Chủ nhật, 22/12/2024, 17:21[GMT+7]

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” Góp phần xây dựng nông thôn mới

Thứ 7, 03/05/2014 | 15:46:22
1,658 lượt xem
Thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Bình đã tổ chức hội nghị phát động thi đua trong toàn ngành, xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, coi nhiệm vụ nâng cao chất lượng hưởng thụ văn hóa của nhân dân vùng nông thôn là mục đích cốt lõi, xuyên suốt của phong trào thi đua góp phần xây dựng nông

Biểu diễn võ thuật tại Ngày hội Văn hóa, Thể thao truyền thống 14/10.

 

Thực hiện Ðề án “Phát triển văn hóa nông thôn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, và sau 4 năm triển khai Quyết định 02/2009/QÐ-UBND ngày 18/3/2009 của UBND tỉnh quyết định ban hành Quy định về thực hiện nếp sống văn hóa trên địa bàn tỉnh (nay là Quyết định 17/2012/QÐ-UBND ngày 20/11/2012 của UBND tỉnh Quy định về thực hiện nếp sống văn hóa trên địa bàn tỉnh Thái Bình), phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của tỉnh đã góp phần tích cực, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong tỉnh, đặc biệt là vùng nông thôn.

 

Công tác xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội được quan tâm chỉ đạo, quản lý và hướng dẫn thực hiện khá hiệu quả. Các hủ tục lạc hậu trong việc cưới, tang, lễ hội cơ bản được xóa bỏ, thay vào đó là các phong tục, tập quán truyền thống tốt đẹp của dân tộc được phát huy, góp phần giảm bớt những “tục lệ” nặng nề trong cưới hỏi ở vùng nông thôn.

 

Việc tổ chức và quản lý lễ hội trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều giá trị văn hóa truyền thống dân gian được phát huy và bảo tồn, các di tích lịch sử - văn hóa thường xuyên được đầu tư, tôn tạo, góp phần đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng và tôn giáo của nhân dân, đồng thời giáo dục tình yêu quê hương đất nước, tưởng nhớ công đức ông cha, các bậc tiền nhân trong lịch sử dựng nước và giữ nước.

 

Phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã nâng cao cả về chất lượng và số lượng, bình quân mỗi năm tăng từ 1,5% - 2% hộ gia đình văn hóa (năm 2012 tỷ lệ gia đình văn hóa của tỉnh là 78%); nhiều  gia đình văn hóa ở nông thôn vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng từ sản xuất nông nghiệp hàng hóa và dịch vụ; nhận thức của người dân về vai trò của văn hóa gia đình được nâng lên, các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam tiếp tục được giữ gìn và phát huy.

 

Phong trào xây dựng thôn, làng văn hóa trong những năm qua ở Thái Bình đã có những bước phát triển mới. Nhiều điểm sáng về văn hóa và mô hình “làng văn hóa” ở nông thôn Thái Bình được nhân rộng và phổ biến trên toàn quốc. Tại hội nghị đánh giá 20 năm triển khai, thực hiện phong trào xây dựng làng văn hóa tổ chức tại Thái Bình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã khẳng định thực tế cho thấy những địa phương nào quan tâm chỉ đạo, đầu tư và duy trì phát triển bền vững phong trào xây dựng thôn (làng) văn hóa ở nơi đó diện mạo thôn (làng) thay đổi nhanh chóng, đời sống kinh tế hộ gia đình ổn định và phát triển, trật tự an ninh được đảm bảo, pháp lệnh dân chủ ở cơ sở được thực hiện, tệ nạn xã hội giảm đáng kể, tình làng nghĩa xóm được tăng cường, các phong trào thi đua được đẩy mạnh. Phong trào “Từ thiện nhân đạo”, “Ðền ơn đáp nghĩa” được phát huy và mang lại ý nghĩa xã hội to lớn, tinh  thần đoàn kết xóm làng được nâng lên, công tác vệ sinh bảo vệ môi trường được quan tâm, đường làng ngõ xóm sạch sẽ, bộ mặt nông thôn từng ngày thay da đổi thịt.

 

Tiếp nối phong trào xây dựng thôn (làng) văn hóa, năm 2012 là năm đầu tiên triển khai phong trào xây dựng “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”. Năm 2013, toàn tỉnh có 20% số xã đạt danh hiệu “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”. Ðây có thể nói là khâu đột phá trong xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn, trên cơ sở đẩy mạnh và nâng cao chất lượng gia đình văn hóa, thôn (làng) văn hóa một cách bền vững với những nội dung phù hợp và thực tế với đời sống nông thôn; xây dựng phong trào giúp nhau phát triển kinh tế và làm giàu chính đáng; từng bước nâng cao chất lượng xây dựng gia đình văn hóa, thôn (làng) văn hóa; tập trung nguồn lực xây dựng các thiết chế và phong trào văn hóa, thể thao ở cơ sở; xây dựng môi trường văn hóa nông thôn lành mạnh; đoàn kết thi đua tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới.

 

Tuy nhiên, những kết quả đạt được vẫn còn ở mức khiêm tốn. Việc gắn kết giữa Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với cuộc vận động xây dựng nông thôn mới trong tỉnh cần có những bước phát triển, tạo kết quả nổi bật, rõ nét hơn nữa. Ðể thực hiện được mục tiêu này, cần có những giải pháp cụ thể.

 

Trước hết, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, góp phần nâng cao nhận thức của người dân nông thôn về vai trò quan trọng của công tác xây dựng nếp sống văn hóa, môi trường văn hóa nông thôn. Các cấp ủy, chính quyền cần đưa mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa nông thôn vào Nghị quyết của Ðảng, vào quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết trong Ðề án xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa, thôn (làng) văn hóa. Cần quan tâm phát động phong trào thi đua “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, coi nhiệm vụ này là nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng văn hóa nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Cần đầu tư, huy động, vận động sức dân đóng góp ngày công lao động, tiền của để thực hiện mục tiêu xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao xã, thôn.

 

Phát triển văn hóa nông thôn là một nhiệm vụ quan trọng cùng với phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đẩy lùi các hủ tục lạc hậu; phòng, chống “Diễn biến hòa bình” trên mặt trận tư tưởng, văn hóa là nhiệm vụ cấp bách của các cấp ủy Ðảng và chính quyền. Vì vậy, đẩy mạnh và vận động toàn dân tích cực tham gia Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là giải pháp lớn, có ý  nghĩa thiết thực góp phần xây dựng thành công nông thôn mới ở Thái Bình.

Nguyễn Cường

 

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày