Thứ 7, 23/11/2024, 10:00[GMT+7]

Người cao tuổi thôn An Thọ Gương mẫu hiến đất làm đường giao thông

Thứ 3, 13/08/2013 | 08:42:29
1,786 lượt xem
Xã Thanh Tân (Kiến Xương) là một trong 4 xã của tỉnh được công nhận đạt tiêu chuẩn nông thôn mới (NTM) đợt 1 năm 2013. Có được thành quả này, bên cạnh sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, sự tận tâm của cấp ủy, chính quyền còn phải kể đến sự đồng sức, đồng lòng, hiến kế, hiến công, hiến công trình trên đất của nhân dân địa phương, trong đó có gương sáng của các hộ người cao tuổi. Người cao tuổi thôn An Thọ là một ví dụ.

Bà Nguyễn Thị Nhuần và người dân xóm 5, thôn An Thọ trên con đường mới.

Tháng 10 năm 2011, tôi đã có dịp về thăm Thanh Tân. Lúc đó cả xã như một công trường, công nhân chính là những người nông dân đang cùng nhau làm đường giao thông liên thôn, trong đó có không ít người đã hơn 60 tuổi. Nhiều người cao tuổi đã vận động con cháu ủng hộ hàng chục triệu đồng để làm đường như: bà Đỗ Thị Thế (50 triệu đồng), bà Vũ Thị Bình (30 triệu đồng), các bà Hà Thị Giỏi, Vũ Thị Lựu, Phạm Thị Nhạt (từ 15 - 20 triệu đồng)… Tôi đã hết sức ấn tượng với những con đường của ý Đảng, lòng dân nơi đây.

 

Tháng 12 năm 2011, tôi về thăm Thanh Tân lần thứ 2. Những con đường trục chính đã được hoàn thiện, rộng rãi, sạch sẽ, xe và người đi lại dễ dàng, thuận tiện hơn xưa. Song lại phải chứng kiến một thực tế đáng buồn: trong khi đường trục chính nằm giữa thôn An Thọ được đánh giá là một trong những con đường đẹp nhất xã Thanh Tân thì đường ruột trong xóm 5, thôn An Thọ do chưa có quy hoạch nên mỗi khi mưa xuống cả một đoạn dài hơn 400 mét bị ngập nước, nhân dân đi lại rất khó khăn.

 

Lần thứ 3 này, tôi trở lại Thanh Tân để tận mắt chứng kiến sự hưởng ứng của bà con khi UBND xã quy hoạch mở rộng con đường ruột trong xóm 5, thôn An Thọ rộng 4,4 m, có hệ thống rãnh thoát nước hai bên (mỗi bên rộng 30 cm) để chấm dứt tình trạng ngập nước khi mưa. Bà con xóm 5 đã tự tháo dỡ công trình của gia đình để hiến đất, đặc biệt là sự nêu gương sáng của lớp người cao tuổi nơi đây. Ở tận cuối thôn nhưng bà Nguyễn Thị Nhuần, 77 tuổi, vợ liệt sĩ Nguyễn Xuân Chiêm, không cần chính quyền vận động mà tự đến UBND xã đăng ký hiến 46 m2 đất, 33 m tường dậu, 1 cổng phục vụ làm đường mà không suy tính thiệt hơn. Bà còn vận động hai người con trai hiến mỗi gia đình hơn 10 m2 đất và ngày công làm đường. Bà bảo: “Chưa bao giờ bà được chứng kiến tinh thần “vì việc lớn” của người dân trong thôn, trong xã như bây giờ nên cũng muốn đóng góp ít nhiều”. Đây là lần thứ 2 bà hiến đất làm đường. Lần thứ nhất cách đây chục năm.

 

Trên cương vị Trưởng thôn, thành viên của Ban kiến thiết cơ bản, ông Trần Bình (61 tuổi) là người tiên phong đi đầu tự tháo dỡ tường gạch và cổng hiến 70 m2 để mở rộng đường (gia đình hiến nhiều đất nhất). Ông Bình cho biết: “Là đảng viên, thấy việc gì ích nước, lợi dân thì phải cố gắng làm. Đã làm thì phải nhiệt tình, không suy tính thiệt hơn và quan trọng là mình phải làm gương. Có như vậy quần chúng mới tin, mới theo”.

 

Khi thấy UBND xã quy hoạch mở rộng con đường ruột trong thôn, gia đình ông Trần Xuân Phái (68 tuổi) đã tự tháo dỡ 2 gian chuồng lợn, cổng vào nhà mới xây đợt Tết Quý Tỵ 2013 ông cũng phá luôn để hiến đất làm đường rồi tự bỏ tiền xây lại cổng dịch vào trong. Tổng diện tích gia đình ông hiến là 64 m2. Tâm sự với chúng tôi, ông Phái nói: “Đường là của chung. Chúng tôi sống cả đời ở đây nên thấu hiểu cái vất vả, khổ sở vì đường xuống cấp. Có đường giao thông là có tất cả. Vì vậy, có hiến bao nhiêu đất, công trình trên đất chúng tôi cũng không tiếc. Giờ đường to, đẹp, rộng rãi, đi sướng lắm”.

 

Ông Nguyễn Văn Học, Trưởng ban Thanh tra nhân dân xã Thanh Tân, là người của xóm 5 cho biết: Ban đầu thôn chỉ định mở rộng đường 3,5 m nhưng như vậy sẽ không đúng với tiêu chuẩn NTM nên đã đề nghị xã hỗ trợ để mở đường rộng ra 4,4 m. Cả ngõ có 16 hộ mặt đường trong diện cần giải phóng mặt bằng đã tự tháo dỡ 4 gian chuồng lợn, 1 gian bếp, 11 cổng, 3 công trình vệ sinh, hiến 440 m2 đất ở (trong đó có 10 hộ người cao tuổi). Bà con không chỉ tự nguyện hiến công trình, hiến đất mà còn góp tiền, ngày công làm đường.

 

Những người nông dân chân chất, mộc mạc, cả đời gắn bó với mảnh đất khô cằn, cuộc sống dẫu còn nhọc nhằn và lam lũ nhưng luôn sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân cho hôm nay và cho cả mai sau. Họ đúng là những cây cao bóng cả, tỏa mát xóm làng.

Bài, ảnh: Thu Hiền

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày