Thứ 2, 25/11/2024, 13:26[GMT+7]

Xây dựng thí điểm mô hình cánh đồng mẫu Cơ bản chưa đạt theo tiêu chí đề ra

Thứ 5, 27/03/2014 | 08:35:11
1,470 lượt xem
Sau hơn 1 năm triển khai, tổ chức thực hiện, đến nay các mô hình cánh đồng mẫu của tỉnh, huyện, thành phố đã có những chuyển biến so với hình thức sản xuất trước đây. Tuy nhiên, cơ bản các mô hình vẫn chưa đạt theo tiêu chí của cánh đồng mẫu đề ra.

Mô hình cánh đồng mẫu tại xã Tây Đô (Hưng Hà).

 

Ngày 1/8/2012, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1753/QÐ-UBND phê duyệt Ðề án “Xây dựng thí điểm mô hình cánh đồng mẫu” trong tỉnh. Theo đó, tỉnh đã hỗ trợ trên 20 tỷ đồng cho 8/9 xã được lựa chọn làm mô hình điểm của tỉnh. Ngoài các mô hình điểm của tỉnh, các huyện, thành phố đã xây dựng nhiều mô hình cánh đồng mẫu của địa phương mình. Sau hơn 1 năm triển khai, tổ chức thực hiện, đến nay các mô hình cánh đồng mẫu của tỉnh, huyện, thành phố đã có những chuyển biến so với hình thức sản xuất trước đây. Tuy nhiên, cơ bản các mô hình vẫn chưa đạt theo tiêu chí của cánh đồng mẫu đề ra.

 

Nỗ lực xây dựng mô hình cánh đồng mẫu

 

Ðể thực hiện xây dựng mô hình cánh đồng mẫu của tỉnh có hiệu quả, UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phân công phòng, đơn vị trực tiếp chỉ đạo các xã xây dựng thí điểm mô hình cánh đồng mẫu. Ngay sau khi các xã hoàn thành phương án xây dựng cánh đồng mẫu, UBND tỉnh đã có quyết định phân bổ chi tiết kế hoạch vốn hỗ trợ, với số tiền là 20.614,53 triệu đồng để xây dựng đường giao thông nội đồng trục chính, kiên cố kênh mương, trạm bơm.

 

Cùng với sự hỗ trợ của tỉnh, nông dân trong vùng sản xuất cánh đồng mẫu đã góp tiền, công sức để đào đắp hàng nghìn m3 đất, xây dựng hàng chục cống đập... Ngoài ra, một số xã còn có sự tham gia của các doanh nghiệp như xã Ðông Quý (Tiền Hải) được Công ty cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình hỗ trợ trên 500 triệu đồng xây nhà kho chứa thóc giống; xã Quỳnh Hải được dự án JICA hỗ trợ 6 thùng chứa vỏ thuốc bảo vệ thực vật trị giá 60 triệu đồng và phân tích toàn bộ mẫu đất, nước tưới cho 100 ha trị giá 40 triệu đồng. Với sự hỗ trợ của tỉnh, doanh nghiệp và nông dân đóng góp xây dựng các hạng mục công trình phục vụ cánh đồng mẫu, các xã đã bắt tay vào xây dựng, đề xuất công thức luân canh.

Nông dân xã Trọng Quan (Ðông Hưng) chăm sóc khoai tây trên mô hình cánh đồng mẫu của tỉnh.

Năm 2013, 9 mô hình cánh đồng mẫu của tỉnh với diện tích sản xuất là 669,53 ha, trong đó cánh đồng mẫu lúa 429,33 ha ở 6 xã và 240,2 ha sản xuất chuyên cây màu ở 3 xã. Các cánh đồng mẫu lúa thực hiện công thức luân canh gồm 2 vụ lúa giống chất lượng và một vụ đông; cánh đồng màu sản xuất 3 - 4 vụ/năm, bằng các loại cây trồng như ngô lai, đậu tương, bí xanh, hành hoa, su hào, ớt. Ngoài 9 mô hình cánh đồng mẫu của tỉnh, các huyện, thành phố đã xây dựng nhiều mô hình cánh đồng mẫu cấp cơ sở. Vụ xuân 2013, có 5 huyện triển khai xây dựng 38 mô hình, với tổng diện tích là 1.789,28 ha; trong đó có 13 mô hình sản xuất giống lúa Nhật ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm ngay ở đầu vụ. Từ kinh nghiệm sản xuất ở vụ xuân, đến vụ mùa, vụ đông, các huyện, thành phố đã mở nhiều cuộc hội thảo, kêu gọi doanh nghiệp liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Do đó, 35 mô hình ở vụ mùa của 31 xã đã có 25 xã có đơn vị ký kết bao tiêu sản phẩm, tăng gần 2 lần so với vụ xuân...

 

Chuyển biến bước đầu

 

Mặc dù xây dựng mô hình điểm cánh đồng mẫu mới được hơn 1 năm, song những kết quả bước đầu đã khẳng định chủ trương của tỉnh là đúng, hướng đi tất yếu, lâu dài để chuyển nhanh nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa tập trung. Năm 2013, kết quả sản xuất trên các cánh đồng mẫu của tỉnh cho thấy, xã Trọng Quan (Ðông Hưng) vượt 43,27% so với kế hoạch của xã, 79,08% so với tiêu chí của tỉnh; xã Quỳnh Hải vượt 19,2% so với kế hoạch của xã, 58,93% so với tiêu chí của tỉnh... Nhìn chung, trong các mô hình cánh đồng mẫu lúa thực hiện công thức luân canh 3 vụ đều cho giá trị trên 120 triệu đồng/ha/năm; các mô hình sản xuất 2 vụ lúa đạt cao nhất là 90 triệu đồng/ha/năm.

 

Ðối với cánh đồng mẫu chuyên rau màu giá trị đạt trên 400 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận đạt trên 250 triệu đồng/ha/năm. Ðiển hình như mô hình chuyên rau màu của xã Quỳnh Hải giá trị đạt 476,8 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận đạt 342,65 triệu đồng/ha/năm; mô hình thuốc lào - dưa lê - lúa - hành, tỏi của xã Thụy An giá trị đạt 415,6 triệu đồng, lợi nhuận 248,70 triệu đồng/ha/năm. Chất lượng sản phẩm trên cánh đồng mẫu cũng có sự chuyển biến đáng kể, như vùng sản xuất lúa, ngô đều sử dụng giống tốt, gọn vùng nên độ lẫn tạp của sản phẩm giảm đi nhiều, thuận lợi cho thu mua sản phẩm; các cánh đồng rau màu, nông dân được tập huấn nhiều về rau an toàn nên ý thức của cán bộ, nhân dân tham gia thực hiện trong cánh đồng mẫu được nâng lên

 

Nhưng sản xuất chưa theo kế hoạch

 

Nhìn chung cơ cấu cây trồng ở các mô hình cánh đồng mẫu đều có sự thay đổi công thức luân canh so với kế hoạch đề ra. Cụ thể, xã Vũ Lạc (Thành phố Thái Bình) không thực hiện được cánh đồng mẫu rau màu như trong đề án sản xuất, phải chuyển sang cánh đồng mẫu lúa; trong đó chỉ có 27,22 ha thực hiện sản xuất 3 vụ (2 vụ lúa, 1 vụ màu), còn 22,78 ha sản xuất 2 vụ lúa. Hay trong các xã thực hiện cánh đồng mẫu lúa như An Mỹ (Quỳnh Phụ), Nguyên Xá (Vũ Thư), Ðông Quý (Tiền Hải) ngoài 2 vụ lúa, diện tích cây vụ đông chưa đạt được 50% diện tích. Ðồng thời cơ cấu giống lúa ở một số xã cũng không thực hiện theo đúng kế hoạch như xã Vũ Hòa (Kiến Xương) phải thay đổi giống lúa ở vụ mùa; một số xã sản xuất lúa giống cũng không thực hiện được cả vùng, còn một phần diện tích cấy lúa thương phẩm. Hay như xã Hồng Minh (Hưng Hà) hoàn toàn không thực hiện được công thức luân canh như trong kế hoạch đề ra, có 6 ha sản xuất 2 vụ bí, 20 ha sản xuất ngô giống vụ xuân, vụ đông gieo trồng ngô thương phẩm, diện tích còn lại sản xuất theo công thức luân canh cũ.

 

Nguyên nhân các xã không thực hiện được so với kế hoạch và tiêu chí của tỉnh đề ra là do xây dựng cánh đồng mẫu quá lớn, vượt năng lực quản lý; một số xã làm mô hình cánh đồng mẫu lúa chưa chú trọng nhiều đến sản xuất vụ đông từ đầu năm nên đến thời vụ rất bị động; khi xây kế hoạch chưa tính toán hết, hoặc không lường trước được những khó khăn vướng mắc; nhiều hộ nông dân chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa của việc tham gia xây dựng mô hình cánh đồng mẫu. Cánh đồng mẫu của các huyện, thành phố hầu hết mới thực hiện được 1 vụ/năm theo tiêu chí, do đó về thực chất chưa thể gọi là cánh đồng mẫu.

 

Với thực trạng trên, thiết nghĩ để xây dựng thành công mô hình cánh đồng mẫu trước hết phải bảo đảm sự ổn định, bền vững, do đó khi xây dựng phải có sự vào cuộc của tất cả các cấp, ngành, đoàn thể. Một thực tế lâu nay là các địa phương thường quy hoạch để tạo ra sản phẩm, rồi mới tính đến chuyện tìm kiếm thị trường tiêu thụ, do đó cần phải đổi mới công tác quy hoạch trong sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, khi quy hoạch cần phải trả lời các câu hỏi là trồng cây gì, bán cho ai, bán như thế nào? Các địa phương không thể cắt khúc giữa quy hoạch sản xuất và thị trường tiêu thụ. Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ HTX DVNN để nâng cao năng lực quản trị, đủ sức huy động nguồn lực từ xã viên, doanh nghiệp và vốn tín dụng, bảo đảm đa dạng hóa dịch vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động... có như vậy mới xây dựng thành công cánh đồng mẫu theo tiêu chí đề ra.

            Nguyên Bình

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày