Thứ 6, 26/07/2024, 19:14[GMT+7]

Đổi mới tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới

Thứ 6, 26/07/2024 | 16:28:36
246 lượt xem
Là một trong những tiêu chí trong Bộ tiêu chí xã nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, tổ chức sản xuất (TCSX) có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, là nền tảng thúc đẩy chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hoá quy mô lớn. Xác định rõ điều đó, những năm qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực phát triển sản xuất, phát huy thế mạnh, xây dựng các mô hình tiềm năng phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Sản xuất theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt đang được các địa phương quan tâm mở rộng.

Thời gian qua, cùng với việc đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn, quá trình xây dựng NTM nâng cao, xã An Thanh (Quỳnh Phụ) luôn quan tâm thực hiện tiêu chí số 13 về TCSX nhằm định hướng, hỗ trợ người dân phát triển hình thức sản xuất phù hợp, bền vững và nâng cao giá trị sản xuất. 

Ông Chu Công Dượng, Chủ tịch UBND xã An Thanh cho biết: Cấp uỷ, chính quyền địa phương luôn xác định mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị liên kết, tạo ra sản phẩm hàng hoá có sức cạnh tranh và thị trường ổn định là hướng đi đúng đắn để phát triển nông nghiệp bền vững, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng, con người. Do đó, địa phương thực hiện tốt công tác quy hoạch vùng sản xuất, chỉ đạo có hiệu quả mô hình nâng cao giá trị sản xuất lúa nếp Tam Xuân ở vụ mùa, diện tích đạt 50ha từ đó xây dựng được sản phẩm OCOP nếp Tam Xuân An Thanh; xây dựng vùng sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP thuộc cánh đồng thôn Thượng, diện tích 5ha. HTX DVNN duy trì thực hiện tốt 5 dịch vụ sản xuất cho hộ thành viên, tổ chức ký hợp đồng sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, sản lượng thóc được tiêu thụ qua hợp đồng liên kết chiếm trên 30% tổng sản lượng sản phẩm chính của HTX. Với những đổi thay tích cực, năm 2023, thu nhập bình quân của địa phương tăng lên 68,5 triệu đồng/người.

250 HTX DVNN trên địa bàn tỉnh có liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. 

Để xây dựng thành công NTM kiểu mẫu, xã Bình Định (Kiến Xương) đã phát huy lợi thế có diện tích đất nông nghiệp lớn; tập trung quy hoạch các vùng cánh đồng lớn sản xuất chuyên canh nhằm tạo ra khối lượng nông sản hàng hóa lớn, đáp ứng yêu cầu xây dựng chuỗi liên kết giá trị. HTX là đơn vị duy nhất có tới 12 khâu dịch vụ trong hoạt động sản xuất với số tổng vốn hơn 20 tỷ đồng. Các khâu dịch vụ phục vụ sản xuất đã cơ bản hình thành chuỗi khép kín từ thủy lợi, làm đất, gieo mạ khay, cấy máy, chuyển giao khoa học kỹ thuật, cung ứng vật tư nông nghiệp, bảo vệ thực vật, thu hoạch, sấy khô, liên kết tiêu thụ sản phẩm. 

Khâu dịch vụ tiêu thụ sản phẩm, HTX đã quy hoạch 7 vùng sản xuất với tổng diện tích trên 350ha ký kết hợp đồng tiêu thụ lúa giống, lúa chất lượng cao cho các công ty, tập đoàn lớn trong và ngoài tỉnh mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 1,3 – 1,5 lần so với sản xuất tự do. 

Ông Trần Thanh Sơn, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Bình Định cho biết: Góp sức xây dựng NTM, HTX không ngừng đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, liên kết sản xuất, bảo đảm ổn định đầu ra cho thành viên. HTX đã xây dựng vùng sản xuất lúa hàng hóa theo hướng hữu cơ diện tích 14,2ha có 85 hộ tham gia, áp dụng quy trình sản xuất an toàn, khép kín từ khâu giống lúa, tổ chức cấy, bón phân hữu cơ, sử dụng thuốc trừ sâu bệnh sinh học, các dịch vụ phục vụ sản xuất, thu mua, sấy khô, tiêu thụ theo chuỗi giá trị, vùng sản xuất theo tổ hợp tác tự nguyện.

Đến nay, toàn tỉnh có 183 sản phẩm OCOP xếp hạng 3 - 4 sao.

Thực hiện tiêu chí số 13 về TCSX, những năm qua, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành liên quan đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM; đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, xây dựng NTM được ban hành và mang lại hiệu quả, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và bố trí nguồn lực lớn cho phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM; đẩy mạnh triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Các cơ chế, chính sách đã góp phần chuyển dịch sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn toàn diện và đúng hướng. ­­Giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 15.424 tỷ đồng, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2023. Toàn tỉnh hiện có 355 HTX nông nghiệp, 6 tháng đầu năm 2024 có thêm 3 HTX thành lập. Doanh thu bình quân của 1 HTX ước đạt 1,6 tỷ đồng/năm. Có 53 HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh xây dựng được gần 60 thương hiệu có nhãn mác bao bì là các đặc sản tại các địa phương được công nhận sản phẩm OCOP tiêu chuẩn 3, 4 sao. Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, các HTX nông nghiệp đã từng bước trở thành mắt xích quan trọng trong phát triển chuỗi giá trị liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản; là tiền đề quan trọng thúc đẩy hình thành các tổ hợp tác sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản quy mô nhỏ và vừa tại các địa phương.

Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành bổ sung nhiều chỉ tiêu mới so với giai đoạn trước trong đó có tiêu chí TCSX. Đây là một thách thức không nhỏ đối với các địa phương trên chặng đường xây dựng NTM. Để vượt qua khó khăn, hoàn thành tiêu chí TCSX cũng như thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, các ngành, địa phương tiếp tục triển khai có hiệu các cơ chế, chính sách đã được ban hành. Đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của các hình thức TCSX, trong đó ưu tiên các HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết theo chuỗi giá trị; thực hiện chính sách thu hút, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày