Thứ 5, 09/05/2024, 20:40[GMT+7]

Quy hoạch nông thôn mới ở Thái Bình Ði trước một bước

Thứ 5, 13/06/2013 | 09:51:03
1,536 lượt xem
Là tỉnh nông nghiệp với 90% dân số là nông dân, những năm qua Thái Bình tích cực huy động các nguồn lực thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong đó, quy hoạch nông thôn mới (NTM) được tỉnh xác định vừa là nhiệm vụ trọng tâm, vừa có tính cấp bách, mang tính chiến lược lâu dài và phải đi trước một bước để tạo ra bước đột phá.

Thái Bình tích cực huy động sức dân làm đường giao thông trong xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Nguyễn Hình

Ngay từ cuối năm 2007, khi chưa có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương nhưng Sở Xây dựng Thái Bình đã đề xuất, tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh lập Đề án xây dựng NTM. Ngày 25/9/2009, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2285/QĐ- UBND phê duyệt Đề án quy hoạch xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Đề án đã nêu rõ quy định, quy trình lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch và xây dựng các tiêu chí kỹ thuật về NTM như: diện tích đất, quy mô công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội ở nông thôn bảo đảm cho mọi tầng lớp nhân dân dễ nghe, dễ hiểu, dễ áp dụng, dễ tuyên truyền; để nhân dân nhận thức được xây dựng NTM là xây dựng cho quê hương mình, do mình làm chủ và phải tự mình làm lấy.

Mục tiêu xây dựng NTM mà Thái Bình hướng đến là: Sản xuất phát triển, giao thông thuận tiện, đời sống sung túc, làng xã văn minh, quản lý dân chủ và lấy mục tiêu sản xuất phát triển là bước đột phá đầu tiên. Quy hoạch xây dựng NTM của Thái Bình cũng là một quy hoạch tổng hợp “3 trong 1” kết hợp của 3 chuyên ngành: xây dựng, nông nghiệp và phát triển nông thôn và quy hoạch sử dụng các loại đất gồm: Quy hoạch mạng lưới điểm dân cư nông thôn và phân vùng sản xuất nông nghiệp (quy hoạch chung xây dựng NTM), quy hoạch chi tiết hệ thống thủy lợi và giao thông nội đồng, quy hoạch chi tiết trung tâm xã và các điểm dân cư nông thôn tập trung.

Tháng 10/2009, Sở Xây dựng đã lựa chọn 27 đơn vị tư vấn đủ điều kiện giới thiệu cho các huyện để tổ chức lập quy hoạch xây dựng NTM. Đến hết tháng 10/2011, toàn tỉnh có 267/267 xã được phê duyệt quy hoạch chung xây dựng NTM quy hoạch chi tiết hệ thống thủy lợi và giao thông nội đồng; 240/267 xã (chiếm 90%) được duyệt quy hoạch chi tiết trung tâm xã. Còn lại, 28 xã đang thực hiện sẽ hoàn thiện vào 6 tháng cuối năm. Vừa qua, UBND tỉnh đã thành lập các đoàn đi thẩm định rà soát các tiêu chí để phân loại đánh giá  thực tế quá trình xây dựng NTM ở các địa phương.

 Kết quả, toàn tỉnh có 10 xã đạt từ 15- 18 tiêu chí, 116 xã đạt từ 11-14 tiêu chí, 100 xã đạt từ 8-10 tiêu chí, 40 xã đạt 6-8 tiêu chí. Tỉnh đã chọn 78 xã đạt từ 12 tiêu chí trở lên bố trí vốn tập trung đưa vào lộ trình thực hiện, hoàn thành trong giai đoạn 2013-2015. Riêng năm 2013, dự kiến Thái Bình có 10 xã của 8 huyện, Thành phố được công nhận xã NTM. Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã huy động  khoảng 1.884 tỷ đồng đầu tư cho xây dựng NTM, trong đó ngân sách Trung ương 476,9 tỷ đồng, ngân sách địa phương 669 tỷ đồng, nguồn tín dụng ưu đãi 35 tỷ đồng, vốn ODA 244 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 459 tỷ đồng, còn lại là con em xa quê ủng hộ.

Từ quá trình thực hiện công tác quy hoạch và xây dựng NTM ở Thái Bình có thể rút ra một số kinh nghiệm: Trước hết, trong quy hoạch NTM cấp uỷ, chính quyền địa phương phải tập trung chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, phối hợp tích cực với đơn vị tư vấn thực hiện chặt chẽ, chính xác khách quan từ khâu điều tra khảo sát hiện trạng đến lập và triển khai thực hiện đồ án bảo đảm nhanh gọn, chính xác, tính khả thi cao.

Phát huy tối đa quyền làm chủ, tính tích cực, chủ động, sáng tạo của mỗi người dân và cả cộng đồng dân cư trong việc nghiên cứu, tìm hiểu và tham gia đóng góp ý kiến vào quy hoạch, từ đó sẽ lựa chọn phương án thực hiện khả thi, sát với điều kiện thực tiễn nhất đồng thời tạo được sức mạnh để thực hiện, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ nại. Quá trình lập quy hoạch, các địa phương phải kết hợp giữa xây mới, cải tạo, chỉnh trang, kế thừa và bảo tồn những giá trị truyền thống.

Huy động đa dạng các nguồn vốn, lồng ghép các chương trình mục tiêu từ ngân sách Nhà nước kết hợp huy động sức dân đóng góp đầu tư cho các dự án: phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn; các dự án đầu tư có khả năng thu hồi vốn như: cung cấp điện, nước sạch, thu gom rác thải, bảo vệ môi trường... trên cơ sở bàn bạc, thảo luận dân chủ trong cộng đồng, phù hợp với khả năng, điều kiện của từng địa phương. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ quản lý cho đội ngũ cán bộ cơ sở xã, thôn kết hợp với phân công cán bộ phụ trách công việc cụ thể, sát thực tiễn trong quá trình quản lý và thực hiện quy hoạch. Trên cơ sở đề án, quy hoạch chung, mỗi xã phải xây dựng được đề án chi tiết xây dựng NTM của địa phương mình, có bước đi và lộ trình thực hiện phù hợp với thực tế nguồn lực, thế mạnh của địa phương, tránh làm theo phong trào, đầu tư dàn trải không dứt điểm. Quan điểm chỉ đạo và thực hiện xây dựng NTM ở Thái Bình thời gian qua là: cái gì dễ chưa cần nhiều tiền thì làm trước, làm từ ngoài đồng vào đến trong làng và làm từ trong nhà ra đến ngõ xóm và đường trục thôn nhằm khai thác mọi nguồn lực để nhân dân thấy ngay được các hiệu quả về xây dựng NTM và chung sức, đồng lòng tham gia.

Thực hiện quy hoạch và chương trình xây dựng NTM ở Thái Bình thời gian qua cũng còn nhiều khó khăn, vướng mắc và tồn tại. Rút kinh nghiệm từ thực tiễn triển khai ở cơ sở, các cấp, các ngành và các địa phương đang tích cực tìm các giải pháp khắc phục, tháo gỡ. Tuy nhiên, xây dựng NTM cần nguồn kinh phí lớn và chưa có tiền lệ, Nhà nước phải đóng vai trò dẫn đường và là “bà đỡ” về nguồn lực tài chính để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất như: hệ thống hạ tầng giao thông, thủy lợi nội đồng, giao thông nông thôn, phúc lợi, an sinh xã hội, các công trình hạ tầng kinh tế để phục vụ sản xuất nông nghiệp, chế biến tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân.

Vì vậy, Thái Bình đề nghị các bộ, ngành Trung ương: ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp cho công tác quy hoạch xây dựng, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật và công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt, nghĩa trang, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Đây là vấn đề bức xúc, bất cập ở nông thôn nhưng thời gian qua ngân sách cấp xã chỉ có thể đảm nhận được phần thu gom vận chuyển và duy trì quản lý hệ thống. Bộ Xây dựng hỗ trợ đào tạo đội ngũ cán bộ cấp xã, huyện về quản lý xây dựng cơ bản đáp ứng nhu cầu chủ động trong việc chỉ đạo thực hiện ở cơ sở. Tham mưu với Chính phủ xây dựng chính sách phân cấp, định biên rõ tiêu chuẩn công chức, viên chức, tăng cường số lượng cán bộ cho các cơ quan quản lý chuyên ngành từ Sở Xây dựng đến các phòng quản lý cấp huyện và cán bộ cấp xã để đảm nhận tốt nhiệm vụ, thực hiện thành công công cuộc xây dựng NTM ổn định và phát triển bền vững.

Phạm Công Thành

Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Xây dựng Thái Bình

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày