Thứ 6, 22/11/2024, 18:08[GMT+7]

Nguyên Xá Ðổi thay nhờ dòng điện

Thứ 4, 19/03/2014 | 08:46:21
1,373 lượt xem
Xã Nguyên Xá (Ðông Hưng) nổi tiếng với nghề truyền thống làm bánh cáy, kẹo lạc. Những năm gần đây, nghề này đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể, nâng cao cuộc sống của người dân, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc với hệ thống cơ sở hạ tầng: điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng. Ðến nay, Nguyên Xá đã đạt 11 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới (NTM), trong đó có tiêu chí điện.

Nhờ nguồn điện ổn định, cơ sở sản xuất bánh kẹo Tuấn Hưng, xã Nguyên Xá (Ðông Hưng) đã tạo việc làm ổn định cho 50 lao động địa phương.

Ðối với người dân xã Nguyên Xá thì điện không chỉ phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày mà còn góp phần quan trọng giúp phát triển kinh tế, làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương bằng nghề truyền thống đã có từ hơn 200 năm nay. Toàn xã hiện có hơn 100 cơ sở sản xuất bánh cáy, kẹo lạc, với thị trường tiêu thụ khắp các tỉnh từ Bắc vào Nam, góp mặt tại nhiều nhà hàng, siêu thị trong nước và xuất khẩu đi nước ngoài. Làng nghề truyền thống Nguyên Xá đang giải quyết việc làm cho trên 1.000 lao động, với thu nhập từ 2 - 3,5 triệu đồng/người/tháng.

Ngoài ra, các cơ sở sản xuất bánh đa, bún, thu gom phế thải, điện tử… cũng tạo việc làm cho trên 2.000 lao động. Ðến cơ sở sản xuất bánh kẹo Tuấn Hưng, một cơ sở có tiếng của làng Nguyễn chúng tôi được chị Nguyễn Thị Hoa, chủ cơ sở cho biết: Gia đình chị kế thừa nghề làm bánh cáy từ nhiều năm nay. Trước đây, cơ sở sản xuất ở trong làng nhưng do nguồn điện không ổn định nên từ năm 2011, gia đình đã chuyển ra Cụm công nghiệp Nguyên Xá để sản xuất.

Nhờ nguồn điện ổn định nên việc sản xuất thuận lợi hơn. Tình trạng cắt điện đột xuất hay điện yếu không còn diễn ra góp phần giúp cơ sở bảo đảm năng suất, chất lượng sản phẩm. Không chỉ mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình, cơ sở còn tạo việc làm thường xuyên cho 50 lao động, thu nhập trung bình từ 2 - 3 triệu đồng/người/tháng. Với người dân, khi đời sống vật chất đã đủ đầy thì nhu cầu hưởng thụ ngày càng tăng. Nếu như chỉ vài ba năm về trước, các thiết bị sinh hoạt hiện đại như: tủ lạnh, máy giặt, điều hòa, bình nóng lạnh… không thể dùng được do điện quá yếu thì nay đó là các vật dụng được sử dụng hàng ngày của nhiều gia đình. Chị Trần Thị Liên, thôn Trần Phú chia sẻ: Từ năm 2011 đến nay tình trạng cắt điện hầu như không còn nên mọi sinh hoạt trong gia đình cũng thuận lợi hơn. Các cháu không còn phải học dưới những ngọn nến, việc bơm nước, xát gạo cũng dễ dàng, chủ động hơn.

Chủ tịch UBND xã Nguyễn Tiến Vững  cho biết: Trước đây, hệ thống lưới điện hạ áp nông thôn của Nguyên Xá do xã quản lý, nhưng sau hơn 30 năm xây dựng không được đầu tư cải tạo, sửa chữa, nâng cấp nên lưới điện ngày càng xuống cấp, cũ nát, chắp vá, thiếu an toàn, tỷ lệ tổn thất cao gần 30%; chất lượng điện năng không ổn định, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng trong sinh hoạt, nhất là sản xuất kinh doanh của người dân.

Vì vậy, năm 2009, xã đã bàn giao hệ thống lưới điện hạ áp nông thôn cho ngành điện quản lý. Ngay sau khi tiếp nhận, Ðiện lực Ðông Hưng đã tranh thủ mọi nguồn vốn đầu tư nâng cấp, cải tạo lưới điện trên địa bàn toàn xã. Với đầu tư hơn 4 tỷ đồng, từ hệ thống hòm công tơ, dây dẫn đến các cột điện bê tông, đặc biệt xây dựng thêm trạm biến áp để giảm bán kính cấp điện và chống quá tải bằng nguồn vốn của ngành điện và của Ngân hàng Thế giới đã góp phần đưa tỷ lệ tổn thất điện năng của Nguyên Xá từ gần 30% xuống còn 10%.

Cũng chính nhờ sự đầu tư lớn của ngành điện, trong thời gian ngắn, hệ thống lưới điện xã Nguyên Xá đã đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và là một trong những tiêu chí địa phương hoàn thành sớm nhất trong quá trình xây dựng NTM. Hiện, Ðiện lực Ðông Hưng đang quản lý hệ thống lưới điện hạ áp xã Nguyên Xá với 15km đường dây hạ thế, 5 máy biến áp phục vụ dân sinh, 1 máy biến áp phục vụ sản xuất kinh doanh, bán điện trực tiếp đến hộ gia đình cho gần 2.500 khách hàng, trong đó trên 300 khách hàng kinh doanh.

Cũng theo ông Nguyễn Tiến Vững, Chủ tịch UBND xã thì việc cải thiện chất lượng điện đã góp phần đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy an sinh xã hội, thực hiện cơ khí hóa ngành nghề và chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng “ly nông bất ly hương”. Tỷ trọng giá trị sản xuất, tiểu thủ công nghiệp của Nguyên Xá tăng lên trên 40%, nông nghiệp từ chỗ chiếm tỷ trọng lớn nay giảm còn 22%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2013 đạt trên 22 triệu đồng/người/năm, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao.

Với sự đồng thuận, chung sức đồng lòng của cán bộ, chính quyền và nhân dân, Nguyên Xá quyết tâm phấn đấu hoàn thành các tiêu chí còn lại và sẽ cán đích xã NTM trong năm 2015.

Minh Nguyệt

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày