Thứ 3, 23/07/2024, 15:15[GMT+7]

Quy hoạch nông thôn mới - Vướng từ nhiều phía

Thứ 6, 21/06/2013 | 09:33:55
2,093 lượt xem
Thời gian qua, các tỉnh, thành phố trong cả nước tích cực huy động các nguồn lực xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo nhiều vùng quê thực sự khởi sắc, chất lượng đời sống của người dân dần được nâng lên. Tuy nhiên hiện nay, khâu then chốt là lập và thực hiện quy hoạch NTM lại gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Nhờ quản lý tốt quy hoạch, xã Thụy Ninh (Thái Thụy) đã huy động được sức dân trong xây dựng nông thôn mới.

Vừa qua, vấn đề này đã được nhiều đại biểu đưa ra thảo luận, góp ý kiến tại hội nghị đánh giá 3 năm thực hiện Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 2/2/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình rà soát quy hoạch xây dựng NTM do Bộ Xây dựng tổ chức tại Thái Bình.

Đến nay, cả nước có 98,5% số xã đã triển khai lập quy hoạch xây dựng NTM, 10% số xã triển khai lập quy hoạch chi tiết, 83% số xã đã được phê duyệt quy hoạch chung. Điều đáng nói là có tới 139 xã chưa triển khai lập quy hoạch NTM, tập trung nhiều nhất ở các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Bình Phước. Nếu so với kế hoạch, tiến độ lập và phê duyệt quy hoạch NTM chậm 18 tháng, để hoàn thành sẽ cần thêm rất nhiều thời gian nữa. Ông Tăng Minh Lộc, Chánh văn phòng Điều phối Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM cho biết: “Chậm trong lập quy hoạch NTM xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân.

Trong đó, có nguyên nhân chất lượng các đơn vị tư vấn. Cả nước hiện nay có khoảng 200 đơn vị tham gia lập quy hoạch NTM, trong đó 15% đơn vị có chuyên ngành quy hoạch nông thôn, các đơn vị còn lại là chuyên ngành khác. Một đơn vị tư vấn cùng lúc lập quy hoạch cho nhiều xã, trong khi trình độ năng lực của một số cán bộ hạn chế dẫn đến chất lượng các quy hoạch không bảo đảm, sớm lạc hậu. Nhiều bản quy hoạch chạy theo tiêu chí của Trung ương, chưa phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi địa phương.

Ngoài ra, có tình trạng địa phương lập quy hoạch mang tính chiếu lệ, rập khuôn, sao chép lại của nhau. Hầu hết các xã sau khi được phê duyệt quy hoạch chưa xây dựng quy chế quản lý quy hoạch, chưa chú trọng việc tuyên truyền rộng rãi để nhân dân hiểu, giám sát quá trình thực hiện quy hoạch”. Thái Bình, một trong những tỉnh đi đầu trong cả nước về lập quy hoạch NTM cũng gặp nhiều khó khăn về lĩnh vực này. Theo Giám đốc Sở Xây dựng - Phạm Công Thành: “Từ trước đến nay, quy hoạch nông thôn chưa thực sự được quan tâm nên việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đều mang tính tự phát. Khi thực hiện xây dựng NTM, việc lập quy hoạch buộc các địa phương phải sắp xếp lại không gian, nhiều xã phải di chuyển khu trung tâm hay một số công trình hạ tầng thiết yếu đến nơi mới phù hợp với yêu cầu phát triển.

Tuy nhiên, năng lực, trình độ quản lý của cán bộ cấp xã một số nơi còn yếu, việc huy động sức dân triển khai thực hiện quy hoạch cũng như đầu tư xây dựng hạ tầng gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí, một số xã quy hoạch đã phê duyệt nhưng chưa huy động được kinh phí để thực hiện dẫn đến tình trạng “quy hoạch treo”. Đến nay, đa phần các xã mới thực hiện xong quy hoạch chi tiết khu dân cư, trung tâm xã nhưng lại lúng túng trong quy hoạch sản xuất (công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, nông - lâm - ngư nghiệp…), quy hoạch sản xuất chưa gắn kết với quy hoạch vùng…”.

Theo kỹ sư Phạm Hồng Sinh, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Vĩnh Phúc: “Thời gian qua, Bộ Xây dựng chưa có định mức chung cho công tác lập quy hoạch NTM, dẫn đến đơn giá thực hiện ở các địa phương khác nhau. Việc cắm mốc giới quy hoạch theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 26 ngày 13/4/2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính  hiện nay không còn phù hợp. Tỉnh Vĩnh Phúc dự toán kinh phí cắm mốc của 1 xã thuộc Thành phố Vĩnh Yên khoảng 3 tỷ đồng.

Như vậy, toàn tỉnh có 112 điểm sẽ phải cần đến 336 tỷ đồng, trong khi đó kinh phí chi cho đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội lại quá ít, chưa phù hợp với thực tiễn”. Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng: “Tiến độ xây dựng NTM lâu nay chậm nguyên nhân một phần do các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác quy hoạch xây dựng NTM của các cấp, các ngành còn chồng chéo, chưa thống nhất. Các tiêu chí chưa phù hợp dẫn đến phải điều chỉnh. Xây dựng NTM là cuộc cách mạng bền bỉ, lâu dài nên không thể nóng vội đốt cháy giai đoạn và ép tiến độ buộc phải hoàn thành trong một thời gian nhất định khi thiếu các điều kiện cần. Có một thực tế là một số địa phương hội đủ các yếu tố: chỉ đạo quyết liệt, đơn vị tư vấn nhiều, kinh phí không thiếu… nhưng tiến độ lập quy hoạch NTM vẫn chậm”.

Những bất cập trên đòi hỏi Bộ xây dựng cần tập trung chỉ đạo các địa phương rà soát, đánh giá lại khâu quy hoạch xây dựng NTM, tránh tình trạng các địa phương sao chép quy hoạch của nhau, bởi lập quy hoạch nhất thiết phải căn cứ vào điều kiện thực tiễn của từng vùng, từng miền, từng địa phương, có như thế mới bảo đảm tính khả thi trong quá trình thực hiện. Ông Phạm Văn Tỉnh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Tĩnh chia sẻ kinh nghiệm: “Do điều kiện đặc thù là địa phương thường xuyên phải hứng chịu bão lũ nên Hà Tĩnh đã lập mô hình xây dựng quy hoạch NTM gắn với “vượt lũ” tại một số vùng ngập lũ ngoài đê. Tại đây, các công trình trạm xá, trường học, đường giao thông, thậm chí nhà ở của dân đều xây dựng phù hợp để sẵn sàng vượt lũ. Mặt khác, khi bước vào xây dựng NTM, các xã đều xây dựng một số vùng đất rộng 3 đến 5 ha với các mô đất cao để tránh lũ tập trung”.

Khẳng định, quá trình lập quy hoạch NTM phải có sự tham gia tích cực của người dân ở tất cả các khâu thì sau này mới tạo được sức mạnh của cả cộng đồng để thực hiện, ông Bùi Quang Hùng, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Mỹ Bằng (huyện Yên Sơn, Tuyên Quang) cho biết: “Nhờ lập quy hoạch và xây dựng NTM sát thực, có sự tham gia tích cực của người dân nên dù là xã miền núi nhưng Mỹ Bằng đã đạt được những kết quả vượt bậc trong xây dựng NTM. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, xã hỗ trợ xi măng, ống cống và vận chuyển đến từng thôn, bản; cơ sở tự giải phóng mặt bằng, vận động nhân dân đóng góp vật liệu, công lao động. Chỉ trong 3 năm Mỹ Bằng đã cứng hóa được 103 km đường, là xã đầu tiên của Tuyên Quang có 100% đường giao thông nông thôn được cứng hóa”.

Cùng với đánh giá lại khâu quy hoạch, điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tiễn, các cấp, các ngành cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh lại một số nội dung trong các văn bản hướng dẫn lập quy hoạch xây dựng NTM; tham mưu với Chính phủ điều chỉnh một số tiêu chí, chỉ tiêu cho phù hợp với điều kiện thực tiễn ở cơ sở để thực hiện đạt hiệu quả cao nhất. Đối với các tỉnh, thành phố ngoài đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch NTM cần hoàn thiện các quy hoạch tổng thể, quy hoạch vùng để tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa các quy hoạch, lập và phê duyệt đến đâu chắc đến đó. Tăng cường đào tạo nâng cao trình độ cán bộ để quản lý và triển khai thực hiện quy hoạch, tích cực tuyên truyền vận động tạo sự đồng thuận trong nhân dân để họ hiểu, chung sức cùng tập thể xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Bài, ảnh: Nguyễn Hình

(Tác phẩm dự thi viết về đề tài xây dựng nông thôn mới).

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày