Thứ 7, 23/11/2024, 09:33[GMT+7]

Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Đồng hành cùng nông dân xây dựng nông thôn mới

Thứ 2, 29/04/2013 | 19:39:03
1,240 lượt xem
Xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, thời gian qua Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (TTKC& TVPTCN) luôn hướng hoạt động về cơ sở, bám sát và hỗ trợ thực hiện các tiêu chí, nhất là về chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển sản xuất nâng cao thu nhập.  

Trung tâm Khuyến công hỗ trợ dây chuyền chế biến gạo xuất khẩu tại cụm công nghiệp Vũ Quý (Kiến Xương).

Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Văn Hải - Giám đốc TTKC& TVPTCN cho biết: Không chỉ thực hiện phương châm cho cần câu chứ không cho con cá, Trung tâm còn tìm cách hỗ trợ và hướng dẫn người câu làm sao bắt được nhiều cá nhất. Qua tìm hiểu thực tế tại nhiều vùng thôn quê, Trung tâm nhận thấy, cái mà người nông dân đang thiếu nhất là vốn và kỹ thuật. Phần vốn để mở rộng sản xuất thời gian qua đã được các tổ chức tín dụng, nhất là Ngân hàng nông nghiệp, Ngân hàng Chính sách xã hội và các quỹ tín dụng nhân dân tại địa phương giải quyết tương đối tốt. Phần còn lại là kỹ thuật, nhưng nếu là kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi thì các đoàn thể chính trị đã tham gia hỗ trợ rất tích cực. Chính vì vậy Trung tâm đã chọn hướng vào lĩnh vực còn bỏ trống đó là hỗ trợ đào tạo nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cho nông dân.

 

Cách làm này không chỉ giúp người dân có điều kiện vào làm việc tại các công ty hoặc chí ít là tìm thêm nghề thủ công làm lúc nông nhàn để nâng cao thu nhập mà còn góp phần quan trọng vào việc chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang các ngành, lĩnh vực khác đáp ứng yêu cầu về tiêu chí cơ cấu lao động trong xây dựng NTM. Tuy nhiên, xuất phát từ đặc thù hầu hết lao động nam thanh niên ở nông thôn đều dời quê đi làm ăn xa, còn lại chủ yếu là người lớn tuổi và lao động nữ, do vậy ngành nghề lựa chọn để hỗ trợ đào tạo phải phù hợp với đối tượng theo phương châm cần gì học nấy và cầm tay chỉ việc. Có như vậy hiệu quả hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn mới thiết thực.

 

Tính từ năm 2008 đến hết năm 2012, Trung tâm KC& TVPTCN đã mở 116 lớp đào tạo nghề, truyền nghề, du nhập nghề mới cho 5.820 lao động với tổng kinh phí hỗ trợ 5,43 tỷ đồng. Hoạt động hỗ trợ đào tạo nghề chủ yếu hướng đến các địa phương tiếp giáp khu công nghiệp, nơi có đất nông nghiệp thu hồi phục vụ phát triển công nghiệp; những nơi có làng nghề phát triển như: Thị trấn An Bài, An Thanh (Quỳnh Phụ); Đông Dương, Đông La (Đông Hưng); Mỹ Lộc, Thái Xuyên (Thái Thụy); Tân Lễ (Hưng Hà)…

 

Gần đây nhất, Trung tâm đã phối hợp với Phòng Công Thương huyện Kiến Xương tổ chức lớp dạy nghề chạm bạc cho 35 lao động của xã Trà Giang giúp địa phương này giữ gìn và phát triển nghề chạm bạc truyền thống. Các nghề được hỗ trợ đào tạo chủ yếu là đan mây tre, móc sợi, đan len, làm tăm hương, đan làn nhựa, may công nghiệp…

 

Đặc biệt, Trung tâm còn liên hệ với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng lao động từ đó hỗ trợ đào tạo những nghề mà doanh nghiệp đang cần. Nhờ vậy, sau đào tạo nhiều lao động đã tìm được việc làm tại chỗ với thu nhập ổn định. Điển hình như xã Mỹ Lộc (Thái Thụy), phần lớn đất nông nghiệp của địa phương này đã dành để xây dựng Trung tâm Điện lực Thái Bình, nhưng nhờ sự hỗ trợ của các ngành chức năng triển khai hàng loạt các dự án an sinh xã hội, trong đó có dự án hỗ trợ đào tạo lao động từ nguồn vốn khuyến công nên sau thu hồi đất hơn 90% lao động của xã vẫn có việc làm và thu nhập ổn định, số lao động chưa có việc làm chủ yếu là những người đã lớn tuổi.

 

Trong xây dựng NTM, các xã đều tích cực thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh có 253/ 267 xã hoàn thành dồn đổi ruộng đất với bình quân 1,79 thửa/ hộ. Kết hợp sau dồn đổi, các địa phương đã quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, huy động nhân lực đào đắp giao thông thủy lợi nội đồng… Đây là điều kiện rất thuận lợi để đẩy nhanh cơ giới hóa giúp giảm chi phí, giải phóng sức lao động thủ công, nâng cao hiệu quả sản xuất.

 

Theo khảo sát của TTKC& TVPTCN, toàn tỉnh hiện có 274 máy cày cỡ lớn, 639 máy cày công suất 17- 35CV, gần 1.000 máy cày cỡ nhỏ (công suất 6- 17CV); 198 máy kéo; 165 máy gặt công suất 50CV trở lên, gần 400 máy công suất dưới 50CV; 4.949 máy tuốt lúa và khoảng 5.000 máy xay xát. Hầu hết các máy nói trên đều của tư nhân, tổng giá trị các loại máy khoảng 609 tỷ đồng. Trong đó, tính riêng 70 xã điểm xây dựng NTM giai đoạn 2011- 2015 đã có 2.615 máy làm đất các loại, 153 máy kéo, 169 máy gặt và 1.288 máy tuốt lúa. Tuy nhiên, điều đáng lưu tâm là phần lớn chủ máy đều là nông dân, đa số chưa qua lớp đào tạo về kỹ thuật sử dụng máy. Quá trình vận hành máy một phần nhờ hướng dẫn của nơi bán, còn phần lớn là tự học hỏi lẫn nhau. Vì vậy, hiệu quả sử dụng máy chưa cao, hay bị hỏng hóc vặt, một số bị thợ sửa máy bắt chẹt, thậm chí xảy ra tai nạn lao động.

 

Trước thực trạng đó, Trung tâm KC& TVPTCN đã vào cuộc, phối hợp với Khoa cơ khí - Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (phân hiệu phía Bắc) mở các lớp tập huấn vận hành, bảo dưỡng và sửa chữa máy nông nghiệp. Chỉ tính riêng trong năm 2012 vừa qua, Trung tâm đã mở 4 lớp tập huấn cho khoảng 250 chủ máy thuộc các xã của huyện Kiến Xương. Trong quá trình tập huấn, các học viên được nghe giới thiệu khái quát về động cơ đốt trong với các mô hình học cụ thể, vừa nghe vừa quan sát; hướng dẫn kỹ thuật bảo dưỡng từng loại máy và cách sửa chữa những hỏng hóc thông thường. Ngoài học lý thuyết, học viên còn được vận hành thử nghiệm các loại máy nông nghiệp, đồng thời hình thành cầu nối giữa nông dân và nhà khoa học, tạo địa chỉ thường xuyên và tin cậy để các chủ máy liên hệ tư vấn khi mua máy, sửa chữa máy…

 

Ngoài ra, Trung tâm còn tổ chức các mô hình trình diễn kỹ thuật giúp các doanh nghiệp tại các cụm công nghiệp và làng nghề tiếp cận với công nghệ hiện đại. Trong năm 2012, Trung tâm đã tổ chức được 2 mô hình về kỹ thuật dệt chiếu máy tại xã Tân Lễ (Hưng Hà) và công nghệ bắn màu trong dây chuyền chế biến gạo xuất khẩu tại xã Vũ Lạc (Thành phố Thái Bình). Nhờ được hỗ trợ áp dụng công nghệ mới, đến nay Công ty TNHH Thương mại Chương Tho đang tạo việc làm cho 33 lao động với mức lương trung bình 2,5 triệu đồng/người/tháng; hàng năm thu mua và chế biến gần 20.000 tấn lương thực, doanh thu đạt 221 tỷ đồng…

Bài, ảnh:  Vũ Mạnh

 

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày