Thứ 4, 15/01/2025, 22:37[GMT+7]

Đông Hưng: Quyết tâm, quyết liệt trong xây dựng nông thôn mới nâng cao

Thứ 3, 23/05/2023 | 08:12:22
7,779 lượt xem
Năm 2023, huyện Đông Hưng chọn 5 xã để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo về đích nông thôn mới (NTM) nâng cao. Nhưng đến nay, hầu hết các xã đều gặp khó khăn trong thực hiện một số tiêu chí khó trong bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao. Tuy nhiên, cấp ủy, chính quyền các cấp vẫn kiên trì, quyết tâm khó vẫn phải làm.

Gian nan đường về đích

Được huyện lựa chọn để về đích NTM nâng cao trong năm nay nhưng qua rà soát hiện xã Đông Xuân mới hoàn thành 48/74 chỉ tiêu, để hoàn thành 26 chỉ tiêu còn lại cần nguồn kinh phí lên tới vài chục tỷ đồng. Đây là thách thức lớn đối với địa phương. 

Đồng chí Vũ Hải Đăng, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Vướng nhất của xã hiện nay là chỉ tiêu về văn hóa, thiếu sân vận động và nhà văn hóa xã theo quy chuẩn. Xã đã cố gắng thực hiện giải phóng khu đất 11.000m2 đã quy hoạch để xây dựng nhà văn hóa xã, dân chưa đồng thuận mà nguồn lực cũng chưa có. Tiêu chí số 2 về giao thông chưa đạt. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn cao 2,44%. Đặc biệt, tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế nông thôn cả 8 chỉ tiêu đều chưa đạt.

Nhờ tập trung xây dựng NTM, NTM nâng cao, từ một miền quê nghèo khó, xã Đông Phương đổi mới, giàu đẹp, văn minh, trở thành một miền quê đáng sống với thu nhập bình quân đầu người 65 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,9%. Đến năm 2020, xã đã đạt 11/11 tiêu chí cũ về xây dựng NTM nâng cao song còn nợ xây dựng cơ bản, vì vậy chưa được công nhận. Khó lại chồng thêm khó khi bộ tiêu chí xã NTM nâng cao của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 tăng lên 19 tiêu chí, tăng 47 chỉ tiêu so với xã đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn trước, có yêu cầu, mức độ đạt rất cao. 

Ông Nguyễn Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Đông Phương đã cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí NTM nâng cao, tuy nhiên một số chỉ tiêu của tiêu chí giao thông, tiêu chí số 13 có sản phẩm OCOP được xếp hạng lại chưa đạt. Đặc biệt, sau nhiều năm nỗ lực xã vẫn còn nợ xây dựng cơ bản trên 7 tỷ đồng. Vấn đề môi trường cũng đang đặt ra thách thức lớn với các địa phương bởi lượng rác thải sinh hoạt ngày càng nhiều, việc tổ chức thu gom, xử lý hầu hết còn thủ công, hiệu quả chưa cao, còn nhiều bãi rác lộ thiên gây ô nhiễm môi trường.

Khó nâng cao thu nhập

Ông Vũ Minh Hoan, Bí thư Đảng ủy xã Đông Tân chia sẻ: Đến nay xã đã đạt 14/19 tiêu chí NTM nâng cao, một số tiêu chí đạt ở mức cao như điện, nhà ở, văn hóa, lao động, tổ chức sản xuất, chất lượng môi trường sống... Tuy nhiên, một số tiêu chí khó địa phương chưa đạt, khó nhất là tiêu chí thu nhập. Theo bộ tiêu chí xã NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2023 là 68 triệu đồng trở lên. Đây là bài toán khó đối với các xã khu vực nông thôn, nhất là khi nguồn lực hỗ trợ sản xuất cho các địa phương bị thu hẹp sau khi về đích NTM. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã đã thành lập HTX SXKD gạo chất lượng cao, quy vùng 70ha cấy lúa làng Giắng, phục vụ HTX chế biến, tiêu thụ và xây dựng thành sản phẩm OCOP 3 sao. Quy vùng chăn nuôi tập trung tại thôn Song Lan, khuyến khích người dân du nhập nghề mới về địa phương... Vì vậy, thu nhập bình quân đầu người của xã đã tăng từ 42,5 triệu đồng (năm 2019) lên 45,6 triệu đồng (năm 2022), tuy nhiên so với quy định của tiêu chí NTM nâng cao vẫn còn thấp hơn rất nhiều. Để về đích NTM nâng cao trong năm 2023 xã bắt buộc phải tăng thu nhập bình quân đầu người đúng quy định là 68 triệu đồng. Điều này đòi hỏi cấp ủy, chính quyền xã phải có giải pháp hữu hiệu hơn nữa.

Mục tiêu cao nhất của xây dựng NTM là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Làm được điều đó thì NTM mới bền vững và thực chất. Song, đến nay các xã, nhất là các xã phấn đấu về đích năm 2023 đều đang gặp khó trong thực hiện tiêu chí số 13, nhất là việc lựa chọn, xây dựng sản phẩm OCOP vì hiện sản phẩm đặc thù của địa phương còn manh mún, nhỏ lẻ, sản xuất chưa tập trung. Hiện mới có Đông Xá và Đông Tân có sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao.

Công ty TNHH May Đạt Đăng (xã Đông Phương, huyện Đông Hưng) đầu tư máy móc hiện đại để nâng công suất, chất lượng sản phẩm.

Khó càng phải quyết tâm

Đông Hưng là huyện duy nhất của tỉnh hiện vẫn chưa có xã nào được công nhận xã NTM nâng cao. Nguyên nhân là do một số địa phương thời gian qua chủ yếu tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, chưa quan tâm đúng mức tới phát triển sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường, chuyển đổi số, an sinh xã hội... Nông nghiệp, nông thôn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Từ đầu năm đến nay, UBND huyện đã tổ chức nhiều đoàn về tất cả các xã nắm tình hình, đề xuất giải pháp thực hiện. Ban Thường vụ Huyện ủy thường xuyên họp nghe tiến độ triển khai thực hiện, bàn, thống nhất các giải pháp phù hợp, ban hành kết luận về xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu năm 2023 và giai đoạn 2023 - 2025.

Theo đồng chí Bùi Đức Hoàng, Bí thư Huyện ủy Đông Hưng: Để tập trung lãnh đạo thực hiện xây dựng NTM nâng cao bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả, huyện chỉ đạo các xã chủ động rà soát, đánh giá cụ thể từng tiêu chí, chỉ tiêu. Với tiêu chí đã đạt, các đơn vị liên quan hướng dẫn các xã sớm hoàn thiện hồ sơ theo quy định, các ngành của huyện tổ chức thẩm tra ngay; với tiêu chí chưa đạt, xây dựng kế hoạch, lộ trình, thời gian thực hiện từng chỉ tiêu, từng phần việc, công trình. Các tiêu chí cần ít kinh phí khẩn trương hoàn thành và thẩm tra xong trong tháng 6. Các cơ quan chuyên môn của huyện tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, sớm tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất ở các khu đất đã được quy hoạch tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng. Ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình để hoàn thiện xây dựng NTM nâng cao và trả nợ xây dựng cơ bản. Tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng phong trào hiến đất, tài sản, ngày công lao động, ủng hộ kinh phí xây dựng NTM nâng cao ở các địa phương. Hiện nay, các địa phương, nhất là các xã phấn đấu về đích NTM nâng cao năm nay đang dồn sức tập trung hoàn thiện các tiêu chí, các chỉ tiêu chưa đạt với giải pháp cụ thể.

Ông Nguyễn Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Phương cho biết: Xã đã lựa chọn sản phẩm xúc xích của địa phương xây dựng sản phẩm OCOP, tiếp tục tổ chức đấu giá các lô đất đã được quy hoạch để có nguồn xử lý nợ xây dựng cơ bản. Chắc chắn xã sẽ hoàn thành các chỉ tiêu này, về đích trong năm nay.

Với Phong Châu hiện còn 6 tiêu chí với 14 chỉ tiêu chưa đạt, ông Cao Kim Hùng, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Xã đã lựa chọn sản phẩm giò, chả xây dựng sản phẩm OCOP và chọn mô hình trồng dưa chuột trong nhà lưới là mô hình kinh tế ứng dụng công nghệ cao. Giao Trạm Y tế xã, các đoàn thể hướng dẫn, cài đặt phần mềm khám chữa bệnh từ xa cho người dân... Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, các chỉ tiêu, tiêu chí còn lại xã sẽ hoàn thiện trong tháng 6 và tháng 10/2023.

Đông Hưng phấn đấu năm 2023 có 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, đến năm 2025 có 20% trở lên số xã đạt tiêu chí NTM nâng cao, trong đó phấn đấu 2 xã trở lên đạt xã NTM kiểu mẫu. Cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện đang rất quyết tâm, quyết liệt, thực hiện bài bản, từng bước, có trọng tâm, trọng điểm và đi vào thực chất để hoàn thành mục tiêu đã đề ra.


Hiếu Nghĩa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày