Thứ 7, 23/11/2024, 09:48[GMT+7]

Tăng cường tuyên truyền công tác dân số Góp sức xây dựng nông thôn mới

Thứ 2, 03/06/2013 | 14:10:13
1,163 lượt xem
Tiêu chí 16 của Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới quy định xã phải đạt tiêu chuẩn xã văn hóa, trong đó có 70% thôn, làng trở lên đạt tiêu chuẩn thôn, làng văn hóa. Đồng nghĩa với thôn, làng văn hóa là việc không có người sinh con thứ 3 trở lên. Như vậy, việc vận động thực hiện chính sách dân số ngay từ mỗi thôn, xóm trong chương trình xây dựng nông thôn mới là một nội dung cần thiết.

Vui múa hát. Ảnh: Minh Đức

Góp sức cùng Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh xây dựng nông thôn mới, từ năm 2010, Chi cục Dân số - KHHGĐ triển khai thực hiện mô hình truyền thông dân số - KHHGĐ tại 8 xã điểm nông thôn mới của tỉnh.

Không chỉ đặt ra chỉ tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ sinh, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, giảm tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh, mục tiêu xa hơn mà mô hình hướng đến là nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, nhân dân về vai trò của công tác dân số trong tình hình mới.

Trước khi triển khai, Chi cục Dân số - KHHGĐ đã tiến hành khảo sát thực trạng công tác dân số - KHHGĐ về các chỉ tiêu như tỷ lệ sinh, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, tỷ lệ giới tính khi sinh, nhận thức của cán bộ, đảng viên. Trên cơ sở kết quả khảo sát, Chi cục đã xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện, hỗ trợ kinh phí cho các địa phương hướng đến các chỉ tiêu cụ thể: phấn đấu giảm mức sinh hàng năm 0,25%0; giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên hàng năm trên 1,5%; từng bước giảm tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh và nâng cao chất lượng dân số.

Để nâng cao nhận thức cho lãnh đạo địa phương, cán bộ, đảng viên, nhân dân về công tác dân số - KHHGĐ trong tình hình mới, nhiều hoạt động đã được Chi cục Dân số - KHHGĐ trực tiếp chỉ đạo thực hiện như tập huấn cho 100% lãnh đạo xã, cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số; tổ chức hội nghị truyền thông, nói chuyện trực tiếp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác dân số - KHHGĐ; hỗ trợ nâng cao năng lực triển khai, tổ chức hoạt động cho cán bộ dân số cơ sở… Điểm nổi bật của mô hình là tại mỗi xã thành lập một đội xung kích nhằm đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động trực tiếp và tư vấn về sức khỏe sinh sản – KHHGĐ.

 Đặc biệt, với hình thức hoạt động sáng tạo, các đội tuyên truyền đã xây dựng các tiết mục văn nghệ tập trung vào chủ đề dân số, gia đình, trẻ em lồng ghép biểu diễn trong những hội nghị, những buổi sinh hoạt thôn, xóm, truyền tải các nội dung về dân số - KHHGĐ dễ hiểu, dễ nhớ đến với nhân dân địa phương.

Chị Phạm Thị Sim, cán bộ dân số xã Thanh Tân (Kiến Xương) cho biết: sự hỗ trợ về kinh phí và chỉ đạo tích cực từ Chi cục Dân số - KHHGĐ đã tạo nên không khí mới, chính quyền xã và các ngành đều tích cực vào cuộc với công tác dân số. Ban Dân số đã tham mưu cho Đảng ủy xã ban hành nghị quyết chuyên đề về công tác dân số, các hoạt động truyền thông về dân số - KHHGD được tăng cường. Hai năm 2010 - 2011, Thanh Tân đã tổ chức được 11 hội nghị chuyên đề về dân số, đội xung kích tuyên truyền dân số của xã tổ chức được 10 buổi biểu diễn thu hút đông đảo bà con tham dự. Từ các hoạt động truyền thông, nhân dân quan tâm và chấp hành các chính sách dân số tốt hơn.

Không chỉ có Thanh Tân, 8/8 xã thực hiện mô hình đều có nghị quyết chuyên đề về công tác dân số - KHHGĐ; đội tuyên truyền dân số hoạt động sôi nổi. Chị Phạm Thị Hạnh, cán bộ dân số xã Quỳnh Minh cho biết: trong 3 năm 2010-2012, xã tổ chức được 11 hội nghị chuyên đề, 7 buổi biểu diễn văn nghệ. Các xã khác như Trọng Quan, Hồng Minh thực hiện tốt công tác tư vấn tại hộ gia đình, mỗi năm thực hiện tư vấn cho từ 2.000 – 4.000 lượt hộ về chính sách dân số.

Năm 2010 - 2011 là thời gian mô hình hoạt động khá sôi động tại các địa phương. Từ các hoạt động của mô hình, tỷ lệ sinh, tỷ lệ sinh con thứ 3 trong hai năm đó được cải thiện tốt. So sánh với trước khi triển khai mô hình (2009), đến năm 2011, có 4 xã tỷ lệ sinh giảm là Nguyên Xá, Vũ Phúc, An Ninh, Quỳnh Minh; 7/8 xã có tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm, điển hình là Thụy Trình giảm từ 17,6% xuống còn 5,9%; Nguyên Xá giảm từ 13,6% xuống 8,2%; Trọng Quan giảm từ 13,8% xuống còn 10,2%. Năm 2013, trong khi tỷ lệ sinh, tỷ lệ sinh con thứ 3 toàn tỉnh tăng nhưng 5/8 xã thực hiện mô hình có tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm so với năm trước. Từ năm 2010 đến năm 2013, 8 xã đã vận động được hơn 100 ca mang thai con thứ 3 đi thực hiện KHHGĐ.

Tiêu chí 16 của Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới quy định xã phải đạt tiêu chuẩn xã văn hóa, trong đó có 70% thôn, làng trở lên đạt tiêu chuẩn thôn, làng văn hóa. Đồng nghĩa với thôn, làng văn hóa là việc không có người sinh con thứ 3 trở lên.

Như vậy, việc vận động thực hiện chính sách dân số ngay từ mỗi thôn, xóm trong chương trình xây dựng nông thôn mới là một nội dung cần thiết. Bà Nguyễn Thị Huê, Phó Giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ nhận xét: mô hình truyền thông tại các xã nông thôn mới đã đem lại một số kết quả tích cực.

Tuy nhiên, hạn chế trong thực hiện mô hình là sự chủ động của địa phương trong tổ chức triển khai hoạt động chưa cao; vì vậy hiệu quả mang lại chưa thực sự bền vững. Nhằm tăng cường sự chủ động cho địa phương trong triển khai các hoạt động, năm 2013, Chi cục Dân số - KHHGĐ tiến hành chuyển giao mô hình tuyên truyền dân số xây dựng nông thôn mới cho địa phương quản lý và duy trì hoạt động, đồng thời tiếp tục nhân rộng mô hình tại 8 xã mới của 8 huyện, thành phố. “Nông thôn sẽ không thực sự mới khi người dân vẫn mang nặng tư tưởng sinh đẻ cũ, muốn đông con, nhiều cháu, trọng nam, khinh nữ” đó là thông điệp mà ngành dân số muốn chuyển tải trong thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền dân số trong giai đoạn hiện nay.

Trần Thu Hương

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày