Thứ 7, 23/11/2024, 05:43[GMT+7]

Ghi nhận cách làm ở 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới

Chủ nhật, 01/09/2013 | 21:08:54
1,745 lượt xem
Để ghi nhận những nỗ lực của các xã trong xây dựng nông thôn mới, mới đây tỉnh đã biểu dương và công nhận 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: Hồng Minh (Hưng Hà), Thụy Phúc (Thái Thụy), Thanh Tân (Kiến Xương), Quỳnh Minh (Quỳnh Phụ); trong đó Thụy Phúc không phải là xã điểm của tỉnh. Với tiến độ và kết quả thực hiện xây dựng nông thôn mới hiện nay, dự kiến có thêm 5 - 6 xã sẽ hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong năm 2013. Như vậy, toàn tỉnh có khả năng vượt chỉ tiêu số xã hoàn t

Đường vào trung tâm xã nông thôn mới Hồng Minh (Hưng Hà) khang trang, sạch đẹp.

Theo mục tiêu Nghị quyết số 02-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020, phấn đấu 8 xã làm điểm của tỉnh hoàn thành xây dựng NTM vào năm 2013. Đến nay, không chỉ những xã được chọn làm điểm của tỉnh thực hiện tốt xây dựng NTM, còn có cả một số xã không thuộc diện làm điểm cũng đạt được kết quả khả quan, như Thụy Phúc, Thụy Văn (Thái Thụy), Vũ Tây, Vũ Ninh (Kiến Xương).

Để ghi nhận những nỗ lực của các xã trong xây dựng NTM, mới đây tỉnh đã biểu dương và công nhận 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: Hồng Minh (Hưng Hà), Thụy Phúc (Thái Thụy), Thanh Tân (Kiến Xương), Quỳnh Minh (Quỳnh Phụ); trong đó Thụy Phúc không phải là xã điểm của tỉnh. Với tiến độ và kết quả thực hiện xây dựng NTM hiện nay, dự kiến có thêm 5 - 6 xã sẽ hoàn thành xây dựng NTM trong năm 2013. Như vậy, toàn tỉnh có khả năng vượt chỉ tiêu số xã hoàn thành xây dựng NTM so với Nghị quyết số 02 đề ra.

Tại 4 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM cho thấy mỗi xã đều có cách làm sáng tạo riêng để phát huy sức mạnh của nhân dân trong việc thực hiện, nhất là xã Thụy Phúc. Thanh Tân đã xây dựng các mô hình điểm ở từng thôn về các công việc khác nhau. Cụ thể, thôn Tử Tế đã thành lập được 22 tổ tự quản vệ sinh môi trường, hàng tháng tổ chức tổng vệ sinh toàn thôn từ ngày 26 - 28; các hộ gia đình đã dành 2m2 đất trong vườn để gom rác, phân loại và tiêu hủy. Hay như thôn An Cư Đông, nhân dân đã tự nguyện góp tiền xây dựng cổng làng, làm kè sông và mua 563 cây cau các loại, 30 cây bóng mát để trồng trên các tuyến đường thôn.

Đặc biệt là phong trào hiến đất để mở rộng đường giao thông và huy động nhân dân, con em xa quê đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu nông thôn. Nhân dân Thanh Tân đã hiến 5.218m2 đất, thu dỡ 4.654m2 tường xây, 88 cổng, 26 bếp, 6 nhà, 21 công trình phụ, 2 miếu, 4 mộ tổ để mở rộng đường giao thông. Đồng thời, nhân dân đã đóng góp bằng tiền mặt, hiến tài sản trên đất, góp đất làm đường giao thông nội đồng trị giá gần 23,5 tỷ đồng; con em đi làm ăn xa đóng góp bằng tiền và vật chất trị giá 6.246 triệu đồng.

Đối với Hồng Minh, thực hiện xây dựng NTM đã gắn với thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở, các cuộc vận động và phong trào thi đua yêu nước, như cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới, bảo vệ an ninh Tổ quốc, xóa đói giảm nghèo… Chính vì vậy, Hồng Minh đã phát huy được sức mạnh tổng hợp, sự đồng thuận của nhân dân từ việc góp tiền, hiến đất, nhà ở, công lao động và tích cực tham gia các phong trào nên các tiêu chí được hoàn thiện đồng đều. Trong tổng mức đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng là trên 152 tỷ đồng, Hồng Minh đã huy động nhân dân và các nguồn lực khác trên 71 tỷ đồng.

Đối với Quỳnh Minh, xác định tiêu chí giao thông là một trong những tiêu chí khó, xã đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phân công nhiệm vụ cho các Đảng ủy viên, cán bộ xã phụ trách thôn, kết hợp với cán bộ thôn tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, tài sản, san lấp mặt bằng. Tuy nhiên, quan điểm chỉ đạo của Quỳnh Minh chủ yếu bằng phương pháp phát huy dân chủ, những hộ gia đình tự nguyện hiến đất, công trình sẽ được ghi sổ vàng tại xã. Với cách làm này, các hộ dân đã đồng thuận rất cao, tổng cộng đã hiến 7.390m2 đất ở, 3.214m2 đất ao, tháo dỡ 75m2 nhà ở, 460 cổng, 7.374m2 tường bao…

Đặc biệt đối với xã Thụy Phúc đã lấy cộng đồng dân cư làm chủ thể để xây dựng NTM theo tinh thần "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi". Điển hình như năm 2012, khi mở rộng đường trục thôn có 31 hộ phải phá dỡ 531m tường bao, 11 hộ dỡ công trình phụ, bằng nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động nên chỉ sau 2 tuần triển khai giải phóng mặt bằng đã hoàn thành, không ai đòi hỏi chi phí đền bù; đồng thời nhân dân đã đóng góp hơn 600 ngày công tháo dỡ, xây dựng lại.

Về thực hiện bê tông hóa các trục đường thôn xóm, Thụy Phúc đã ban hành quy định và hỗ trợ một phần nhỏ kinh phí, còn lại do nhân dân tự bàn bạc, quyết định mức đóng góp, vận động con em xa quê tài trợ bằng nhiều hình thức, như tiền mặt, xi măng, cát, đá, gạch… nhân dân tự đóng góp công lao động. Với cách làm này của Thụy Phúc, các thôn xóm đã dấy lên phong trào thi đua bê tông hóa đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa thôn, cứng hóa kênh mương… Đến nay, Thụy Phúc đã hoàn thành gần 10km đường trục thôn, trong đó xã chỉ hỗ trợ 432 triệu đồng; 3/3 thôn hoàn thành xây dựng nhà văn hóa, xã hỗ trợ 24 triệu đồng. Hay như đào đắp giao thông thủy lợi nội đồng, chỉ sau 23 ngày phát động, với hình thức lao động thủ công, các hộ dân đã đào đắp được 41.000m3 đất, xã không phải chi kinh phí cho việc này…

Những cách làm trên chủ yếu là các tiêu chí khó, cần sự đồng thuận của nhân dân cả về cách làm và đóng góp tiền của, công sức. Còn lại các tiêu chí khác, 4 xã đạt chuẩn NTM đều thực hiện nghiêm túc theo quy hoạch, kế hoạch đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt ban đầu. Những tiêu chí không cần nhiều vốn đầu tư đã được các xã triển khai, thực hiện thông qua các phong trào thi đua trong nhiều năm qua, trở thành nếp nên đã kế thừa và giữ vững, nâng cao chất lượng theo yêu cầu đề ra.

Bài, ảnh: Bình Minh


 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày