Thứ 3, 23/07/2024, 15:23[GMT+7]

Khi nước sạch về làng

Thứ 3, 28/05/2013 | 08:12:20
1,512 lượt xem
Trong Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới có nêu rõ việc bảo đảm cung cấp đủ nước hợp vệ sinh cho dân cư, trường học, trạm y tế. Nắm rõ tiêu chí này, trong những năm qua xã Duy Nhất (Vũ Thư) đã nỗ lực tìm kiếm các biện pháp khắc phục khó khăn để giải bài toán nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn.

Cụ Lê Thị Hưởng, thôn Văn Lang (Duy Nhất, Vũ Thư) bên công trình nước sạch.

Chúng tôi tìm về Duy Nhất vào một ngày đầu hè oi ả. Với cái nóng 40°C, ai nấy đều muốn tìm cho mình một dòng nước mát. Khi biết chúng tôi tìm hiểu về thực tế sử dụng nước sạch ở địa phương, anh Lê Văn Tài (thôn Văn Thái) đã rất hồ hởi mời chúng tôi về nhà. Được sử dụng dòng nước sạch tại gia đình anh, một phần cái nóng trong chúng tôi vơi đi.

Anh Tài niềm nở: "Hơn 2 năm kể từ ngày có nước sạch, gia đình tôi phấn khởi lắm, ăn uống, sinh hoạt 100% là nước sạch, bệnh truyền nhiễm được đẩy lùi, các thiết bị vệ sinh cũng không lo ố hỏng như trước nữa…". Anh cho biết, trước kia người dân ở đây chủ yếu sử dụng nước từ ao hoặc sông ngòi, nhà nào khá hơn thì có giếng khoan. Nước mưa là sạch nhất nên dùng rất tiết kiệm, chỉ để uống và nấu ăn. Đến mùa khô nước mưa hết, các hộ gia đình lại phải sử dụng các nguồn nước khác thay thế. Chỉ tay về phía chiếc bể lọc thủ công đã xếp gọn từ lâu, anh ngao ngán: "Ngày trước, nó là phương tiện lọc nước giếng để lấy nguồn nước sinh hoạt cho gia đình tôi, tuy nhiên dù có sử dụng các hình thức lọc thế nào đi nữa thì nguồn nước vẫn bị nhiễm sắt. Bệnh tật thì cũng từ đó mà ra…".

Tìm lời giải cho bài toán nước sạch, dự án "cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng" được khởi động tại Thái Bình từ năm 2005. Duy Nhất là một trong những xã đầu tiên tham gia dự án này. Với nguồn vốn ban đầu 22 tỷ đồng của Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ, địa phương đã huy động đóng góp trong dân thêm 10% (2,2 tỷ đồng) góp phần đầu tư xây dựng nhà máy nước sạch và hệ thống đường ống đưa nước sạch về từng hộ dân. Đến tháng 10/2011, Nhà máy nước xã Duy Nhất đã đi vào hoạt động và được đặt tại thôn Minh Hồng bảo đảm cung cấp đủ nước sạch cho 2 xã Duy Nhất và Vũ Đoài. Đến nay, trên 95% hộ gia đình trong xã Duy Nhất đã có nước sạch để sử dụng, người dân không còn cảnh lo nơm nớp vì thiếu nước hay nước bị ô nhiễm nữa. Nguồn nước được đánh giá là hợp vệ sinh hằng ngày vẫn được bơm 24/24h đến từng bể chứa của các hộ dân.

Về phương thức đóng góp, ông Vũ Quang Hậu, Chủ tịch UBND xã Duy Nhất cho biết: "Theo dự toán ban đầu, mỗi khẩu chỉ phải đóng góp 161.000 đồng, chia làm 3 đợt. Nhưng trong thực tế, do vật liệu đội giá nên mức đóng góp lên đến gần 300.000 đồng. Số tiền này chỉ đủ để lắp đồng hồ và hệ thống ống nước đi qua trục thôn xóm. Với người dân trong xã, đây là mức đóng góp có thể chấp nhận được". Hiện tại, trung bình mỗi hộ dân sử dụng từ 10 – 15 m3 nước/tháng với mức giá 5.000 đồng/m3. Tuy nhiên, đây chỉ là giá tạm tính. Hiện tại doanh nghiệp chưa đưa ra mức giá cố định.

Nước sạch về xã, đặc biệt là một xã nghèo và xa trung tâm như Duy Nhất, đó là một thành quả lớn lao. Tuy nhiên qua tìm hiểu chúng tôi được biết việc doanh nghiệp đưa ra yêu cầu tối thiểu 1 hộ gia đình trong tháng phải sử dụng ít nhất 5 m3 nước, hộ gia đình nào không sử dụng hết cũng tính giá tiền tương đương 5 m3

Đến thăm cụ Lê Thị Hưởng (thôn Văn Lang), năm nay đã ngoài 80 tuổi, gia đình chỉ có 1 nhân khẩu, việc được sử dụng nước sạch với cụ là một niềm vui lớn. Tuy nhiên, cụ cho biết: các con đi làm ăn xa, gia đình chỉ có một mình, 1 tháng chỉ sử dụng hết 2 m3 nước. Thiết nghĩ, vấn đề này cần được cân nhắc và điều chỉnh lại bởi có rất nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã có nhu cầu sử dụng nước thực tế trong 1 tháng không đến ngưỡng như doanh nghiệp đặt ra. Chính quyền, doanh nghiệp cần vào cuộc phối hợp giải quyết khúc mắc của người dân để niềm vui nước sạch được trọn vẹn.

Bài, ảnh: Hồng Thắm - Y Ban

(Sinh viên thực tập)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày