động sức dân làm hơn chục cây số đường thôn, ngõ xóm khang trang, sạch đẹp. Đây cũng chính là những “con đường ước mơ” tạo sức bật để địa phương đầu tư xây dựng nhiều công trình, thực hiện thêm các tiêu chí khác và trở thành điểm sáng của Thái Thụy trong xây dựng nông thôn mới.

Vóc dáng nông thôn mới ở Thụy Tân

Bắt đầu từ những con đường...

 

Một ngày cuối năm trở lại Thụy Tân, đi trên những con đường bê tông tiến thẳng vào trong khu dân cư, nhìn cảnh bà con đi lại tấp nập mua sắm, bận rộn trang hoàng lại nhà cửa đón năm mới chúng tôi càng cảm nhận rõ cuộc sống ấm no, hạnh phúc của người dân nơi đây. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Đắc Văn cho biết: Thụy Tân là xã cuối cùng nằm ở phía Đông Bắc huyện Thái Thụy, thành lập năm 1962 từ chủ trương khai hoang, xây dựng vùng kinh tế mới tại vùng đất ven sông Hoá và cửa sông Thái Bình. Nhưng ngay từ thời đó, các ngõ xóm đã được những người đặt nền móng khai sinh ra vùng đất mới Thụy Tân quy hoạch theo ô bàn cờ, đắp cao đều tăm tắp, mặt rộng từ 4 đến 5 m.

 

Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, xã huy động nhân dân góp gạch đỏ ghép mặt đường để đi lại thuận tiện hơn. Nhưng sau một thời gian đường xuống cấp, đến năm 2010 Đảng uỷ xã ra nghị quyết chỉ đạo các chi bộ thôn tuyên truyền, vận động nhân dân góp công, góp của làm đường thôn, ngõ xóm. Phong trào bắt đầu từ một xóm của thôn Tân Cường khi có người con xa quê sinh sống ở Quảng Ninh là ông Phạm Văn Định ủng hộ 12 tấn xi măng. Từ nguồn “tiếp sức” nhỏ bé ấy, bà con hào hứng tự đứng ra họp bàn, phân công người phụ trách, mua vật liệu về làm đường. Thế rồi, ngõ này làm chưa xong, ngõ kia đã họp bàn đổ bê tông hóa khiến phong trào thi đua làm đường lan rộng ra các thôn khác. Trong thời gian từ 2010 đến 2012, toàn xã đã bê tông hoá được 22 tuyến ngõ với chiều dài trên 12,6 km. Bà con tự làm, tự giám sát nên ngõ nào cũng rộng thoáng, thiết kế rãnh thoát nước bảo đảm vệ sinh môi trường. Ngoài tham gia lao động, mỗi hộ tự nguyện góp từ 2 đến 3 triệu đồng mà ai cũng nhiệt tình. Bà Nguyễn Thị Bích (thôn Tân Cường) chia sẻ: “Năm mới nhìn con cháu mình được đi trên những con đường rộng thoáng tôi thấy vui, phấn khởi lắm chị ạ! Còn nhớ, ngày đầu  họp bàn chuyện làm đường, cả ngõ 18 người đồng lòng như một góp mỗi hộ 2,8 triệu đồng không tính công và chỉ làm trong 10 ngày là xong, đến khi khánh thành còn mổ cả lợn để liên hoan. Không nên trông chờ, ỷ nại, mình bỏ tiền ra làm đường mình hưởng cơ mà, sau này già rồi không đi nữa thì con cháu, hàng xóm mình đi, có ai đâu mà sợ thiệt...”

 

Đến diện mạo nông thôn mới

 

Được biết, vận động nhân dân làm đường giao thông chỉ là một phần việc nhỏ trong xây dựng nông thôn mới ở Thụy Tân. Để nâng cao đời sống cho người dân, xã đặc biệt chú trọng đẩy mạnh phát triển kinh tế, trong đó lấy sản xuất nông nghiệp làm nòng cốt. Dù là vùng chua mặn, khó canh tác nhưng do người dân luôn cần cù, HTX tổ chức tốt các khâu dịch vụ, hướng dẫn xã viên ứng dụng đồng bộ các tiến bộ KHKT, mở rộng diện tích gieo sạ, lúa hàng hoá nên năng suất lúa của Thụy Tân luôn đạt năng suất từ 12,5 đến 13 tấn/ha/năm.

 

Cùng với cây lúa, xã khuyến khích mở rộng diện tích trồng các loại cây màu như: hành tỏi, thuốc lào, dưa hấu, dưa lê, dưa gang chen vụ, ngô, khoai tây... đạt 150ha/năm. Riêng vùng chuyên màu với diện tích 47 ha, luân canh 4 đến 5 vụ cho thu nhập từ 150 đến 200 triệu/đồng/năm. Nhiều hộ đầu tư nuôi trồng thủy sản với diện tích 82,8ha cho nguồn thu nhập mỗi năm từ 100 đến 120 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, Thụy Tân đã chú trọng phát triển ngành nghề, tạo việc làm cho  người dân. Toàn xã hiện có 3 cơ sở tổ chức nghề móc sợi, mây tre đan thu hút 300 đến 350 lao động, ngoài ra mỗi năm có 500 lao động đi làm kinh tế ở tỉnh ngoài, xuất khẩu lao động đã góp phần đáng kể tăng nguồn thu nhập cho địa phương. Năm 2012, tổng giá trị sản xuất toàn xã đạt 103,039 tỷ đồng, tăng 8,7% so với năm 2011. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người đạt 24 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 6,2%.

 

Giờ đây, bất cứ ai về Thụy Tân đều có chung cảm nhận vóc dáng nông thôn mới đang dần hiện hữu. Đường làng ngõ xóm phong quang, sạch đẹp. Các công trình điện, đường, trường trạm, chợ... đều được đầu tư nâng cấp, sửa chữa, hoặc xây mới. Đến nay, cả 3 trường học: mầm non, tiểu học, THCS và Trạm y tế đều đạt chuẩn quốc gia. Thụy Tân cũng đã hoàn thành lập quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới, quy hoạch chi tiết khu trung tâm và điểm dân cư, quy hoạch chi tiết giao thông thuỷ lợi nội đồng, quy hoạch sử dụng đất 5 năm 2011 - 2015, lập đề án xây dựng nông thôn mới, đang lập quy hoạch cụm công nghiệp thu hút đầu tư đẩy mạnh phát triển kinh tế địa phương. Đặc biệt, trong năm 2012, Thụy Tân hoàn thành xây dựng 280 m đường trước trụ sở UBND xã với vốn đầu tư 1,2 tỷ đồng (trong đó nhân dân đóng góp 200 triệu đồng làm vỉa hè); hiện tại địa phương tiếp tục đầu tư xây dựng tuyến đường 461 đến cống Cháy phục vụ phát triển cụm công nghiệp. Đối với việc dồn điền đổi thửa, xã đã huy động toàn dân tham gia đào đắp giao thông, thủy lợi nội đồng, khối lượng 42.776m3 với kinh phí gần 1 tỷ đồng, hoàn thành việc chia ruộng cho nhân dân, bình quân mỗi hộ còn 1,72 thửa. Sau dồn điền đổi thửa nhân dân rất phấn khởi đang dồn sức ra đồng gieo cấy quyết tâm giành vụ xuân thắng lợi.

 

Quyết tâm sẽ về đích vào năm 2015

 

Qua rà soát, đến nay Thụy Tân đã đạt 11/19 têu chí nông thôn mới. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền nâng cao hiểu biết, nhận thức cho người dân về chủ trương, ý nghĩa, giá trị của việc xây dựng nông thôn mới. Tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân đồng thời khai thác tối đa các nguồn lực, nhất là sức người, sức của của nhân dân từng bước thực hiện các tiêu chí trên tinh thần dễ làm trước, khó làm sau. Tuy nhiên, xuất phát điểm là xã nghèo, thuần nông nên ngoài sự cố gắng, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, Thụy Tân cũng rất cần sự hỗ trợ của các cấp, các ngành để đầu tư xây dựng một số công trình hạ tầng kỹ thuật tạo thành sức mạnh tổng hợp có thể về đích xây dựng nông thôn mới vào năm 2015.

 

Bài, ảnh: Nguyễn Hình

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày