Xây dựng nông thôn mới Dấu ấn trên những chặng đường
Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, hòa bình lập lại, Thái Bình bắt tay vào khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Xuất phát điểm là tỉnh nông nghiệp lạc hậu, đa số người dân sinh sống ở vùng nông thôn, điều kiện nghèo khó, cơ sở vật chất bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh, mọi việc đối với Thái Bình lúc này đều bắt đầu từ con số không.
Trong điều kiện đó, Đảng bộ tỉnh xác định phải lấy nông nghiệp làm trọng tâm, sản xuất lương thực, thực phẩm là hàng đầu để thực hiện đồng thời các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở hậu phương, phục vụ chiến đấu và chi viện cho chiến trường miền Nam. Toàn tỉnh đã hoàn thành cải cách ruộng đất và chia ruộng cho dân cày. Đây cũng là chủ trương quan trọng, điều kiện căn bản cải thiện dân sinh, trước tiên cho nông dân, tạo bước đột phá thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn sau này. Từ thân phận nô lệ, bị thực dân phong kiến bóc lột, giờ người nông dân được làm chủ cuộc đời, làm chủ ruộng đồng.
Ở mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ, Thái Bình phát động các phong trào thi đua yêu nước động viên, khích lệ nông dân tích cực lao động sản xuất, đầu tư xây dựng, cải tạo các công trình thủy lợi, tổ chức hợp lý các mô hình sản xuất ở nông thôn… góp phần đưa năng suất lúa, tổng sản lượng lương thực của tỉnh không ngừng tăng trưởng, đạt nhiều kỷ lục năng suất toàn miền Bắc.
Nếu như từ năm 1955 trở về trước, năng suất lúa của Thái Bình mới đạt trên dưới 3 tấn/ha, tổng sản lượng khoảng trên dưới 30 vạn tấn, đến năm 1974 năng suất lúa đạt hơn 7 tấn/ha, tổng sản lượng đạt trên 55 vạn tấn. Đến năm 2000, năng suất lúa toàn tỉnh đạt trên 12,1 tấn/ha, 6 năm liên tục (1995 - 2000) Thái Bình đạt mục tiêu 1 triệu tấn lương thực/năm. Cùng với cây lúa, người dân tận dụng mọi lợi thế phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản nên đời sống từng bước được cải thiện, số hộ đói nghèo giảm, hộ giàu và hộ khá tăng lên.
Về cơ sở hạ tầng nông thôn, ở thời điểm 1954 Thái Bình hầu như không có gì. Nhưng ngay trong những năm 1966 - 1975, mặc dù có chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ nhưng tỉnh vẫn dồn sức xây dựng 2 hệ thống đường dây tải điện, hàng chục trạm biến thế. Từ năm 1965 - 1973, toàn tỉnh làm mới, nâng cấp được 20.000km đường giao thông, đã làm thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn nghèo nàn và lạc hậu trước đây.
Đến cuối năm 1998, 100% xã trong tỉnh có điện phục vụ sản xuất, 97,6% hộ có điện phục vụ sinh hoạt, 100% số xã có đường đá láng nhựa, có điện thoại, hầu hết các trường học, trạm xá đã xây dựng kiên cố, hệ thống thủy lợi tiếp tục được đầu tư hoàn thiện đưa Thái Bình vươn lên dẫn đầu cả nước về xây dựng điện - đường - trường - trạm. Người dân đầu tư xây dựng nhà lợp ngói, mái bằng kiên cố thay cho nhà tranh, vách đất trước đây.
Nếu như trước năm 1945 hầu hết người dân Thái Bình mù chữ nhưng chỉ sau vài năm hòa bình lập lại, học sinh theo học, tốt nghiệp các bậc học tăng nhanh góp phần quan trọng tăng cường đội ngũ lao động có kiến thức, kỹ thuật cho tỉnh. Đến nay, Thái Bình là một trong 5 tỉnh, thành phố đầu tiên trong cả nước được công nhận đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; giữ vững và nâng cao kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và THCS.
Lĩnh vực văn hóa - thông tin cũng được quan tâm đầu tư, phong trào xây dựng làng, xã văn hóa được phát động sâu rộng không chỉ phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội mà còn củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm, bài trừ các hủ tục lạc hậu, ngăn chặn các tệ nạn xã hội… góp phần xây dựng những con người mới ở vùng nông thôn mới.
Phát huy những thành tựu đã đạt được, 3 năm qua, Thái Bình dồn mọi nỗ lực thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. So chặng đường trước, xây dựng nông thôn mới lần này thực sự là một cuộc "cách mạng" bài bản, toàn diện để người dân nông thôn có cuộc sống sung túc, xóm làng văn minh, hiện đại, quản lý dân chủ.
Chưa lúc nào công tác tuyên truyền xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh như bây giờ, các phong trào thi đua nhận được sự hưởng ứng tích cực, nhiệt tình của người dân đến vậy. Đến nay, 100% xã hoàn thành lập và phê duyệt quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết giao thông thủy lợi nội đồng và khu trung tâm xã. Đến hết năm 2013, 96% xã đã hoàn thành dồn điền đổi thửa, những xã còn lại cơ bản hoàn thành, sau dồn điền đổi thửa bình quân mỗi hộ còn 1,79 thửa đã tạo điều kiện căn bản đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng.
Năm 2013, toàn tỉnh xây dựng 210 cánh đồng mẫu với diện tích gần 10.000 ha, góp phần giảm chi phí, tăng thu nhập cho nông dân. Năng suất lúa bình quân đạt trên 13 tấn/ha, sản lượng thóc đạt trên 1 triệu tấn/năm, diện tích cây vụ đông đạt gần 40 nghìn ha. Bà con tích cực góp công, góp sức đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh. 3 năm qua, toàn tỉnh đào đắp 17.662.511m3 bờ vùng bờ thửa, nạo vét hàng nghìn km kênh mương, sông ngòi, cứng hóa 808,8km kênh mương; xây mới, chỉnh trang, cải tạo, nâng cấp 1.898,8km đường giao thông nội đồng và giao thông nông thôn, 28 trạm bơm, 248 cống đập, 20 trạm cấp nước sạch, 40 trường THCS, tiểu học, mầm non, 27 nhà văn hóa xã, 851 nhà văn hóa thôn, 170 trạm y tế, 20 bãi xử lý rác thải, 44 chợ nông thôn; hoàn thành nâng cấp lưới điện nông thôn cho 99 xã.
Đặc biệt, từ cuối năm 2013, tỉnh thực hiện chính sách hỗ trợ xi măng cho các địa phương xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn đã thực sự tạo phong trào "nhà nhà làm đường" ở khắp các thôn, làng. Từ tháng 11/2013 đến ngày 11/4/2014, toàn tỉnh đã cấp được 305.161,95 tấn xi măng cho 258 xã, thị trấn làm mới 219km đường nội đồng, 351 km đường trục thôn, 473km đường nhánh cấp 1 trục thôn, hàng chục km đường trục xã và trên 150km kênh mương.
Trong 3 năm, tổng nguồn vốn ngân sách đầu tư cho nông nghiệp - nông thôn đạt 3.171,118 tỷ đồng, nhân dân đã đóng góp 506 tỷ đồng, 2.012,5 ha đất thực hiện dồn điền đổi thửa, đào đắp giao thông thủy lợi nội đồng, làm đường giao thông, xây dựng các công trình phúc lợi. Hết năm 2013, Thái Bình có 14 xã cơ bản đạt 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, 34 xã đạt 15 - 17 tiêu chí, 163 xã đạt 10 -14 tiêu chí, còn lại 52 xã đạt dưới 10 tiêu chí.
Điểm nhấn quan trọng trong xây dựng nông thôn mới ở Thái Bình thời gian qua không đơn thuần đầu tư xây dựng cơ sở vật chất mà đã chú trọng đến các lĩnh vực văn hóa - xã hội. Trong đó, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" được gắn kết chặt chẽ với phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới". Đến nay, toàn tỉnh có 83 xã đạt tiêu chuẩn xã văn hóa nông thôn mới, 876/1.622 thôn, làng (chiếm 53%) đạt danh hiệu thôn, làng văn hóa.
Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đa dạng hóa hình thức tập hợp quần chúng thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, chăm lo đời sống cho đối tượng chính sách, người nghèo, tham gia các hoạt động nhân đạo từ thiện, giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở... góp phần quan trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Đến năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 4,55%, giảm 3,29% so với năm 2010; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 1,9 triệu đồng/khẩu/tháng, tăng 1,6 lần so với năm 2010.
Nhìn lại 60 năm chặng đường đã qua, người dân Thái Bình tự hào về những thành tựu đã đạt được. Nhiều bậc cao niên chia sẻ: nhờ có Bác Hồ, công cuộc đổi mới và sự nỗ lực đoàn kết của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh mà cuộc sống của người dân nông thôn giờ đã sướng gấp trăm lần xưa kia. Với hướng đi, cách làm sáng tạo như hiện nay, tin rằng Thái Bình sẽ trở thành tỉnh nông thôn mới như đã định và sớm thực hiện được mục tiêu người dân ai cũng có cuộc sống ấm no và hạnh phúc.
Mạnh Cường
Tin cùng chuyên mục
- Thụy Duyên: Nỗ lực xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu 30.09.2024 | 10:18 AM
- Đoàn công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh thăm mô hình nông thôn mới kiểu mẫu tại xã An Thái 22.06.2024 | 18:06 PM
- Giám sát chuyên đề về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tại Kiến Xương 12.06.2024 | 19:14 PM
- Vũ Thư: Lắp đặt thêm 23,7 km đèn điện “thắp sáng đường quê” 04.04.2024 | 15:54 PM
- Vũ Thư: Phấn đấu 8 xã về đích NTM nâng cao năm 2024 29.03.2024 | 15:30 PM
- Phiên họp thứ 5 Ban Chỉ đạo trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 08.03.2024 | 16:17 PM
- Đánh giá, xác nhận các xã An Ninh, Đông Hoàng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao 24.01.2024 | 15:56 PM
- An Thái: Xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh 11.12.2023 | 08:13 AM
- Nửa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấpXây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng văn minh, hiện đại gắn với đô thị hóa 14.11.2023 | 08:48 AM
- Liên Hiệp: Nỗ lực xây dựng nông thôn mới nâng cao 10.11.2023 | 09:32 AM
Xem tin theo ngày
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh
- Nhân lên truyền thống “tôn sư, trọng đạo”
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng cán bộ làm công tác mặt trận nhân ngày truyền thống MTTQ Việt Nam