Thứ 7, 23/11/2024, 09:49[GMT+7]

Thị trấn An Bài Khơi nguồn sức dân

Thứ 4, 22/05/2013 | 08:42:58
1,210 lượt xem
100% các tuyến đường ở Thị trấn An Bài do tổ dân phố quản lý, hầu hết ngõ vào tận nhà dân đã được bê tông hóa, rộng rãi, sạch sẽ; nhà dột nát của hộ nghèo, hộ chính sách cũng đã được đầu tư sửa chữa hoặc xây mới khang trang, vững chãi mà kinh phí chủ yếu là quyên góp từ dân

Đoạn đường bê tông từ sức dân của tổ 2, Thị trấn An Bài.

“100% các tuyến đường do tổ dân phố quản lý, hầu hết ngõ vào tận nhà dân đã được bê tông hóa, rộng rãi, sạch sẽ; nhà dột nát của hộ nghèo, hộ chính sách cũng đã được đầu tư sửa chữa hoặc xây mới khang trang, vững chãi mà kinh phí chủ yếu là quyên góp từ dân” - nghe Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Thị trấn An Bài (Quỳnh Phụ) Trần Xuân Dưỡng nói vậy, tôi mừng vì người dân nơi đây có ý thức chung tay, góp sức cùng cấp ủy, chính quyền tạo dựng diện mạo mới cho quê hương, lòng càng thêm thấm thía câu nói của Bác Hồ “Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

 

Đời sống của người dân Thị trấn An Bài chưa phải là cao, nhưng hệ thống cơ sở hạ tầng (điện, đường, trường, trạm) ở đây đều đạt chuẩn, khang trang, sạch đẹp. Nhân “Năm An toàn giao thông - 2012”, Đảng ủy ra nghị quyết lãnh đạo làm đường giao thông do các tổ dân phố quản lý trên phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

 

Để được đi trên những con đường bê tông rộng rãi, khang trang, sạch sẽ, các gia đình đều đồng thuận cao và có ý thức đóng góp kinh phí nhanh, đủ. Con em của nhiều tổ dân phố đi làm ăn xa, thành đạt cũng gửi tiền về ủng hộ như: bà Phạm Thị Diệm ủng hộ 50 triệu đồng, ông Nguyễn Duy Xuyền ủng hộ 30 triệu đồng. Bà con còn ủng hộ hàng chục tấn xỉ vôi để gia cố nền đường. Tất cả các hộ có đất thổ cư nằm trong phần mở rộng đường đều tự nguyện hiến đất. Đến hết năm 2012, 100% các tuyến đường do tổ dân phố quản lý đều được bê tông hóa, dày từ 10 – 20 cm, mặt đường chỗ rộng nhất là 4 mét, nơi hẹp nhất cũng 2,5 mét, tổng chiều dài trên 16 km, tổng kinh phí gần 5,5 tỷ đồng, trong đó UBND xã hỗ trợ gần 2,5 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 3 tỷ đồng.

 

 Chủ tịch Ủy ban MTTQ Thị trấn Trần Xuân Dưỡng cho biết thêm: Mùa khô năm 2013, An Bài sẽ triển khai làm đường bê tông ra cánh đồng, kinh phí cho những hộ có ruộng đống góp và UBND xã hỗ trợ một phần. Không chỉ tuyên truyền, vận động nhân dân góp tiền của, vật liệu, ngày công làm đường giao thông, MTTQ Thị trấn An Bài còn có cách làm sáng tạo trong việc vận động toàn dân xây nhà đại đoàn kết tặng hộ nghèo, hộ chính sách.

 

Nếu như ở các nơi, kinh phí hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết từ nhiều nguồn khác nhau (cấp trên hỗ trợ, gia đình tự có, vay mượn của anh em, họ hàng...), các đoàn thể, họ hàng giúp ngày công, còn việc xây nhà to, nhỏ, kiến trúc ra sao, trong thời gian bao lâu, thuê thợ, giám sát thợ tùy thuộc cả vào gia đình thì ở An Bài Chủ tịch MTTQ Thị trấn lo từ khâu tiếp nhận kinh phí hỗ trợ của cấp trên, vận động cán bộ, nhân dân, doanh nghiệp ủng hộ đến việc cân đối tiền mua vật liệu, thuê thợ, giám sát công trình; nếu vừa đủ với số tiền đã quyên góp được là tốt, còn thiếu một ít lại tiếp tục vận động bà con để bảo đảm chất lượng công trình. Anh vốn đã nhiều việc còn kiêm cả xây nhà đại đoàn kết nữa, sức nào lo nổi? Nghe tôi hỏi, anh Dưỡng cười bảo: “Chấp nhận phần vất vả về mình để ngôi nhà đại đoàn kết mang đúng nghĩa, đúng tên, niềm vui của gia đình được ở nhà mới thêm trọn vẹn”.

 

Đã thành thông lệ, ở cả 13/13 tổ dân phố của Thị trấn, gia đình nào được tặng nhà đại đoàn kết, Ban công tác Mặt trận đều họp giao nhiệm vụ cụ thể: thanh niên thì dỡ nhà cũ, phụ nữ chuẩn bị mặt bằng, chuyển vật liệu, các cựu chiến binh đào móng, bà con, họ hàng phối hợp. Với cách làm đó, từ đầu năm 2012 đến nay, Thị trấn An Bài đã vận động nhân dân đóng góp được 187 triệu đồng cùng hơn 150 ngày công lao động xây nhà đại đoàn kết tặng bà Nguyễn Thị Lũng, tổ 9 là người cao tuổi nghèo, đơn thân; bà Nguyễn Thị Nương, tổ 4, hộ nghèo và ông Nguyễn Văn Vượng, tổ 3 là hộ nghèo, thân nhân liệt sĩ. Trong đó, nhà bà Lũng xây hết 24 triệu đồng hoàn toàn từ tiền vận động nhân dân; nhà bà Nương xây hết 103 triệu (20 triệu MTTQ cấp trên hỗ trợ, 83 triệu vận động từ dân); nhà ông Vượng xây hết 60 triệu đồng (cấp trên hỗ trợ 20 triệu, 40 triệu vận động từ dân).

 

Cũng trong năm 2012, Ủy ban MTTQ Thị trấn còn vận động được 3,6 triệu đồng hỗ trợ bà Bùi Thị Thấm, tổ 9 đưa con đi mổ tim; vận động ủng hộ các loại quỹ được trên 48 triệu đồng. Nhiều năm liền, Thị trấn An Bài là địa phương có số tiền ủng hộ các loại quỹ cao nhất huyện Quỳnh Phụ.

 

Đưa tôi đi thăm một vòng những con đường, những ngôi nhà đại đoàn kết  được xây dựng từ huy động sức dân, vừa về đến trụ sở UBND xã, đồng chí Chủ tịch Ủy ban MTTQ Thị trấn An Bài lại tất tả xuống kiểm tra một ngôi nhà đại đoàn kết đang xây, mặc dù hôm đó là ngày nghỉ. Cán bộ làm việc nhiệt tình, trách nhiệm, mọi khoản chi tiêu đều rõ ràng, minh bạch thì việc khơi nguồn sức mạnh từ dân để lo cho dân sẽ không khó.

Bài, ảnh: Thu Hiền

 

 

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày