Thứ 2, 23/12/2024, 10:00[GMT+7]

Thái Thụy Nhiều khó khăn khi thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường

Thứ 4, 11/09/2013 | 09:34:08
5,881 lượt xem
Những năm qua, Thái Thụy tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các doanh nghiệp, rác thải ở nông thôn chưa được xử lý triệt để vẫn là khó khăn, thách thức lớn ảnh hưởng đến việc thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới của các xã hiện nay.

Một trong những địa phương trong tỉnh đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Ảnh mang tính minh họa

Tại nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, người dân xã Thụy Lương có ý kiến về tình trạng ô nhiễm nguồn nước, không khí ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt. Trong đó phức tạp nhất là vụ việc của Công ty Đạt Doan: quá trình thu mua, mở rộng dây chuyền chế biến, chiết xuất hoa hòe đã xả nước, khí thải gây ô nhiễm môi trường xung quanh.

Năm 2012, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, UBND xã đã phối hợp tích cực với Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai, môi trường của doanh nghiệp này và yêu cầu phải có biện pháp khắc phục, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải, khí thải nhưng đơn vị vẫn không thực hiện. Tháng 7/2013, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục kiểm tra, giám định mẫu nước thải, kết quả các chỉ số về môi trường đều vượt nhiều lần mức cho phép và đã ra quyết định xử phạt hành chính 52 triệu đồng, yêu cầu doanh nghiệp phải khẩn trương khắc phục hậu quả.

Về phía doanh nghiệp, tuy chấp hành quyết định xử phạt của đoàn kiểm tra nhưng đưa ra lý do là không còn quỹ đất để xây dựng khu chứa và xử lý nước thải nên vụ việc vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm. Ngoài điểm gây ô nhiễm môi trường của Công ty Đạt Doan, Thụy Lương còn một khu chứa rác thải sinh hoạt diện tích 1 ha được huyện đầu tư xây dựng từ năm 2005 nhưng do gần khu dân cư, không bảo đảm khoảng cách theo quy định nên không được sử dụng.

Tuy nhiên, tại khu vực này hiện vẫn còn khoảng 20 m3 rác chưa được chôn lấp xử lý theo quy định, hàng ngày rác vẫn phân hủy, rỉ nước thải gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Nơi đây cũng là môi trường thuận lợi cho chuột sinh sống, phá hoại hoa màu của người dân. Qua trao đổi, người dân địa phương cho biết: Hiện nay, Thụy Lương đang tích cực xây dựng nông thôn mới, phấn đấu sẽ về đích năm 2014, tuy nhiên nếu tình trạng ô nhiễm môi trường chưa được giải quyết thì mục tiêu khó có thể thực hiện được. Thụy Hải cũng là một trong những điểm nóng về ô nhiễm môi trường.

Bãi rác của xã Thái Thịnh không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn lấn cả đường giao thông vào xã Thái Thành.

Điển hình nhất là vụ việc người dân “lấp” cổng Nhà máy Chế biến bột cá Thụy Hải vào cuối năm 2011 với lý do đơn vị này sản xuất gây ô nhiễm môi trường kéo theo nhiều hệ lụy phức tạp về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Đến nay, Nhà máy đã ngừng hoạt động nhưng trên địa bàn xã nước thải từ hàng chục cơ sở, hộ gia đình chế biến hải sản có chứa hóa chất chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa triệt để vẫn thải trực tiếp ra rãnh thoát nước của khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường.

Không chỉ có Thụy Lương, Thụy Hải mà hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường đang là vấn đề nan giải đối với nhiều xã, thị trấn ở Thái Thụy. Toàn huyện có gần 40 doanh nghiệp, 5.200 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, 24 làng nghề song quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiết bị công nghệ lạc hậu. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở nằm xen kẽ trong khu dân cư, quá trình sản xuất không chỉ tạo tiếng ồn mà còn xả một lượng lớn nước, khí thải, khói bụi, rác ra môi trường xung quanh gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân.

Tại các thôn, xóm, rác sinh hoạt xả thải tùy tiện ở nhiều nơi: trên đường, dưới ao, bờ sông, kênh mương. Bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng, vứt bừa bãi tại bờ ruộng, mương máng rất độc hại. Toàn huyện hiện có nhiều vùng chuyển đổi chăn nuôi kết hợp nuôi trồng thủy sản, 103 trang trại, hàng nghìn gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm hàng ngày vẫn thải lượng lớn chất thải chưa qua xử lý ra môi trường. Hệ thống thoát nước trong khu dân cư chưa được đầu tư nên hầu hết nước thải trong sinh hoạt, các làng nghề đều xả trực tiếp ra ao, hồ, sông, ngòi, ngấm vào đất tiềm ẩn những nguy cơ độc hại, gây lây lan dịch bệnh. 48 xã, thị trấn đều có đội thu gom, điểm tập kết rác thải sinh hoạt tập trung.

Tuy nhiên, chỉ có số ít xã hiện nay đang đầu tư xây dựng bãi rác theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới, còn lại hầu hết các bãi rác chưa được xử lý, chôn lấp theo đúng quy trình kỹ thuật mà chất thành đống cao rồi đốt theo phương thức thủ công. Nhiều bãi rác hình thành tự phát ngay trục đường giao thông, nơi công cộng không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn gây mất mỹ quan khu vực. Điển hình là bãi rác của xã Thái Thịnh nằm gọn trên bãi đất trống sát trục đường vào xã Thái Thành gây ô nhiễm môi trường khiến nhiều người dân địa phương bức xúc.

Ông Nguyễn Hưng Nguyên (thôn Thanh Khê, Thái Thành) cho biết: “Bãi rác này tồn tại đã mấy năm nay, dồn ứ lại không chỉ bốc mùi hôi thối mà còn lấn hết cả đường đi. Khi thấy dân chúng tôi kiến nghị nhiều quá, xã Thái Thịnh đưa máy xúc đến san ủi sau đó lại tập kết rác tại đây khiến tình hình ô nhiễm càng thêm trầm trọng. Người dân Thái Thành mong muốn huyện và chính quyền 2 xã sớm đưa ra biện pháp giải quyết, đầu tư kinh phí xây dựng bãi rác xa khu dân cư trả lại sự trong sạch cho môi trường”.

Hiện nay, Thái Thụy đang dồn mọi nỗ lực cho mục tiêu xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến hết năm 2015 sẽ có 16 xã về đích. Trong số 19 tiêu chí thì tiêu chí số 17 về môi trường là khó thực hiện nếu không quyết tâm giải quyết những tồn tại nêu trên thì sẽ không hoàn thành kế hoạch như đã định. Vì vậy, thời gian tới ngoài đầu tư cơ sở hạ tầng, huyện và các xã cần phải chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân tạo cho họ ý thức tự giác tham gia bảo vệ môi trường.

Huy động các nguồn lực hoàn thành quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các bãi chôn lấp, xử lý rác theo đúng quy trình kỹ thuật, xây dựng các công trình nước sạch tập trung  tăng tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch trong sinh hoạt. Thẩm định kỹ các dự án đầu tư, chỉ tiếp nhận những dự án có cam kết bảo vệ môi trường. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử lý nghiêm những cơ sở, doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm môi trường… góp phần vừa thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới nhưng cũng đồng thời bảo vệ cuộc sống cho người dân.

Bài, ảnh: Nguyễn Hình

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày