Sau 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới toàn quốc Bộ mặt nông thôn đổi mới, đời sống nông dân cải thiện rõ rệt
Ngày 16 tháng 5 năm 2014, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì Hội nghị sơ kết 03 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới toàn quốc. Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng ban Chỉ đạo và thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các đồng chí cố vấn của Ban Chỉ đạo, Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, các Bộ, ngành, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, Lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Văn phòng Ðiều phối cấp tỉnh và đại diện tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới".
Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2014 và phương hướng, nhiệm vụ đến năm 2015, ý kiến tham luận của các đại biểu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận như sau:
I. Đánh giá chung
Xây dựng nông thôn mới là giải pháp chủ yếu, quan trọng và có tính chiến lược để thực hiện thành công Nghị quyết 26-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa X về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân của Ðảng, nhà nước, đã được nhân dân đồng tình và hưởng ứng tích cực.
Trong 03 năm qua, Chính phủ cùng các Bộ, ngành, các cấp ủy, chính quyền cùng cả hệ thống chính trị và đông đảo nhân dân đã chung vai, góp sức thực hiện Chương trình và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, rất vui mừng và trân trọng; tạo nên nhiều chuyển biến mới trong nông nghiệp, bộ mặt nông thôn được đổi mới, đời sống nông dân được nâng lên. Nông nghiệp, giữ được mức tăng trưởng ổn định, phát triển tương đối toàn diện; năng suất, chất lượng nhiều loại cây trồng vật nuôi được nâng lên; sản xuất tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo đạt được nhiều tiến bộ; đã xuất hiện nhiều mô hình liên kết sản xuất hiệu quả dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ.
Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào quần chúng sôi nổi và tương đối đều khắp trong cả nước; bộ máy chỉ đạo thực hiện từ Trung ương đến cơ sở được tổ chức thống nhất, đồng bộ. Các cơ chế chính sách được ban hành khá đồng bộ và kịp thời. Nhận thức về Chương trình từ các cấp ủy, chính quyền đến người dân được nâng cao; công tác quy hoạch, lập đề án xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội có chuyển biến rõ rệt.
Nguồn lực đầu tư cho Chương trình ngày càng tăng, mặc dù ngân sách Trung ương hỗ trợ còn có hạn, nhưng các địa phương đã chủ động sử dụng nguồn lực từ ngân sách địa phương, lồng ghép từ các chương trình, dự án khác, từ các nguồn vốn tín dụng và thu hút, huy động mạnh mẽ sự tham gia của các doanh nghiệp và đóng góp tự nguyện của người dân. Công tác kiểm tra giám sát được tăng cường. Vai trò của hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố và nâng lên. Quyền và vai trò làm chủ của nhân dân được đề cao, vai trò lãnh đạo của Ðảng ở nông thôn được tăng cường, an ninh trật tự ở nông thôn được giữ vững. Ðời sống của nông dân được cải thiện rõ rệt, an sinh xã hội ngày càng được đảm bảo; các điều kiện về giáo dục, y tế, văn hóa tiếp tục được cải thiện.
Theo báo cáo tổng hợp của Ban Chỉ đạo, đến nay có 185 xã đạt 19 tiêu chí; số tiêu chí đạt chuẩn bình quân cả nước tăng từ 4,7 tiêu chí/xã năm 2011 lên 8,47 tiêu chí/xã năm 2014; có 93,1% số xã hoàn thành quy hoạch chung; 81% số xã phê duyệt đề án xây dựng nông thôn mới; có khoảng trên 9.000 mô hình sản xuất có hiệu quả, tăng thu nhập cho nông dân, bao gồm: mô hình sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị có ứng dụng công nghệ cao, cánh đồng lớn, gắn sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản, liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân; thu nhập của dân cư nông thôn năm 2013 tăng hơn 1,8 lần so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo nông thôn đến hết 2013 là 12,6%, giảm bình quân 2% năm trong thời điểm kinh tế khó khăn.
Bên cạnh những kết quả rất quan trọng đã đạt được, việc thực hiện Chương trình trong thời gian qua vẫn còn một số hạn chế: Tiến độ triển khai nhìn chung còn chậm so với mục tiêu, yêu cầu; nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân về những nội dung thiết yếu của Chương trình chưa đầy đủ, việc quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền ở một số nơi chưa thường xuyên, sâu sát; một số cơ chế, chính sách, không phù hợp, chậm được bổ sung điều chỉnh, sửa đổi; công tác sơ kết, nhân rộng mô hình chưa được thường xuyên, kịp thời; bộ máy giúp việc Ban Chỉ đạo ở một số địa phương còn chưa đủ mạnh; việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới và phương thức tổ chức mô hình sản xuất trong nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu; tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp đang có xu hướng chậm lại; sản xuất nông nghiệp chậm phát triển theo hướng hiện đại, thiếu tính bền vững; quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa gắn được sản xuất với chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu; nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp chưa được coi trọng. Ðào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước tuy có giảm nhưng vẫn cao, thu nhập và mức sống của nông dân còn khó khăn; tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn chưa được giải quyết có hiệu quả, năng lực ứng phó với thiên tai còn nhiều hạn chế; chất lượng y tế, văn hóa, giáo dục ở nhiều nơi còn thấp; hệ thống hạ tầng nông thôn, nhất là các vùng miền núi còn lạc hậu, chậm được cải thiện. Nguồn lực Trung ương và huy động nguồn lực xã hội cho Chương trình còn thấp nhiều so với yêu cầu thực tế.
II. Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới
Cơ bản nhất trí với các phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2015 và các năm tiếp theo được nêu trong Báo cáo Sơ kết 03 năm. Trong quá trình thực hiện, Ban Chỉ đạo Trung ương, các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung làm tốt một số trọng tâm sau:
1. Về ý nghĩa, tầm quan trọng:
Các ngành, các cấp cần tiếp tục quán triệt sâu sắc việc thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới chính là cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 7, Khóa X để công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, trực tiếp góp phần quan trọng vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Do vậy, người đứng đầu cấp ủy và chính quyền các cấp phải trực tiếp chỉ đạo việc triển khai thực hiện. Chương trình xây dựng nông thôn mới với mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân thông qua quá trình hiện đại hóa nông nghiệp, phát triển công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn theo cơ chế thị trường, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhân lực và các nguồn vốn. Xây dựng nông thôn mới là yếu tố quyết định cho sự phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, đồng thời là nền tảng để bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.
2. Về phương hướng, nhiệm vụ, cần chú trọng các nội dung sau:
a) Cần tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp để tăng năng suất, tăng sản lượng và giá trị để tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao đời sống nông dân trong điều kiện đất đai có hạn, dân số tăng lên. Hết sức chú trọng đến việc nghiên cứu sử dụng giống cây, giống con; biện pháp tưới tiêu, canh tác mới, giảm tổn thất sau thu hoạch..., có cơ chế chính sách đặc thù để khuyến khích các nhà khoa học tạo ra những đột phá trong nghiên cứu giống mới có giá trị cao.
b) Xây dựng quan hệ sản xuất mới phù hợp với sự phát triển của lực lượng sản xuất: Thúc đẩy mạnh mẽ việc liên kết, hợp tác, hình thành các mô hình tổ chức phù hợp yêu cầu điều kiện cụ thể, hình thành chuỗi sản xuất tiên tiến để giảm chi phí, hạ giá thành, tăng giá trị. Tăng cường rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sản xuất nông nghiệp phù hợp với yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển thị trường hàng hóa nông nghiệp trong điều kiện hội nhập quốc tế. Quy hoạch nông thôn mới cần chú trọng tính liên kết, bảo đảm thống nhất với quy hoạch xây dựng liên vùng và các quy hoạch chuyên ngành khác để có thể phát triển và khai thác đồng bộ kết cấu hạ tầng, đáp ứng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn.
c) Có chính sách đủ mạnh, đủ khả năng thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn, phát triển sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ; chú trọng công nghiệp chế biến nông sản và công nghiệp thu dụng nhiều lao động nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn.
d) Huy động các nguồn vốn, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn. Nâng cấp các công trình hiện có, sớm đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng thiết yếu (giao thông, thủy lợi, điện, nước, viễn thông...) trên địa bàn các xã; việc đầu tư xây dựng nhà văn hóa, chợ nông thôn, nghĩa trang... cần xem xét kỹ về tính thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức, lãng phí. Trong quá trình thực hiện cần hết sức lưu ý việc huy động đóng góp tự nguyện của nhân dân phải cân nhắc, đảm bảo vừa sức dân; tuyệt đối không được yêu cầu dân đóng góp bắt buộc.
đ) Chú trọng tạo việc làm cho lao động nông thôn theo cả 2 hướng: Ưu tiên đào tạo tại chỗ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng để nâng cao năng suất chất lượng công việc của người lao động đang làm và đào tạo ngành nghề mới để người lao động có thể chuyển sang ngành nghề khác. Có chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc chủ động đào tạo, nâng cao tay nghề cho lao động làm việc cho doanh nghiệp.
e) Tiếp tục tập trung làm tốt công tác giảm nghèo, chú trọng nhất là các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, gắn với việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn.
g) Chú trọng quan tâm tổ chức, hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân thực hiện các nội dung về phát triển y tế, văn hóa, xã hội, môi trường, đảm bảo an ninh trật tự ở nông thôn; cải tạo cảnh quan môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống, tập quán tốt đẹp của làng quê Việt Nam; bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phòng, chống các tệ nạn, giữ vững sự bình yên, hạnh phúc trong cuộc sống gia đình và văn hóa cộng đồng ở nông thôn.
3. Về các giải pháp, lưu ý:
a) Tăng cường nhận thức và quan tâm của cấp ủy Ðảng, chính quyền các cấp và của cả hệ thống chính trị về ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình xây dựng nông thôn mới để cùng chung sức tham gia, đóng góp.
b) Có các cơ chế, chính sách thích hợp và đủ mạnh để thực sự khuyến khích việc ứng dụng khoa học - công nghệ, huy động nguồn lực, thu hút doanh nghiệp, đào tạo nhân lực.
c) Tăng cường các biện pháp tổ chức, chỉ đạo thực hiện; khẩn trương kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp, nghiên cứu mô hình tổ chức điều phối giúp Ban Chỉ đạo các cấp ở địa phương theo hướng bố trí cán bộ chuyên trách trong phạm vi tổng biên chế được giao; ở các cấp cần xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động và phân công cán bộ cụ thể. Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc sát sao; tổ chức định kỳ công tác sơ kết, tổng kết để đánh giá, khen thưởng và uốn nắn kịp thời. Ðẩy mạnh công tác thi đua, khen thưởng, phát hiện kịp thời những cách làm hay, mô hình tốt để phổ biến ra diện rộng.
Trong quá trình thực hiện Chương trình, lưu ý không áp đặt một cách xơ cứng, máy móc các tiêu chí về nông thôn mới, mà cần điều chỉnh phù hợp thực tiễn nhằm đạt được sớm nhất mục tiêu của Chương trình.
III. Về một số kiến nghị của các tỉnh
Về các kiến nghị của các địa phương liên quan đến huy động và lồng ghép nguồn vốn; điều chỉnh tiêu chí đặc thù xây dựng nông thôn mới; mô hình tổ chức bộ máy chuyên trách giúp việc Ban Chỉ đạo các cấp; vay vốn cho nông dân, tín dụng cho người nghèo; cơ chế lồng ghép đầu tư hạ tầng; cơ chế liên kết nông dân và doanh nghiệp: Giao Thường trực Ban Chỉ đạo căn cứ Quyết định 639/QÐ-TTg ngày 05 tháng 5 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Chương trình công tác năm 2014 của Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tổng hợp, đôn đốc các Bộ, ngành liên quan khẩn trương ban hành theo thẩm quyền để bổ sung, sửa đổi các cơ chế, chính sách nêu trên, hướng dẫn địa phương thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương liên quan biết, thực hiện.
Tin cùng chuyên mục
- Thụy Duyên: Nỗ lực xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu 30.09.2024 | 10:18 AM
- Đoàn công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh thăm mô hình nông thôn mới kiểu mẫu tại xã An Thái 22.06.2024 | 18:06 PM
- Giám sát chuyên đề về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tại Kiến Xương 12.06.2024 | 19:14 PM
- Vũ Thư: Lắp đặt thêm 23,7 km đèn điện “thắp sáng đường quê” 04.04.2024 | 15:54 PM
- Vũ Thư: Phấn đấu 8 xã về đích NTM nâng cao năm 2024 29.03.2024 | 15:30 PM
- Phiên họp thứ 5 Ban Chỉ đạo trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 08.03.2024 | 16:17 PM
- Đánh giá, xác nhận các xã An Ninh, Đông Hoàng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao 24.01.2024 | 15:56 PM
- An Thái: Xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh 11.12.2023 | 08:13 AM
- Nửa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấpXây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng văn minh, hiện đại gắn với đô thị hóa 14.11.2023 | 08:48 AM
- Liên Hiệp: Nỗ lực xây dựng nông thôn mới nâng cao 10.11.2023 | 09:32 AM
Xem tin theo ngày
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng