Thứ 3, 23/07/2024, 11:38[GMT+7]

Dấu ấn người chiến sĩ quân hàm xanh

Thứ 7, 01/02/2014 | 08:00:09
1,742 lượt xem
Không chỉ ngày đêm chắc tay súng bảo vệ bình yên nơi biên giới biển, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng (BÐBP) Thái Bình còn tích cực, chủ động tham gia phát triển kinh tế - xã hội, có nhiều việc làm thiết thực, đóng góp hiệu quả vào quá trình xây dựng nông thôn mới.

Cán bộ, chiến sĩ BÐBP kiểm tra hệ thống lọc nước của Nhà máy nước sạch xã Thái Ðô (Thái Thụy).

Sau gần 3 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn Thái Bình đã có nhiều khởi sắc. Chặng đường xây dựng nông thôn mới của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình có dấu ấn của những người chiến sĩ mang quân hàm xanh. Không chỉ ngày đêm chắc tay súng bảo vệ bình yên nơi biên giới biển, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng (BÐBP) Thái Bình còn tích cực, chủ động tham gia phát triển kinh tế - xã hội, có nhiều việc làm thiết thực, đóng góp hiệu quả vào quá trình xây dựng nông thôn mới.

Cuối năm 2013, Bộ chỉ huy BÐBP tỉnh đã tổ chức khánh thành và bàn giao nhà máy nước sạch cho UBND xã Thái Ðô (Thái Thụy) quản lý, tổng kinh phí xây dựng trên 5 tỷ đồng do Bộ tư lệnh BÐBP đầu tư. Công trình được khởi công xây dựng năm 2011, theo kế hoạch ban đầu nguồn nước được sử dụng là nước ngầm, nhưng do nguồn nước ngầm không bảo đảm (bị nhiễm mặn nặng và lẫn nhiều tạp chất), Bộ chỉ huy BÐBP tỉnh quyết định thay đổi thiết kế ban đầu, chuyển sang sử dụng nguồn nước mặt.

Việc thay đổi thiết kế tuy khiến chi phí tăng thêm song điều quan trọng là vẫn bảo đảm quy mô cung cấp nước sạch cho khoảng 3.000 dân địa phương và cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Trà Lý. Nói về ý nghĩa của công trình, Trung tá Tống Thanh Sơn, Ðồn trưởng Ðồn Biên phòng Trà Lý cho biết: “Ðược sử dụng nước sạch là niềm mơ ước nhiều năm nay của người dân cũng như cán bộ, chiến sĩ. Trước đây, nước sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ được bơm trực tiếp từ sông còn bà con xung quanh đều sử dụng nước giếng khoan, chất lượng cũng không bảo đảm.

Vì vậy, việc xây dựng nhà máy nước có ý nghĩa vô cùng quan trọng, không những bảo đảm sức khỏe cho cán bô, chiến sĩ và nhân dân mà còn góp phần củng cố thế trận lòng dân ngày càng vững chắc”. Chung niềm vui, phấn khởi khi được sử dụng nước sạch, bác Phạm Văn Hải (thôn Tân Bồi, xã Thái Ðô) tâm sự: “Do nguồn nước trên địa bàn bị nhiễm mặn nặng, nhiều sắt, dù đã lọc kỹ xong vẫn không thể sử dụng được nên mọi sinh hoạt của gia đình gần như phụ thuộc cả vào nước mưa. Gia đình có 2 bể trữ được khoảng 19 m3 song vẫn phải sử dụng tằn tiện.

Nay có nước sạch để dùng, gia đình tôi rất phấn khởi, hy vọng Nhà nước sẽ hỗ trợ nhân dân một phần kinh phí lắp đặt để nước sạch đến tận từng hộ gia đình”. Không chỉ riêng gia đình bác Hải mà hầu như mọi gia đình ở đây đều có những bể nước mưa rất lớn, tuy nhiên nguồn nước mưa không thể đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Do vậy, nhà máy nước sạch đã giải tỏa được “cơn khát” của người dân nơi đây.

Cùng với dự án nước sạch ở Thái Ðô là dự án đường cứu hộ, cứu nạn Thái Ðô - Trạm Kiểm soát biên phòng Trà Lý (Thái Thụy) và dự án cấp điện Trạm Kiểm soát biên phòng Cồn Vành (Tiền Hải). Dự án đường cứu hộ, cứu nạn sẽ góp phần vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và củng cố quốc phòng - an ninh. Con đường dài khoảng 4 km, kinh phí đầu tư khoảng 100 tỷ đồng, đã hoàn thành giai đoạn 1, đang tiếp tục thực hiện giai đoạn 2.

 

Ðường cứu hộ, cứu nạn hoàn thành giai đoạn 1.

Trong năm 2013, Bộ chỉ huy BÐBP tỉnh đã bàn giao hệ thống đường điện từ trung tâm xã Nam Phú ra Cồn Vành trị giá 10 tỷ đồng cho ngành điện quản lý và khai thác. Có thể nói, các dự án trên không những góp phần thay đổi diện mạo nông thôn tại địa phương mà còn có ý nghĩa quan trọng củng cố quốc phòng - an ninh, tạo thế trận liên hoàn trong khu vực phòng thủ của tỉnh.

Bên cạnh những công trình, dự án trọng điểm, cán bộ, chiến sĩ BÐBP Thái Bình còn hăng hái tham gia giúp địa phương thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Về xã Nam Cường (Tiền Hải) vào một ngày cuối năm, chúng tôi cảm nhận rõ sự phấn khởi của người dân nơi đây khi xã nhà sắp “cán đích” nông thôn mới.

Trong suốt chặng đường xây dựng nông thôn mới của Nam Phú luôn thấp thoáng hình bóng những người chiến sĩ mang quân hàm xanh. Qua thôn Ðức Cường, đi trên con đường rộng rãi, bằng phẳng được xây dựng kiên cố, chúng tôi được người dân nơi đây kể lại: Khi nhân dân tiến hành xây dựng con đường này, các chiến sĩ Ðồn Biên phòng Cửa Lân đã tham gia ủng hộ nhiều ngày công lao động. Bác Ðào Văn Mậu (thôn Ðức Cường) cho biết: “con đường nằm trong hệ thống đường giao thông trục thôn, dài 153 mét, đã xuống cấp, hư hỏng nặng, người dân đi lại rất khó khăn.

Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, 13 hộ dân trong ngõ đã họp bàn quyết tâm xây dựng lại con đường. Từ số tiền do các hộ đóng góp và ủng hộ của con em xa quê, chúng tôi tổ chức đổ bê tông. Trong quá trình xây dựng, cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Cửa Lân đã đến giúp đỡ nhiều ngày công lao động khiến nhân dân vô cùng cảm động”.

Nói về những đóng góp của cán bộ, chiến sĩ BÐBP vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, ông Hoàng Ngọc Sang, Chủ tịch UBND xã Nam Cường cho biết: “Là 1 trong 8 xã nằm trên tuyến biên phòng Tiền Hải, để có được kết quả như ngày hôm nay ngoài sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương còn có sự đóng góp, giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ BÐBP. Ngoài tham mưu cho cấp ủy, chính quyền phát triển kinh tế - xã hội, cán bộ, chiến sĩ BÐBP còn tổ chức nhiều hoạt động như xây nhà “mái ấm biên cương” cho các hộ dân nghèo, tham gia xây dựng đường giao thông nông thôn, hỗ trợ các gia đình chính sách, khám bệnh và cấp thuốc cho nhân dân”.

Có thể nói, với những việc làm thiết thực và hiệu quả góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn đóng quân của cán bộ, chiến sĩ BÐBP Thái Bình trong năm qua đã tô đẹp thêm hình ảnh người chiến sĩ mang quân hàm xanh trong lòng nhân dân, góp phần thắt chặt nghĩa tình quân dân.

Ðào Quyên 

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày