Thứ 2, 23/12/2024, 10:03[GMT+7]

Từ bài học của Cách mạng tháng Tám năm 1945 nghĩ về sự nghiệp xây dựng nông thôn mới ở tỉnh ta

Chủ nhật, 01/09/2013 | 20:56:36
3,013 lượt xem
Bài học phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, phát huy nội lực, dựa vào sức mình là chính được Đảng bộ và nhân dân Thái Bình vận dụng sáng tạo, đạt hiệu quả khá toàn diện trong sự nghiệp xây dựng nông thôn mới.

Nhân dân hân hoan mừng ngày quê hương hoàn toàn giải phóng. Ảnh nguồn: Làng Việt

Vào những ngày này cách đây 68 năm, nhân dân cả nước từ nông thôn đến thành thị, từ đồng bằng đến miền núi xa xôi, khắp nơi sục sôi khí thế cách mạng, nghe theo tiếng gọi của Việt Minh, tuân theo Quân lệnh số 1: "... Giờ tổng khởi nghĩa đã đến! Cơ hội có một cho quân, dân Việt Nam cùng giành lấy độc lập của nước nhà... Chúng ta phải hành động cho nhanh, với một tinh thần vô cùng quả cảm, vô cùng thận trọng!... Cuộc thắng lợi hoàn toàn nhất định sẽ về ta...", nhất bề đứng lên, xiết chặt đội ngũ, cùng lực lượng vũ trang non trẻ của Đảng tiến về đánh chiếm các "phủ”, "huyện" giành chính quyền.

Chỉ trong 15 ngày cuối tháng 8 năm 1945, cuộc tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn. Lần đầu tiên trong lịch sử, chính quyền trong cả nước thuộc về tay nhân dân. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), trước đông đảo nhân dân Thủ đô và các vùng lân cận dự mít tinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn Độc lập "... Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy".

Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là thắng lợi của chủ nghĩa Mác - Lê nin được vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh Việt Nam; là thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; là thắng lợi đầu tiên của cách mạng ở một nước thuộc địa, nửa phong kiến do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo. Một trong những bài học của Cách mạng tháng Tám là: Đảng và Bác Hồ đã tập hợp và phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân dựa trên nền tảng liên minh công, nông, trí thức; "Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng"; "Đem sức ta mà giải phóng cho ta".

Mặc dù ở vào thời điểm đất nước bị hai tầng xiềng xích là thực dân Pháp và phát xít Nhật, lại bị bọn địa chủ, phong kiến, tay sai áp bức bóc lột, dân ta vô cùng cực khổ, đã có hơn hai triệu người chết đói; nhưng với tầm nhìn chiến lược, đánh giá đúng sức mạnh nội lực của dân tộc, Đảng ta và Bác Hồ đã phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Bài học phát huy nội lực, dựa vào sức mình là chính kết hợp với tranh thủ sự giúp đỡ từ bên ngoài được Đảng ta vận dụng trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bài học phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, phát huy nội lực, dựa vào sức mình là chính được Đảng bộ và nhân dân Thái Bình vận dụng sáng tạo, đạt hiệu quả khá toàn diện trong sự nghiệp xây dựng nông thôn mới.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã chỉ rõ: "Tập trung xây dựng nông thôn mới với mục tiêu: sản xuất phát triển, cuộc sống sung túc, diện mạo sạch sẽ, thôn xã văn minh, quản lý dân chủ;... xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại là một cuộc cách mạng...; là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và mọi người dân...; phải tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân để mọi người dân nhận thức đầy đủ, tích cực đóng góp sức người, sức của xây dựng thành công nông thôn mới ở địa phương".

Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, ngày 28/4/2011, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 02/NQ-TU về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020, trong đó chỉ rõ: "Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó người dân ở nông thôn là chủ thể trực tiếp...; là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng...; kiên quyết khắc phục tư tưởng bảo thủ, trì trệ, trông chờ, ỷ lại, tâm lý tập quán sản xuất nhỏ”.

Những quan điểm chỉ đạo, biện pháp tổ chức thực hiện để xây dựng nông thôn mới được các cấp, các ngành tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến người dân. Đồng thời, UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo động lực để các cơ sở vận dụng phấn đấu đạt từng tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, phong trào "hiến kế, hiến công, hiến đất" được nhân dân đồng thuận cao, việc vận động nhân dân đóng góp tiền xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới được thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch.

Sau 2 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở tỉnh ta, cảm nhận đầu tiên và dễ nhận thấy là cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã hiểu rõ: xây dựng nông thôn mới là việc làm lâu dài, vì lợi ích của nhân dân, do nhân dân xây dựng và quản lý, Nhà nước hỗ trợ và tạo động lực cho quá trình triển khai thực hiện. Đã xuất hiện nhiều cách làm sáng tạo trong việc tuyên truyền, vận động huy động nguồn lực, giải phóng mặt bằng, tự tháo dỡ các công trình, kể cả các công trình tâm linh phục vụ xây dựng nông thôn mới. Nhiều xã không thuộc diện làm điểm, chưa hoặc ít được đầu tư nhưng với tinh thần dựa vào nội lực là chính, đã có nhiều cách làm sáng tạo, vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn, đã và đang trên đường "cán đích" nông thôn mới.

Với tinh thần phát huy nội lực, dựa vào sức mình là chính, trong hai năm 2011 và 2012, tổng kinh phí thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới là 1.883,9 tỷ đồng, trong đó ngân sách địa phương 669 tỷ (chiếm 35,51%), nhân dân đóng góp 459 tỷ (chiếm 24,36%); đó là chưa kể việc nhân dân đóng góp đất để chỉnh trang đồng ruộng và khu dân cư, làm đường giao thông... Đến nay, UBND tỉnh đã công nhận 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới; dự kiến đến cuối năm 2013 khả năng có từ 5 - 7 xã hoàn thành các tiêu chí, được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Nhân kỷ niệm 68 Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, từ bài học phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân trong tổng khởi nghĩa giành chính quyền, nghĩ về sự nghiệp xây dựng nông thôn mới - cũng là sự nghiệp "của dân, do dân, vì dân". Nhân dân là chủ thể, chính họ và con cháu họ sẽ được thụ hưởng thành quả xây dựng nông thôn mới. Song sự nghiệp xây dựng nông thôn mới cũng còn nhiều thử thách, khó khăn, để thành công phải tiếp tục phát huy sức mạnh từ nhân dân, do nhân dân thực hiện. Muốn vậy, tổ chức đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động; tổ chức các phong trào hành động cách mạng sôi nổi, thiết thực, rộng khắp; phát huy nguồn nội lực bằng các cơ chế, chính sách công khai, minh bạch; phải có những hành động nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Làm được như thế, nhất định đến năm 2015 tất cả các xã trong tỉnh sẽ đạt 10 tiêu chí trở lên, trong đó 70 xã trở lên hoàn thành xây dựng nông thôn mới; đến năm 2020 các xã còn lại đạt từ 15 tiêu chí trở lên, 6 huyện trở lên đạt tiêu chí nông thôn mới như mục tiêu Nghị quyết số 02 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đề ra.

Nguyễn Văn Hán
(Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh)


  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày