Chủ nhật, 24/11/2024, 12:10[GMT+7]

Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới ở Tiền Hải

Thứ 2, 09/06/2014 | 08:57:23
2,300 lượt xem
Sau gần 4 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Tiền Hải, đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt, diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi với những con đường giao thông được bê tông hóa, thôn làng sạch đẹp hơn, hệ thống kênh mương thủy lợi được kiên cố hóa, cơ sở hạ tầng y tế, văn hóa, giáo dục được cải thiện.

Làm đường giao thông ở xã Đông Quý (Tiền Hải).

 

Chúng tôi về thăm xã Nam Cường, là 1 trong 4 xã của huyện Tiền Hải đã “cán đích” nông thôn mới năm 2013. Tiếp chúng tôi, đồng chí Hoàng Văn Sang, Chủ tịch UBND xã vui vẻ cho biết: Khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, Nam Cường xác định phải tập trung mọi nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn và chuyển dịch nhanh, mạnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Do vậy, Ðảng ủy đã ra nghị quyết lãnh đạo, UBND xã đã xây dựng kế hoạch triển khai, ban hành cơ chế hỗ trợ xây dựng nông thôn mới. Phong trào làm đường giao thông nông thôn, xây dựng cơ sở vật chất văn hóa, trường học, y tế... đã được đông đảo nhân dân trong xã nhiệt tình hưởng ứng, tạo ra hiệu ứng lan tỏa rộng khắp. Tổng nguồn vốn huy động từ nhân dân đạt trên 4 tỷ đồng và 5.000 ngày công.

 

Cùng với đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, Nam Cường tập trung chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Xác định công tác dồn điền đổi thửa là khâu quan trọng năm 2011 xã hoàn thành dồn đổi gắn với chỉnh trang đồng ruộng, giảm còn bình quân 1,02 thửa/hộ.

 

Cùng với việc chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ, Nam Cường còn quy vùng nuôi trồng thủy sản, toàn xã có 130ha với 505 hộ nuôi trồng. Về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, Nam Cường đã quy hoạch được 1 cụm công nghiệp thu hút một số cơ sở sản xuất vào đầu tư như: Sản xuất đồ nhựa Vinh Sinh, sản xuất VLXD Thái Ngân… giúp xã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. Sau 3 năm thực hiện xây dựng NTM, thu nhập của người dân tăng khá nhanh, đến nay bình quân đạt 23 triệu đồng/người/năm.

 

Ðến nay, Tiền Hải có Nam Cường, An Ninh, Tây Giang, Nam Thắng là xã nông thôn mới, ngoài ra 7 xã đạt từ 15 đến 17 tiêu chí, 7 xã đạt 14/19 tiêu chí và 16 xã đạt từ 8 - 13 tiêu chí nông thôn mới. Ðặc biệt, năm nay, có 13 xã đăng ký về đích nông thôn mới, trong đó 6 xã được duyệt phân bổ vốn hỗ trợ của cấp trên là Tây An, Vũ Lăng, Vân Trường, Tây Ninh, Ðông Trà, Nam Thịnh để trở thành xã nông thôn mới theo kế hoạch đề ra.

 

Làm đường giao thông ở xã Ðông Xuyên (Tiền Hải).

 

Ðể phát triển kinh tế theo hướng bền vững hỗ trợ các xã hoàn thành các tiêu chí, Tiền Hải đẩy mạnh phát triển các cụm công nghiệp; chuyển đổi những vùng cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, xây dựng, phát triển nhiều trang trại, gia trại. Toàn huyện có 2.048 trang trại, gia trại; 27 làng nghề sản xuất kinh doanh có hiệu quả, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế của Tiền Hải năm 2013 đạt 12%.

 

Về sự nghiệp y tế, giáo dục, 100% số xã đạt phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi, giữ vững phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở; có 67/102 trường đạt chuẩn quốc gia, 19/35 xã đạt chuẩn quốc gia y tế cơ sở. Hoạt động văn hóa văn nghệ được duy trì phát triển rộng khắp; việc cưới, việc tang đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hệ thống chính trị ổn định, có 70% tổ chức cơ sở đảng và 60% chính quyền xã đạt trong sạch vững mạnh.

 

Trong suốt thời gian qua, xây dựng nông thôn mới đã có nhiều công trình được xây dựng từ chính nguồn vốn đóng góp của nhân dân. Trong đó, phải kể đến việc người dân góp đất để làm các dự án giao thông, thủy lợi nội đồng, đường làng ngõ xóm, xây dựng trường học. Ðến nay nhân dân trong huyện đã tự nguyện đóng góp để xây dựng nông thôn mới trên 14.000 ngày công, hiến 62.000m2 đất, trên 254 tỷ đồng. Ðáng chú ý, nhờ tích cực vận động tuyên truyền, nhiều con em của quê hương sống ở mọi miền Tổ quốc đã đóng góp ủng hộ trên 17 tỷ đồng...

 

Nói về kinh nghiệm bước đầu trong quá trình triển khai Chương trình xây dựng NTM tại các địa phương trong huyện, đồng chí Trần Minh Tiến, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tiền Hải cho biết: Ðể triển khai Chương trình xây dựng NTM đạt hiệu quả cao, Tiền Hải xác định công tác tuyên truyền là khâu then chốt, phải làm sâu rộng để nâng cao nhận thức trong nhân dân trên địa bàn huyện về nội dung, phương pháp, cách làm, cơ chế chính sách của Nhà nước về xây dựng NTM. Tiếp đó, xây dựng NTM cần có sự tập trung chỉ đạo cụ thể, liên tục, đồng bộ và huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ huyện đến tận thôn; phải coi trọng công tác xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ nòng cốt ở các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ cơ sở xã, thôn; đối với cấp xã phải có cách làm chủ động, sáng tạo, phù hợp với điều kiện và đặc điểm của từng xã, tránh rập khuôn, máy móc. Ðồng thời, xác định nguồn vốn xây dựng nông thôn mới là rất lớn, do vậy, cần phải đa dạng hóa việc huy động nguồn lực để xây dựng NTM theo phương châm “Huy động nguồn lực xã hội hóa là quan trọng, sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là cần thiết”.

 

Ðặc biệt, trong quá trình triển khai tại các xã phải luôn bảo đảm sự công khai, minh bạch, tuân thủ chủ trương “dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Ngoài tuyên truyền dưới nhiều hình thức, Tiền Hải còn đẩy mạnh các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”; cuộc vận động vì người nghèo; phong trào thi đua “Chùa cảnh 4 gương mẫu; xứ họ đạo gương mẫu”... từ đó củng cố thêm niềm tin để mọi tầng lớp nhân dân xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân cùng nhau xây dựng nông thôn mới vững chắc.

 

Thời gian tới, trên cơ sở những kết quả đã đạt được và những bài học kinh nghiệm đã có, Tiền Hải phát huy tối đa các nguồn lực, sớm đưa Chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện về đích.

                     Mạnh Thắng

 

 

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày