Thứ 3, 23/07/2024, 13:20[GMT+7]

Mô hình xử lý rơm rạ trong sản xuất nông nghiệp ở Đông Hưng

Thứ 3, 15/10/2013 | 09:01:17
2,796 lượt xem
Một buổi sáng hạ tuần tháng 9, chúng tôi về xã Đông Hoàng (Đông Hưng) dự hội thảo đầu bờ về mô hình cày vận rạ tại ruộng thành phân bón hữu cơ do Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật (KHKT) tỉnh tổ chức với sự tham gia của bà con nông dân một số xã của huyện Đông Hưng.

Mô hình sử dụng chế phẩm Fito-Biomix RR tại cánh đồng thôn Tống Khê, xã Đông Hoàng (Đông Hưng).

Vụ mùa năm 2013, xã Đông Hoàng đã thực hiện xử lý rơm rạ sau thu hoạch bằng chế phẩm sinh học tại 3 thôn Thái Hòa 1, Thái Hòa 2 và Tống Khê. Ông Vũ Ngọc Quỳnh, Chủ nhiệm HTX DVNN xã Đông Hoàng cho biết: Từ tháng 4/2013, Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh cùng các ngành đã tiến hành khảo sát đặc điểm đất đai, vị trí, dân số xã Đông Hoàng; thống nhất với UBND, HTX Dịch vụ nông nghiệp xã nội dung và kế hoạch triển khai xây dựng mô hình. Từ tháng 5/2013 tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, quy trình xử lý rơm, rạ bằng chế phẩm Fito-Biomix; tập huấn về đặc điểm và quy trình gieo cấy, chăm sóc giống lúa BC15; cung cấp giống, phân bón. Nhờ vậy diện tích lúa trong mô hình phát triển tốt, dự kiến năng suất tăng từ 15 đến 20%.

  Tiến sĩ Trần Duy Khanh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh cho hay: Qua kiểm tra, theo dõi ở những ruộng mô hình có sử dụng chế phẩm Fito-Biomix RR sau khi xử lý được 7 - 10 ngày, rơm rạ đã mềm ra như bón phân hữu cơ. Khi trời nắng nóng, không có hiện tượng sốc chua, không có hiện tượng rơm, rạ nổi lên ảnh hưởng đến quá trình cấy và chăm sóc lúa.

Bà Nhâm Thị Quý, thôn Thái Hòa 1 chỉ xuống ruộng nói: “Đây là 3 sào ruộng cấy giống lúa BC15 của gia đình tôi được áp dụng quy trình cày vận rạ sau thu hoạch vụ xuân và xử lý bằng chế phẩm sinh học Fito-Biomix RR đấy”. Nhìn theo tay bà chỉ, cả đồng lúa phẳng đều, đang vào mẩy.

Cùng đoàn tham quan ra cánh đồng của thôn Thái Hòa 1 và thôn Tống Khê, ông Phạm Văn Mạnh, Chủ tịch UBND xã ngắt một bông lúa đã uốn câu, nói: Cây lúa phát triển tốt, lá to, bản rộng, lá có màu xanh đậm cứng, tỷ lệ bạc lá thấp hơn. Chiều cao cây lúa phát triển hơn so với ruộng không được xử lý chế phẩm sinh học từ 3 - 5 cm. Độ chống chịu sâu bệnh của cây lúa cũng tốt hơn. Bông dài và mẩy. Dự kiến năng suất lúa đạt 2,5 tạ/sào. Ruộng không xử lý bón phân đạm tổng hợp lá màu xanh non tạo điều kiện cho sâu cuốn lá phát triển. Nếu không bị đợt mưa  kéo dài từ tháng 6 đến tháng 8 làm ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển và thụ phấn, chuột cắn nhiều, thì năng suất không dừng ở mức này.

Bà Phạm Thị Trầm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Hoàng, cũng là một hộ gia đình nông dân có diện tích ruộng nằm trong mô hình sử dụng chế phẩm sinh học Fito- Biomix RR áp dụng cày vận rạ cho biết: Xã chọn một số hộ của ba thôn có ruộng nằm ven quốc lộ 39 thực hiện mô hình này để hạn chế việc đốt rơm rạ làm ảnh hưởng đến việc đi lại của người đi đường và bảo vệ môi trường.

Mặc dù đã được tập huấn kỹ thuật xử lý rơm rạ sau thu hoạch bằng chế phẩm sinh học Fito-Biomix RR cày vận rạ, nhưng lúc đầu triển khai áp dụng quy trình này cũng gặp một số khó khăn nhất định. Theo chỉ đạo phải cấy 100% giống lúa BC15 trong khi có hộ muốn cấy thêm một số giống khác. Mặt khác việc sử dụng chế phẩm này mới tiến hành làm điểm nên người dân còn phân vân, sợ ảnh hưởng đến năng suất lúa.

 Tuy nhiên sau khi được cán bộ phân tích cụ thể, các hộ dân đã đi đến thống nhất và bắt tay vào làm. Trên 1 sào ruộng, gặt xong, rạ còn tươi tiến hành rắc chế phẩm sinh học ngay; giá thành sản phẩm là 70.000 đồng, rắc xong cày lật đất luôn; sau 7 đến 10 ngày rạ đã được phân hủy, trở thành phân hữu cơ, lợi cho đất, tiết kiệm được phân bón hóa học.

Ông Trần Minh Văn, Chủ nhiệm HTX DVNN xã Trọng Quan (Đông Hưng), một xã nội đồng - nơi được Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh chọn làm điểm quy trình kỹ thuật ủ rơm rạ tại đồng ruộng thành phân bón hữu cơ từ năm 2012 rất tâm đắc về việc áp dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất tại địa phương. Quy trình kỹ thuật ủ rơm rạ tại đồng ruộng thành phân bón hữu cơ cũng đơn giản: Nguyên liệu gồm 1 tấn rơm rạ tươi; chế phẩm Fito-Biomix RR: 1 gói 200 gam; phân NPK 1kg; nilon hoặc bạt rách, hoặc trát bùn để che đậy, đồ dùng để tưới nước. Nên chọn nơi tiện nguồn nguyên liệu, tiện nguồn nước, bố trí tập trung để tiện quản lý kỹ thuật. Các nguyên liệu sau khi thu gom được chất đống, chiều rộng khoảng 2 mét, độ dài thì tùy theo lượng nguyên liệu. Cứ mỗi lớp 30 cm rơm rạ thì tưới một lượng dung dịch chế phẩm Fito-Biomix RR. Độ đậm đặc của dung dịch tùy thuộc vào độ ẩm của rơm rạ sao cho khu ủ rơm rạ có độ ẩm 80%. Cách kiểm tra độ ẩm khi ủ là cầm nắm rạ vắt, thấy nước rỉ ra theo kẽ tay là đạt độ ẩm cần thiết. Tiếp tục rải cho đến khi chiều cao đạt 1,5 đến 1,6 mét. Che kín cả trên nóc lẫn xung quanh, bảo đảm nhiệt độ đống ủ từ 45 đến 500C. Sau 10 – 15 ngày kiểm tra và đảo trộn, nếu chỗ nào chưa bảo đảm độ ẩm thì tưới bổ sung để nguyên liệu hoại hoàn toàn. Sau 25 đến 30 ngày rơm rạ phân hủy tốt thành phân hữu cơ, có thể bón ngay trong vụ hoặc bảo quản để bón cho vụ sau.

Ông Văn cho biết, năm 2012, được tiếp nhận mô hình xã đã chọn 100 hộ thực hiện, năm 2013 chọn 150 hộ. Được cán bộ Công ty CP Công nghệ sinh học tổ chức tập huấn kỹ thuật, thực hành từ khi ủ và đảo; tận dụng được các nguyên liệu sẵn có sau khi thu hoạch lúa, hoa màu, các phế thải nông nghiệp. Xã Trọng Quan có diện tích cấy lúa là 359,7 ha, có truyền thống sản xuất cây vụ đông, chủ lực là khoai tây thì việc xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học này giúp cho xã có nguồn phân hữu cơ tốt, các hộ nông dân đã chủ động mở rộng diện tích. Khi đưa loại phân này ra sản xuất giúp cây trồng phát triển, ra rễ hình thành tia củ nhanh hơn, thân và lá to, khỏe, sức sinh trưởng tốt; giảm tỷ lệ bệnh héo xanh, năng suất cao hơn từ 20 đến 25%; tỷ lệ củ to nhiều, hình thức củ đẹp; tiết kiệm chi phí, giá thành rẻ hơn rất nhiều so với dùng các loại phân hữu cơ vi sinh khác.

Cuối năm 2012 đã được đoàn kiểm tra, đánh giá của Bộ KHCN, của tỉnh về nghiệm thu, đánh giá mô hình có hiệu quả cao. Đến nay, không chỉ có dùng phân hữu cơ này cho trồng cây khoai tây, nhiều hộ nông dân của xã Trọng Quan đã dùng để trồng rau màu, tạo ra nguồn rau sạch phục vụ nhân dân trong vùng. Từ việc áp dụng mô hình ủ rơm rạ tại đồng ruộng thành phân bón hữu cơ bằng chế phẩm sinh học Fito-Biomix RR có hiệu quả cao, ông Văn đã nêu kinh nghiệm khi áp dụng mô hình này, đó là bà con nên chọn nơi ủ rơm rạ không ngập nước; chọn nilon loại     dày để ủ cho bảo đảm nhiệt độ, giúp phân hủy rơm rạ nhanh.

Mô hình này cũng đã được áp dụng tại xã Đông Hà (Đông Hưng) vụ mùa 2013, đã xử lý được 297 tấn rơm rạ dư thừa làm phân hữu cơ phục vụ sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Chúc, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đông Hưng cho biết đây là mô hình liên kết 4 nhà. Chất xám của các nhà khoa học đã được nhà nông vận dụng vào sản xuất, tự hạch toán có hiệu quả cao. Tới đây Phòng sẽ tham mưu với UBND huyện trong việc hỗ trợ bà con nông dân áp dụng quy trình này vào sản xuất ở quy mô rộng hơn, nhất là ở 10 cánh đồng mẫu của huyện.

Lãnh đạo Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh đã đề xuất với Công ty CP Công nghệ sinh học FITOHOCMON giảm giá cho nông dân, vì với người nông dân nội đồng, số tiền 70.000 đồng cho 1 sào ruộng áp dụng quy trình cày vận rạ tại ruộng cũng là lớn. Đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT năm 2014 hỗ trợ Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh để mở rộng mô hình lớn hơn và ở các vùng sinh thái khác nhau, góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả hơn.

 Về công tác tuyên truyền, do đây là quy trình công nghệ mới, để đưa KHCN vào sản xuất đại trà, tới đây Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh sẽ phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh trong việc tuyên truyền đưa KHKT vào sản xuất, giúp bà con nông dân hiểu rõ hơn về tác dụng của việc dùng chế phẩm sinh học vào xử lý rơm rạ sau thu hoạch nâng cao năng suất cây trồng, tăng thu nhập cho nông dân, để Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Nghị quyết số 02 của Tỉnh ủy Thái Bình về xây dựng nông thôn mới đi vào cuộc sống.

Bài, ảnh: Lê Thanh Thưởng

              (Hội Nhà báo tỉnh)

Tác phẩm dự thi viết về Đề tài xây dựng nông thôn mới.

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày