Thứ 7, 23/11/2024, 05:17[GMT+7]

Hiệu quả mô hình cánh đồng mẫu ở Trọng Quan

Thứ 5, 22/08/2013 | 10:32:26
1,351 lượt xem
Để mô hình cánh đồng mẫu thực sự tạo ra sản phẩm hàng hóa và có đầu ra ổn định, tạo tiền đề nhân rộng mô hình trong toàn huyện, theo kiến nghị của Trọng Quan cần có sự hỗ trợ hơn nữa về giống, tập huấn khoa học kỹ thuật; có cơ chế chính sách thu hút doanh nghiệp và HTX DVNN tham gia liên kết sản xuất, nhất là bao tiêu sản phẩm…

Nông dân Trọng Quan (Đông Hưng) thu hoạch lúa hàng hóa ĐS1 tại cánh đồng mẫu.

Trọng Quan (Đông Hưng) được tỉnh chọn là một trong những xã xây dựng thí điểm mô hình cánh đồng mẫu của tỉnh, với diện tích 50,27 ha, có 437 hộ tham gia; công thức luân canh gồm 2 vụ lúa chất lượng làm hàng hóa và 1 vụ đông. Qua hai vụ sản xuất, hiệu quả bước đầu đã được khẳng định: vụ đông (2012 - 2013) trồng khoai tây giá trị đạt trên 90 triệu đồng/ha; vụ lúa xuân (2013) giá trị đạt trên 41 triệu đồng/ha. Mặc dù mới sản xuất được 2 vụ nhưng Trọng Quan đã vượt trên 11 triệu đồng/ha so với tiêu chí thu nhập của cánh đồng lúa. Như vậy, tính cả  3 vụ trong năm thì Trọng Quan sẽ vượt khá cao so với mục tiêu giá trị đề ra; đồng thời 2/3 vụ đã có sự liên kết với doanh nghiệp về đầu vào, đầu ra sản phẩm.

Ông Trần Minh Bằng, Chủ nhiệm HTX DVNN xã Trọng Quan cho biết: Trước khi triển khai xây dựng mô hình cánh đồng mẫu, xã có nhiều thuận lợi để thực hiện mô hình này. Trước hết, Trọng Quan là xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh, do đó các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân đều ý thức được cánh đồng mẫu là tiền đề để xây dựng nền sản xuất phát triển, nâng cao thu nhập cho nông dân, nên có sự đồng thuận, quyết tâm thực hiện rất cao. Đảng ủy xã đã tổ chức họp 3 chi bộ trong vùng sản xuất cánh đồng mẫu và phân công nhiệm vụ cho các đảng viên phụ trách từng gia đình để vận động, tuyên truyền về hình thức sản xuất mới.

Vùng cánh đồng mẫu do Trọng Quan lựa chọn được kế thừa nhiều ưu điểm về sản xuất từ các vụ trước đó, vì vậy các hộ dân đã phát huy được hiệu quả ngay từ vụ đầu tiên. Các tiến bộ về giống, phân bón được nông dân ứng dụng rộng rãi, phát huy được tối đa về năng suất, chất lượng, tạo được niềm tin với các doanh nghiệp tham gia liên kết. Kết cấu giao thông, thủy lợi nội đồng được đầu tư nâng cấp bảo đảm phục vụ tốt việc tưới, tiêu theo yêu cầu sản xuất. Việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đã được áp dụng đồng bộ ở các khâu, toàn xã có 25 máy làm đất cỡ trung và 7 máy gặt đập liên hợp…

Tuy nhiên, Trọng Quan còn một số khó khăn khi triển khai xây dựng mô hình cánh đồng mẫu, như diện tích mô hình còn nhỏ và có nhiều hộ tham gia; việc ghi chép nhật ký sản xuất chưa được các hộ dân quan tâm; nông dân còn thiếu thông tin về thị trường. Với thực trạng trên, ngay khi bước vào sản xuất vụ đông Trọng Quan đã có những giải pháp cụ thể để phát huy những lợi thế sẵn có và khắc phục những mặt còn hạn chế. HTX DVNN đã xác định cây trồng cho cánh đồng mẫu ở vụ đông là giống khoai tây Solara chất lượng làm hàng hóa. Để thắng lợi ngay ở vụ đầu, HTX đã phối hợp với một số đơn vị và doanh nghiệp liên kết cả về giống cây trồng và kỹ thuật chăm sóc, sử dụng phân bón.

Vụ đông năm 2012 - 2013, sản xuất khoai tây trong tỉnh nói chung gặp nhiều bất lợi làm cho năng suất, chất lượng giảm. Cụ thể, đầu vụ đông nền nhiệt cao hơn trung bình nhiều năm, sau trồng đất ẩm nên khoai tây phát triển rất nhanh, nhưng trong giai đoạn phát triển thân, lá và ra tia củ gặp nền nhiệt cao, ít nắng, độ ẩm cao đã làm giảm lượng tia củ, sâu bệnh phát sinh gây hại nặng.

Tuy nhiên, đối với cánh đồng mẫu ở Trọng Quan do liên kết với Trung tâm Khảo nghiệm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh về sản xuất giống khoai mới và phối hợp với Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí sử dụng đạm Phú Mỹ bón cho khoai tây nên đã phần nào hạn chế được sâu bệnh và cho năng suất khá cao. Thực tế cho thấy, những diện tích trong mô hình cánh đồng mẫu được sử dụng giống mới và sử dụng đạm Phú Mỹ cây khoai tây sinh trưởng tốt, thân mập, độ đồng đều cao, tỷ lệ bệnh héo xanh thấp, bền cây, củ to, năng suất tăng so với sản xuất thông thường 5,4%. Ông Trần Minh Bằng cho biết: Mặc dù bị ảnh hưởng của cơn bão số 8 và sâu bệnh gây hại, nhưng năng suất khoai tây vẫn đạt gần 15 tấn/ha; đồng thời khoai bán được giá nên giá trị sản xuất đạt trên 90 triệu đồng/ha.

Đối với vụ lúa xuân, Trọng Quan đã lựa chọn giống lúa ĐS1 và ký kết với Công ty Thái Đan để bao tiêu sản phẩm. Toàn bộ diện tích cánh đồng mẫu được thực hiện sản xuất nghiêm ngặt đúng quy trình, từ việc chọn giống, bón phân, tưới tiêu, phòng trừ sâu bệnh nên hiệu quả kinh tế đạt khá cao. Do giống ĐS1 chịu rét tốt và hạn chế được bệnh đạo ôn, rầy nâu nên cả vụ các hộ nông dân chỉ phun 1 lần sâu cuốn lá nhỏ kết hợp trừ bệnh khô vằn.

Đồng thời, do cấy cùng 1 giống, cùng thời điểm nên rất thuận lợi việc chăm sóc, lúa sinh trưởng, phát triển đều, năng suất đạt 75 tạ/ha. Các hộ nông dân đã bán được lúa ngay sau khi thu hoạch, nên bà con không phải mất công phơi, bảo quản; giá trị đạt 41,25 triệu đồng/ha, hiệu quả kinh tế cao hơn so với một số giống lúa thuần khác ngoài mô hình từ 10 - 15%.

Để mô hình cánh đồng mẫu thực sự tạo ra sản phẩm hàng hóa và có đầu ra ổn định, tạo tiền đề nhân rộng mô hình trong toàn huyện, theo kiến nghị của Trọng Quan cần có sự hỗ trợ hơn nữa về giống, tập huấn khoa học kỹ thuật; có cơ chế chính sách thu hút doanh nghiệp và HTX DVNN tham gia liên kết sản xuất, nhất là bao tiêu sản phẩm… Đặc biệt, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện cho nông dân tích tụ ruộng đất để tạo ra các ô thửa lớn, có ít hộ tham gia trên cánh đồng mẫu để thuận lợi cho việc điều hành sản xuất và doanh nghiệp liên kết được dễ dàng.

            Bài, ảnh: Nguyên Bình

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày