Thứ 7, 23/11/2024, 05:34[GMT+7]

Xây dựng nông thôn mới ở Quỳnh Phụ Khó khăn trong thực hiện tiêu chí môi trường

Thứ 5, 19/09/2013 | 08:32:57
2,666 lượt xem
Hơn 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), bộ mặt nông thôn Quỳnh Phụ đã có nhiều đổi thay: các tuyến đường giao thông liên thôn, liên xã được nâng cấp, mở rộng; số hộ sử dụng nước sạch hợp vệ sinh tăng cao; các địa phương đã có địa điểm tập kết rác thải sinh hoạt... Tuy nhiên tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn đang báo động ở nhiều làng quê.

Phơi bánh đa ở thôn Dụ Đại (Đông Hải), một trong những hoạt động liên quan mật thiết đến môi trường.

Mặc dù thời gian qua, huyện Quỳnh Phụ đã tích cực triển khai thực hiện tiêu chí môi trường, song hiệu quả vẫn còn thấp. Chủ yếu mới chỉ dừng ở việc tăng tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, khuyến khích các hộ gia đình giữ gìn môi trường sống qua các hoạt động trồng cây xanh, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp tại địa bàn dân cư, các tuyến đường nông thôn.

Tình trạng thải rác bừa bãi ra nơi công cộng, ven đường, ven sông diễn ra khá phổ biến và khó xử lý. Các cơ sở sản xuất - kinh doanh đạt chuẩn về môi trường, nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch, chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định là những chỉ tiêu khó thực hiện. Toàn huyện hiện tại mới có 8/36 xã xây dựng NTM đạt tiêu chí môi trường, còn lại đều chưa đạt. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã An Vũ cho biết: Xác định tiêu chí môi trường là một trong những tiêu chí khó thực hiện nên ngay khi triển khai xây dựng NTM, xã đã chú trọng tuyên truyền, vận động để bà con hiểu và cùng tham gia, bởi một khi nhận thức, thói quen, tập quán của người dân thay đổi thì công tác bảo vệ môi trường sẽ có hiệu quả.

Trên cơ sở những giải pháp đồng bộ, địa phương đang phấn đấu hoàn thành tiêu chí môi trường trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, khó khăn đối với An Vũ là chưa có kinh phí triển khai xây dựng bãi rác tập trung đã được quy hoạch rộng gần 2 ha. Vì vậy, xã vẫn đang phải duy trì mỗi thôn một bãi rác nên tình trạng quá tải, ô nhiễm môi trường xung quanh bãi rác đang là vấn đề nan giải.

Bên cạnh việc đem lại lợi ích kinh tế, các làng nghề cũng góp phần không nhỏ gây ô nhiễm môi trường. Làng nghề bánh đa Dụ Đại (Đông Hải), mỗi năm đem lại cho nhiều hộ dân thu nhập hàng trăm triệu đồng/hộ, cùng với đó, bộ mặt nông thôn cũng thay đổi từng ngày. Những ngôi nhà cao tầng, với các tiện nghi sinh hoạt đắt tiền ngày càng nhiều, đường làng ngõ xóm được bê tông hóa.

Tuy nhiên, do phát triển tự phát, không theo quy hoạch nên làng nghề đã nảy sinh vấn nạn ô nhiễm môi trường. Hiện, hầu hết các cơ sở sản xuất ở đây đều chưa có hệ thống xử lý nước thải, hoặc có cũng chỉ là “hình thức”. Các hộ xả chất thải trực tiếp ra cống rãnh, vườn nhà, thẩm thấu xuống lòng đất, gây ô nhiễm nguồn nước ngầm. Ông Nguyễn Mạnh Khuyến, Chủ tịch UBND xã Đông Hải cho biết: Nghề làm bánh đa là thế mạnh của địa phương nên việc bà con tham gia mở rộng quy mô sản xuất là điều đáng mừng.

Nhưng, do phát triển phân tán trong khu dân cư nên việc xử lý môi trường rất khó khăn. Giải pháp khả thi nhất hiện nay là quy hoạch và di chuyển các cơ sở sản xuất về một khu tập trung, có hệ thống xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường. Song, với tiềm lực của địa phương thì giải pháp này không khả thi, cần có sự vào cuộc của huyện và tỉnh. Do đó, trong quá trình xây dựng NTM, tiêu chí môi trường là một trong những tiêu chí khó thực hiện nhất đối với Đông Hải.

Ngay những xã được coi là thuần nông thì ô nhiễm môi trường cũng là vấn đề bức xúc. Khi thu hoạch lúa, bà con đốt rơm rạ ngay trên ruộng. Lượng khói bốc lên mù mịt gây ô nhiễm môi trường. Với mức độ lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật tràn lan như hiện nay và việc tùy tiện vứt bao bì  thuốc đã gây ô nhiễm nguồn nước, đất và không khí. Trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, một số người không thực hiện đúng quy định về xử lý chất thải chăn nuôi, gây ô nhiễm môi trường trong thôn xóm. Quỳnh Châu là xã thuần nông nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường cũng ngày càng báo động, do chất thải từ các hộ chăn nuôi nằm xen lẫn khu dân cư.

Tại nhiều thôn, xóm, đa số người dân vẫn chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán nên nước thải trong chăn nuôi được xả thẳng ra môi trường làm cho hệ thống cống rãnh, mương máng trong thôn có màu vàng đen, bốc mùi hôi thối. Theo ông Lưu Xuân Huân, Chủ tịch UBND xã thì: Những năm qua, chính quyền địa phương luôn chú trọng công tác tuyên truyền, vận động người dân xây dựng hầm bioga trong chăn nuôi, không xả thẳng nước thải trực tiếp ra môi trường. Tuy nhiên, với thói quen, tập quán cũ nên tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu dân cư ngày càng trầm trọng.

Để giải quyết những tồn tại này và sớm hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM, thời gian tới, huyện Quỳnh Phụ cần đẩy mạnh công tác  tuyên truyền nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, ý thức tự giác thực hiện của các tầng lớp nhân dân về vệ sinh môi trường, đầu tư kinh phí xây dựng các bãi rác thải tập trung đã được quy hoạch; tăng cường các hoạt động kiểm tra, thanh tra công tác bảo vệ môi trường.

Bài, ảnh: Minh Nguyệt

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày