Thứ 6, 22/11/2024, 18:47[GMT+7]

Nam Cường Từ xã kinh tế mới vươn lên xã nông thôn mới

Thứ 6, 28/02/2014 | 17:41:22
1,200 lượt xem
Từ một xã kinh tế mới, do vậy việc huy động nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng ở Nam Cường cũng gặp không ít khó khăn. Phương châm của Nam Cường là: “tranh thủ sự trợ giúp của Nhà nước, xã thực hành tiết kiệm chi thường xuyên dành tiền để xây dựng cơ sở hạ tầng; vận động phong trào toàn dân hiến đất, hiến ngày công, đóng góp bằng tiền và vận động con em quê hương từ xa gửi tiền về xây dựng nông thôn mới”.

Đường thôn Nam Cường được cứng hóa theo tiêu chí nông thôn mới.

 

Năm 1960, Đảng và Nhà nước có chủ trương lớn quai đê lấn biển để mở rộng diện tích canh tác; đồng thời đưa dân đến các vùng đất chưa được khai phá để phát triển kinh tế, bảo vệ biên cương Tổ quốc. Nam Cường (Tiền Hải) - vùng đất Cửa Lân đổ ra biển được hình thành trên cơ sở ấy - là một trong số xã vùng kinh tế mới của tỉnh. Năm 1962, Bác Hồ đã về thăm Nam Cường, gặp gỡ cán bộ và nhân dân địa phương, Bác động viên: “Gian khổ cố vượt lên”. Khắc sâu lời Bác dạy, hơn 50 năm qua từ vùng đất kinh tế mới đói nghèo Nam Cường đã vươn lên, nay trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới.

 

Nam Cường có tổng diện tích đất tự nhiên 372,3 ha, quy mô dân số 884 hộ với 3.226 khẩu (trong đó đất nông nghiệp chỉ có 136 ha). Ngày đầu lập địa, Nam Cường với trăm ngàn gian khó, dân phải tự dựng lấy nhà tạm để ở. Hợp tác xã tổ chức cho xã viên đào đắp sông ngòi, be bờ, đắp đập cải tạo ruộng đồng. Mưa thuận, gió hòa còn đỡ, gặp năm thiên tai, gió chướng có khi tay trắng. Về kinh tế, do tác động của một số cơ chế, chính sách không phù hợp, Nam Cường cũng loay hoay trên từng bước đi.

 

Do đất đai chua, mặn lúa không phát triển được, năng suất đạt 20 - 30 kg/sào, các hộ gia đình thiếu ăn 5 - 6 tháng/năm. Phải đến đầu năm 2000, Nam Cường mới có bước đột phá mới: toàn xã tập trung vận động dồn đổi đất nông nghiệp, chuyển các hộ có khả năng đầu tư nuôi trồng thủy hải sản sang vùng chuyển đổi. Cánh đồng lúa cói được quy hoạch và đào đắp thành vùng nuôi tôm, cua, cá vược (gần đây là ngao giống), hiện tại chỉ còn 71 ha thâm canh lúa, 61 ha trồng màu. Nhờ cơ chế chuyển đổi này, Nam Cường ngày một khá hơn, phong trào điện - đường - trường - trạm  cũng từng bước phát triển. Trước mắt, ở một vùng đất trẻ như Nam Cường là tạm ổn, song về lâu dài và trên chặng đường hội nhập thì dừng lại sẽ tụt hậu.

 

Qua nhiều kỳ đại hội, Đảng bộ Nam Cường quyết tâm tìm lối đi ra và đi lên cho địa phương. Học tập, quán triệt các nghị quyết của Đảng và chính sách của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, cán bộ và nhân dân Nam Cường coi đây là thời cơ lớn để địa phương phát triển lâu dài và ổn định. Nam Cường đã tổ chức thực hiện nghiêm túc các bước tiến hành như thành lập Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của xã và các tiểu ban chuyên môn. Toàn xã đã tiến hành đồng loạt, thường xuyên, liên tục và bằng nhiều hình thức tuyên truyền vận động, tạo ra sự đồng thuận của nhân dân. Các mặt công tác khác như lập quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới được tiến hành công khai, dân chủ. Công tác dồn điền đổi thửa cũng tạo được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân nên đã sớm hoàn thành.

 

Từ một xã kinh tế mới, do vậy việc huy động nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng ở Nam Cường cũng gặp không ít khó khăn. Phương châm của Nam Cường là: “tranh thủ sự trợ giúp của Nhà nước, xã thực hành tiết kiệm chi thường xuyên dành tiền để xây dựng cơ sở hạ tầng; vận động phong trào toàn dân hiến đất, hiến ngày công, đóng góp bằng tiền và vận động con em quê hương từ xa gửi tiền về xây dựng nông thôn mới”.

 

Ba năm qua, Nam Cường đã xây dựng được nhiều công trình phục vụ đời sống, như cứng hóa (theo chuẩn) đường giao thông nội đồng trục chính được 1,163km; 17.452,7m đường giao thông trục thôn; 450m đường nhánh cấp I; mở rộng đường nhánh cấp I trục thôn 262m; cứng hóa mương là 6.022m, làm mới 3 cầu; xây mới 2 phòng của Trạm Y tế, sân vận động, bãi tập trung và xử lý rác. Nơi Bác Hồ về thăm Nam Cường và đứng nói chuyện với cán bộ và nhân dân ngày 26/3/1962, đã được Đảng và Nhà nước đầu tư xây dựng thành Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, bước vào xây dựng nông thôn mới, được sự hỗ trợ của huyện, Nam Cường đã huy động ngày công tôn tạo, kè bờ hồ để Đền thờ Bác ngày một khang trang. Đến nay tổng kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới của Nam Cường đã lên tới hơn 13 tỷ đồng. Trong đó nguồn lực nhân dân đóng góp và xã hội hóa là 4,106 tỷ đồng và 5.000 ngày công, hệ thống hạ tầng nông thôn mới tạo điều kiện để Nam Cường phát triển, tiến bộ nhiều mặt.

 

Lĩnh vực trồng trọt, sau dồn điền đổi thửa đã quy hoạch được vùng sản xuất theo cánh đồng mẫu, gieo cấy một loại giống, bảo vệ và chăm sóc đồng bộ đã đưa năng suất cả năm (năm 2013) đạt 110 tạ/ha/năm. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản 130 ha (trong đó có 90 ha chuyển đổi từ lúa sang đầm) vẫn giữ được mức thu nhập gấp 4 - 5 lần so với cấy lúa. Từ quy hoạch lại làng xóm, ruộng đồng, Nam Cường đã xây dựng được 4 trang trại, quy mô mỗi trang trại từ 2.000 - 4.000 đầu lợn; 26 mô hình gia trại. Nam Cường còn khuyến khích, chuyển đổi cơ cấu lao động, ngoài việc vận động 17 hộ đầu tư tàu thuyền khai thác thủy sản, xã vẫn duy trì được một số nghề như sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ nhựa, sản xuất comporite... góp phần tạo việc làm và thu nhập cho nhân dân.

 

Nam Cường đã đề ra 6 nhiệm vụ để bảo vệ và phát huy kết quả đạt được về xây dựng nông thôn mới gồm: tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền vận động để nâng cao nhận thức của toàn dân về nông thôn mới. Rà soát lại từng nội dung để có giải pháp hoàn thiện và giữ vững các tiêu chí đạt được. Phát huy kết quả quy hoạch và cơ sở hạ tầng để phát triển sản xuất, đưa lại giá trị kinh tế cao hơn. Từ kết quả vận động và phát triển kinh tế, Nam Cường nâng cao một bước hoạt động văn hóa, y tế, giáo dục… Đồng thời làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, như Bác Hồ từng mong muốn: Đảng ta phải thật sự trong sạch, mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự là công bộc của dân...

Phan Lợi

 

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày