Thứ 5, 21/11/2024, 20:23[GMT+7]

Đông Xá: Đích nông thôn mới nâng cao không còn xa

Thứ 5, 13/04/2023 | 08:29:11
9,476 lượt xem
Là một trong những xã được huyện chọn để xây dựng về đích nông thôn mới (NTM) nâng cao trong năm 2023, Đông Xá tiếp tục huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tập trung nguồn lực, đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua nhằm nâng cao chất lượng, hoàn thành các tiêu chí, quyết tâm về đích đúng lộ trình.

Đường vào xã Đông Xá.

Trở lại Đông Xá hôm nay, chúng tôi thấy rõ sự “thay da đổi thịt” của vùng quê hương cách mạng. Đường thôn ngõ xóm rộng thoáng, sáng, xanh, sạch, đẹp; nhà cửa được xây dựng kiên cố, khang trang, đặc biệt là sự đồng lòng chung sức của người dân trong xây dựng quê hương giúp địa phương tự tin thực hiện đạt các tiêu chí NTM nâng cao. 

Đồng chí Trần Quang Đạt, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Xá cho biết: Địa phương xác định trong năm 2023 sẽ xây dựng thành công xã NTM nâng cao để tạo tiền đề xây dựng xã NTM kiểu mẫu; đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 của cả hệ thống chính trị. Do đó, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận dụng sáng tạo các cơ chế, chính sách của Nhà nước, lấy nhân dân làm chủ thể, kết hợp với huy động đa dạng các nguồn lực trong và ngoài xã cùng tham gia xây dựng NTM nâng cao, chú trọng thực hiện tiêu chí tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế nông thôn. Đáng mừng là hiện sản phẩm bí đỏ của xã đã được tỉnh công nhận OCOP 3 sao. Dù mới chỉ là sản phẩm vụ đông nhưng hiệu quả kinh tế mang lại cao gấp nhiều lần trồng lúa nên Đông Xá từ một xã “trắng” cây bí giờ đã đạt trên 100ha. Hiện xã đang quy hoạch vùng hàng chục héc-ta để trồng bí đỏ vụ hè thu, đưa bí thành cây hàng hóa, sẽ đầu tư máy móc để chế biến bí thành hàng hóa giá trị như bí sấy khô, mứt bí... vừa dễ tiêu thụ vừa bảo quản được lâu, đáp ứng nhu cầu của thị trường, thúc đẩy sản xuất của địa phương phát triển. 

Ông Nguyễn Văn Minh, thôn Tây Bình Cách, xã Đông Xá phấn khởi cho biết: Nhờ trồng trên 1 mẫu bí đỏ mà mỗi vụ gia đình tôi có nguồn thu hàng chục triệu đồng. Bí đỏ chính là nguồn thu chủ yếu của gia đình tôi. Nay bí đỏ được công nhận sản phẩm OCOP người dân chúng tôi rất mừng, bí được cấp mã vạch, được đưa lên sàn thương mại điện tử của tỉnh nên cơ hội tiêu thụ rộng mở hơn. Trong khi nhiều xã còn đang “loay hoay” với việc thực hiện chỉ tiêu khó 13.2, thì Đông Xá đã hoàn thành. Bên cạnh đó, HTX DVNN xã còn chủ động liên kết với một số công ty tiêu thụ trên 100 tấn thóc tươi/vụ cùng với bí, khoai tây với giá cao cho nông dân, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho bà con.

Đến nay, xã Đông Xá đã đạt 16/19 tiêu chí, 64/75 chỉ tiêu xã NTM nâng cao. Hầu hết các tiêu chí về cơ sở hạ tầng xã đã nỗ lực thực hiện đồng bộ đem lại diện mạo mới, sức sống mới cho vùng quê thuần nông này. 100% người dân sử dụng nước hợp vệ sinh; hầu hết các tuyến đường đều có điện thắp sáng giúp người dân đi lại thuận tiện, dễ dàng, nhất là về đêm. Tuy nhiên, hiện nay Đông Xá còn tiêu chí số 14 về y tế, tiêu chí số 18 về chất lượng môi trường sống, một số chỉ tiêu của tiêu chí số 13 chưa đạt. Trong đó, thách thức lớn nhất là chỉ tiêu tỷ lệ người dân tham gia, sử dụng ứng dụng khám chữa bệnh từ xa đạt từ 40% trở lên và chỉ tiêu tỷ lệ dân số có sổ sức khỏe điện tử phải đạt từ 90% trở lên. 

Ông Đào Chung Thinh, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đông Xá chia sẻ: Do tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh ở địa phương còn thấp nên việc cài đặt sổ sức khỏe điện tử chưa đạt yêu cầu. Trạm đang thiếu nhân lực nên việc cập nhật dữ liệu của người dân chủ yếu vào sổ sách chứ chưa thực hiện trên máy. Hiện nay, với sự hỗ trợ của xã về nhân lực, công nghệ, người dân nào đến khám bệnh đều có cán bộ chuyên môn cài đặt hộ, hướng dẫn cách sử dụng sổ sức khỏe điện tử. Những người không đến Trạm Y tế khám bệnh mà chưa cài đặt xã đã thành lập tổ công tác đến tận nhà cài đặt và hướng dẫn sử dụng. Trạm cũng bố trí người để nhập dữ liệu khám bệnh vào máy tính thay vì sổ sách.

Cây bí đem đến nguồn thu nhập lớn cho bà con nông dân xã Đông Xá.

Ngoài ra, xã Đông Xá tận dụng nhiều nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, hỗ trợ từ tỉnh, huyện cùng nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng đầu tư cho các hộ có nhu cầu phát triển kinh tế, nhất là hộ nghèo, cận nghèo; phối hợp mở các lớp dạy nghề, giới thiệu việc làm, tạo điều kiện cho bà con nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. 

Chị Lê Thị Thúy chia sẻ: Được xã tạo điều kiện cả về thủ tục và vốn, gia đình tôi đã mạnh dạn nhận 7.600m2 đất khó sản xuất của xã đầu tư xây dựng trang trại VAC. Tôi cũng tích tụ ruộng cấy 2 mẫu lúa, hàng mẫu bí, khoai tây vụ đông. Tổng thu nhập của gia đình khoảng 500 triệu đồng/năm. Tôi đã ủng hộ hàng chục triệu đồng và ngày công để thôn, xã làm đường giao thông nông thôn, xây dựng các công trình; cùng chị em trồng hoa, vệ sinh làm đẹp các tuyến đường để góp phần xây dựng NTM giờ là NTM nâng cao của địa phương.

Dù vẫn còn có những khó khăn song xây dựng NTM nâng cao thật sự mang đến cho làng quê Đông Xá nhiều đổi thay, đặc biệt là đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân đều được nâng cao. Đó là minh chứng cho những chủ trương đúng đắn và cách làm phù hợp, hiệu quả của cấp ủy, chính quyền, sự chung sức đồng lòng của nhân dân địa phương. Với những bước đi, cách làm sáng tạo đó, Đông Xá chắc chắn sẽ về đích NTM nâng cao trong năm nay.  



Hiếu Nghĩa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày